Liệu Trái Đất có đủ sức gánh vác 10 tỉ dân vào năm 2050 ? Ký chung một bài viết trên Le Monde, khoảng 20 nhà khoa học và chủ doanh nghiệp, cùng rung hồi chuông báo động và kêu gọi « kìm hãm mức tăng dân số ». Theo họ, đây là nguyên nhân làm đảo lộn môi trường và khí hậu và « kéo hành tinh chúng ta đến thảm họa thực sự ». Khuyến cáo được đưa ra là cần tài trợ các chương trình kế hoạch hoá gia đình và tránh thai, đặc biệt là ở châu Phi.
Dù có nhiều chương trình hành động được khuyến cáo để hạn chế hiện tượng Trái Đất nóng lên (dùng bóng đèn tiết kiệm năng lượng, ô tô hybrid chạy xăng điện...), nhưng theo hai nhà khoa học Seth Wynes và Kimberly Nicholas, thuộc đại học Lund (Thụy Điển), « bớt một đứa con là giải pháp tốt nhất cho môi trường ». Khuyến cáo này từng bị chỉ trích, nhưng một lần nữa lại trở thành chủ đề thời sự sau khi AFP đăng lại một biểu đồ về hiện tượng này nhân dịp khối GIEC công bố một báo cáo mới về biến đổi khí hậu vào tháng 10/2018.
Câu hỏi đặt ra : « Trái Đất có khả năng chứa bao nhiêu người ? » Ngay từ năm 1679, nhà nghiên cứu tiên phong người Hà Lan về sinh học tế bào, Antoni van Leeuwenhoek, cho rằng không quá 13,4 tỉ. Từ đó, nhiều nghiên cứu khác đưa ra số liệu mới : từ vài trăm triệu đến vài chục tỉ. Năm 2017, trong một diễn đàn chung trên tạp chí BioScience, 15.000 nhà khoa học từ 184 nước khẳng định khả năng tiếp nhận của Trái Đất đã đạt đến giới hạn, nhưng không đưa ra con số cụ thể, đồng thời kêu gọi « xác định lâu dài tổng dân số (mà Trái Đất) có thể chịu được ».
Thực vậy, một cá nhân tiêu thụ càng nhiều nguồn tài nguyên thì họ chừa lại càng ít cho những người khác. Hiện tại, nhân loại cần đến 1,5 Trái Đất để hưởng được các dịch vụ của thiên nhiên, với mức tiêu thụ hiện nay. Vì vậy, hàng năm, tổ chức Global Footprint Network công bố « ngày vượt giới hạn », có nghĩa là ngày nhân loại đã tiêu thụ hết tài nguyên mà Trái Đất có thể tái tạo trong một năm. Trong thập niên 1970, mốc này là ngày 29/12, đến năm 2018, ngay từ ngày 01/08, nhân loại bắt đầu ăn lạm vào nguồn tài nguyên.