Trung Điền - Web Việt Tân|
Sau khi viếng thăm và trao đổi về tình hình Á Châu với ba ngoại trưởng Nhật Bản, Nam Hàn và Mông Cổ, Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ, bà Wendy Sherman đã bay đến thành phố Thiên Tân để gặp Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị, và sau đó có cuộc họp riêng với Thứ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Tạ Phong trong cùng ngày 26 tháng Bảy vừa qua.
Theo đánh giá chung của các nhà quan sát quốc tế thì không khí cuộc gặp rất căng thẳng và đã không có điều gì mới kể từ sau cuộc gặp đầy sóng gió ở Alaska vào trung tuần tháng Ba năm nay. Điểm đáng nói là tại hội nghị này, hai phía đã không thảo luận gì về cuộc họp cấp cao giữa Tổng Thống Biden với Chủ Tịch Nước Tập Cận Bình khi tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 vào cuối tháng Mười tại Rome, Italy. Theo bà Wendy Sherman thì tuy hội nghị không mang lại sự đồng thuận gì mới vì hai phía vẫn còn nhiều khác biệt, nhưng có một điểm “đáng khích lệ” là cả hai đều muốn duy trì sự đối thoại.
Trong lần gặp gỡ này, phía Trung Quốc đã trao cho bà Wendy Sherman hai tài liệu. Tài liệu thứ nhất liên quan đến những điều mà Bắc Kinh cho là Hoa Thịnh Đốn phải giải quyết để “khắc phục” hậu quả, bao gồm dỡ bỏ các ngăn chặn việc cấp chiếu khán vào Mỹ đối với những đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc, thân nhân và những du học sinh; dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với những nhà lãnh đạo, quan chức và cơ quan chính quyền; dỡ bỏ các hạn chế đối với Viện Khổng Tử và các công ty của Trung Quốc. Ngoài ra, Bắc Kinh còn yêu cầu Hoa Kỳ chấm dứt việc ngăn chặn các đặc phái viên nước ngoài của Trung Quốc được tác nghiệp ở Hoa Kỳ, và nhất là hủy bỏ yêu cầu dẫn độ bà Mạnh Vạn Châu (Meng Wan Zhou), giám đốc tài chánh của Tập đoàn Huawei từ Canada.
Tài liệu thứ hai liên quan đến những vấn đề mà Bắc Kinh muốn Hoa Kỳ “quan tâm,” bao gồm giải quyết những đối xử bất công với công dân Trung Quốc tại Hoa Kỳ, chấm dứt quấy rối các lãnh sự quán và đại sứ quán Trung Quốc, ngăn chặn làn sóng kỳ thị người Á Châu tại Hoa Kỳ. Tuy không để trong tài liệu thứ hai, nhưng Thứ Trưởng Tạ Phong nói với bà Wendy Sherman là Trung Quốc hoàn toàn bác bỏ cách tiếp cận của chính quyền Biden khi Tòa Bạch Ốc vừa duy trì sức ép lên Trung Quốc, vừa tìm kiếm sự hợp tác của Bắc Kinh trong những vấn đề về biến đổi khí hậu, vấn đề hạt nhân Iran và Bắc Triều Tiên.
Tuy bề ngoài chỉ trích Hoa Kỳ nào là đã có những hành vi “đạp lên lằn ranh đỏ,” “chơi trò khiêu khích,” “núp dưới chiêu bài giá trị chung để tìm cách cô lập Trung Quốc,” nhưng bên trong hội nghị thì Trung Quốc mong muốn Hoa Kỳ chấm dứt các chính sách thù địch, cùng hợp tác cho những lợi ích chung giữa hai nước. Sự kiện Trung Quốc trao cho Hoa Kỳ hai tài liệu với những “yêu sách” cần Hoa Kỳ phải giải quyết cho thấy là Bắc Kinh thật sự “bối rối” về các đòn trừng phạt của Hoa Thịnh Đốn ít nhất là từ năm 2018 cho đến nay.
