Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân|
Ngày 31 tháng Năm vừa qua, trên mạng xã hội Facebook, nhân nhắc về việc cựu Thủ Tướng Thái Lan Prem Tinsulanonda qua đời, Thủ Tướng Singapore Lý Hiển Long đã viết: “Thời điểm ông ấy (Prem Tinsulanonda) làm thủ tướng trùng với thời điểm năm nước thành viên ASEAN cùng nhau chống lại sự xâm lược của Việt Nam vào Campuchia và chính phủ Campuchia, sau đó đã thay thế chế độ Khmer Đỏ.” (BBC Tiếng Việt).
Quan điểm của ông Lý Hiển Long thể hiện cách nhìn của một quốc gia trong khối ASEAN mà quyền lợi chính trị cũng như kinh tế gắn liền sự ổn định khu vực sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào ngày 30 tháng Tư, 1975. Quan điểm này trên thực tế phù hợp với định nghĩa của Nghị Quyết 3314 của Liên Hiệp Quốc: “Xâm lược là việc sử dụng lực lượng vũ trang của một quốc gia nhằm chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hay sự độc lập về chính trị của một quốc gia khác…” (Wikipedia). Việc nhà cầm quyền CSVN đưa một lực lượng quân đội hơn 200 ngàn quân chiếm đóng Campuchia từ ngày 7 tháng Giêng, 1979, dù biện minh bất cứ lý do gì, đã cho thấy Hà Nội đã thực hiện đúng theo định nghĩa nói trên.
Hai chữ “xâm lược” tưởng đã quên lãng, nay bị ông Lý Hiển Long nhắc lại, đã lật tẩy bộ mặt thật của Hà Nội trước công luận quốc tế mà lâu nay họ cố giấu nhẹm. Nó lập tức gây ra một cơn bão chỉ trích ông Lý Hiển Long một cách nặng nề của hầu hết báo chí quốc doanh Việt Nam và một số dư luận người Việt Nam bảo hoàng hơn vua.
Điển hình như báo Công an TP. HCM phê phán thủ tướng Singapore đã “đưa ra những nhận định hoàn toàn trái với sự thật lịch sử về giai đoạn quân tình nguyện Việt Nam sang Campuchia giúp nước bạn lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ tàn bạo.” Hay như bài báo của trang tin VTC cho rằng thủ tướng Singapore có “một phát biểu hồ đồ, sai sự thật, xuyên tạc lịch sử, chạm vào nỗi đau của người dân Campuchia, của nhân dân Việt Nam về một giai đoạn khổ đau và đen tối nhất trong lịch sử.”
Những người cộng sản ưa nói tới “sự thật lịch sử”, nhưng xem ra phải là loại lịch sử do họ dựng lên, tô vẽ, bịa đặt cho đúng khẩu vị của những tay chuyên nghề nói dối.
Không ai muốn bào chữa miễn phí cho một chế độ tàn bạo như Pol Pot, nhưng hành động xâm lược có “chủ đích”của Hà Nội lúc đó thực sự làm thế giới dân chủ rúng động. Nhất là các nước vùng Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore tỏ ra vô cùng lo lắng trong khi Tổ chức Liên Phòng Đông Nam Á (SEATO) vừa tan rã năm 1977.
Cuộc tấn công ngày 7 tháng Giêng, 1979 cách nay 40 năm vào thủ đô Phnom Penh, nhà cầm quyền CSVN đã nhanh chóng xoá bỏ chính quyền Campuchia Dân Chủ lúc đó do Pol Pot đứng đầu, sau đó lực lượng quân sự Việt Nam đã ở lại 10 năm và chỉ rút lui từ năm 1989. Chuyện này phải được coi là lịch sử một cuộc xâm lăng và chiếm đóng một nước có chủ quyền, bất luận chính quyền của nước ấy là một chính quyền thế nào. Nhưng từ đó đến nay nó luôn được Hà Nội mô tả một cách hào hiệp rằng “quân tình nguyện Việt Nam” đã sang giúp nhân dân Campuchia đánh đuổi chế độ diệt chủng Pol Pot và coi đó như một chiến thắng của tình vô sản anh em.
Một số dư luận lý giải thêm về tình hình biên giới Tây Nam để biện minh cho hành động của Việt Nam trong việc buộc phải sử dụng vũ lực để bảo vệ lãnh thổ trong tình hình căng thẳng với Trung Quốc ở biên giới phía Bắc. Tuy nhiên đây cũng chưa phải là lý do chính để bào chữa cho tham vọng xây dựng Liên Bang Đông Dương của tập đoàn lãnh đạo đảng CSVN vào lúc đó mà đứng đầu là hai ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ.
Thời điểm năm 1979 tướng Prem Tinsulanonda là thủ tướng Thái Lan, một nhân vật được mô tả là chống cộng khét tiếng sau khi Miền Nam sụp đổ. Rõ ràng ông phải lo ngại Việt Cộng sau khi đánh đuổi Pol Pot chiếm được Campuchia có thể nhân cơ hội tràn qua biên giới Thái, tiến quân thẳng vào Bangkok để thực hiện mong muốn điên rồ “làm cách mạng giải phóng cả thế giới”. Do đó Thái Lan đã vận động các quốc gia trong tổ chức Liên Hiệp Quốc nhiều lần lên án hành động xâm lược không thể chối cãi của Việt Nam theo luật pháp quốc tế.
Nhưng đối với Việt Cộng lúc ấy, do tham vọng bành trướng của lãnh đạo CSVN nên bất chấp sự lên án và cấm vận của quốc tế. Sở dĩ Hà Nội dám mạnh dạn xua quân chiếm đóng Campuchia vì họ đánh giá đúng thái độ của các quốc gia Tây phương qua Hiệp Định Paris năm 1973. Hà Nội đã phớt lờ Định Uớc của Liên Hiệp Quốc và 12 quốc gia nhằm bảo đảm việc thi hành Hiệp Định. Họ tiếp tục xua quân chiếm Việt Nam Cộng Hoà một quốc gia thành viên LHQ nhưng không có ai lên tiếng. Chính sự làm ngơ của các nước đã ký vào Định Ước bảo đảm thi hành Hiệp Định Paris 1973 giúp Việt Cộng thành công, xoa tay mừng chiến thắng chiếm được Miền Nam.
Từ sự kiện chiếm đóng Campuchia từ ngày 7 tháng 1 năm 1979 đến nay, miệng lưỡi CSVN vẫn không có gì thay đổi. Nhưng điều đó cũng dễ hiểu vì không người cộng sản nào nhận mình là kẻ xâm lược. Mới đây tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La, Nguỵ Phượng Hoà trơ trẽn tuyên bố “Trong suốt 70 năm qua kể từ ngày thành lập nước, Trung Quốc chưa bao giờ phát động một cuộc chiến hay xung đột, hay xâm lược quốc gia khác hay lấy dù chỉ một tấc đất của nước khác”. Người ta có thể hỏi trong hai năm 1974 và 1988 Trung Cộng đã làm gì ở Hoàng Sa và Gạc Ma? Hoặc năm 1959 Trung Cộng “Giải phóng hoà bình” Tây Tạng hay đánh chiếm một quốc gia?
Rõ ràng miệng lưỡi của những tên độc tài luôn giống nhau. Hay nói cách khác, Trung Cộng và Việt Cộng ứng với câu “Cha nào con nấy, thầy nào tớ nấy!”
Phạm Nhật Bình