Thứ nhất, việc Hoa Kỳ trừng phạt một số cán bộ lãnh đạo Trung Quốc và Hong Kong liên quan đến vụ đàn áp người Uyghur ở Tân Cương, đàn áp phong trào dân chủ tại Hong Kong; đồng thời cấm cửa đối với một số đảng viên cộng sản, thân nhân và sinh viên Trung Quốc đến Hoa Kỳ đã khiến cho “giấc mơ Mỹ Quốc” của hàng triệu thanh niên Trung Quốc bị sụp đổ. Lý do là sự “cấm cửa” này làm ảnh hưởng lớn đến con đường tiến thân của nhiều con em trong các gia đình trung lưu ở Trung Quốc ngày nay muốn tìm một đời sống mới tại nước Mỹ. Nhưng quan trọng hơn, hệ quả của sự “cấm cửa” này đã khiến cho nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc lùng bùng khi có rất đông đảng viên bày tỏ sự bất mãn về việc lãnh đạo Bắc Kinh đã không nghe lời khuyên của Đặng Tiểu Bình, vội vã để lộ tham vọng khống chế thế giới, khiến Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ và cả thế giới tự do cô lập.
Thứ hai, việc Hoa Kỳ ra lệnh cấm vận gần 100 đại công ty của Trung Quốc không được đầu tư và giao thương với các công ty Hoa Kỳ đã không chỉ gây khó khăn cho các hoạt động thương mại của những công ty này, mà còn làm cho chiến lược Made In China 2025 của họ Tập nhằm nuôi dưỡng những công ty công nghệ cao để qua mặt Hoa Kỳ vào năm 2025 bị khựng lại, và phải triển hạn chiến lược này đến năm 2035. Sự cấm vận này còn khiến cho 44% doanh nghiệp khác của Trung Quốc đã phải chuyển hướng các đầu tư và thương mại sang khu vực Châu Á và Châu Âu nhằm tránh những trừng phạt từ Hoa Kỳ.
Trong khi bà Wendy Sherman rời Thiên Tân bay về Hoa Thịnh Đốn, thì Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken lại bay sang New Delhi để gặp Thủ Tướng Narendra Modi và Bộ Trưởng Ngoại Giao Ấn Độ là Tiến Sĩ Jaishankar vào Thứ Ba ngày 27 tháng Bảy, cho thấy là chính quyền Tổng Thống Biden đang ngày càng coi trọng quan hệ với Ấn Độ, trong khi quan hệ với Bắc Kinh đang đi vào bế tắc, nhất là Tòa Bạch Ốc đang chuẩn bị một báo cáo về căn nguyên của đại dịch coronavirus vào cuối tháng Tám năm nay.
Nói tóm lại, Trung Quốc thật sự không muốn thấy quan hệ với Mỹ ngày một xấu đi hơn nữa vì lo ngại làn sóng thất vọng đang dâng cao trong đảng Cộng Sản khiến các hoạt động kinh doanh và cơ hội cho con cái của họ sang Mỹ học tập bị trở ngại. Nhưng vốn kiêu ngạo và coi mình là một hoàng đế, Tập Cận Bình lại dùng những xung đột với Hoa Kỳ để kích lên làn sóng “ái quốc” nhằm triệt hạ những phe nhóm muốn thách đố quyền lực của họ Tập. Tình hình này cho thấy là nội tình của Trung Quốc không mấy sáng sủa, và việc họ Tập có thể tiếp tục cầm quyền thêm nhiệm kỳ thứ 3, sau đại hội toàn đảng kỳ thứ XX vào tháng Mười, năm 2022 còn là một dấu hỏi lớn.
Trung Điền
XEM THÊM:
- Trung Quốc có thể tiếp tục đà trỗi dậy hay không?
- Thế giới nên coi chừng đảng Cộng Sản Trung Quốc
- Ý nghĩa việc Hoa Kỳ trừng phạt các công ty và cá nhân Trung Quốc liên quan đến việc xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông