Nguyễn Quang Dy
Nếu 2 thập kỷ đầu của thế kỷ 21 là giai đoạn chuyển tiếp (transition) đầy biến số (như Brexit và Trumpism) làm trật tự thế giới đảo lộn và bất ổn, thì các thập kỷ tiếp theo sẽ chứng kiến việc định hình một bức tranh mới về thế giới. Tác nhân chính của quá trình đó là đối đầu Mỹ-Trung. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đang đối mặt với 3 thách thức lớn.
Thứ nhất, người Mỹ đã tỉnh ngộ và liên kết với nhau để chống lại Trung Quốc trỗi dậy. Thứ hai, Trung Quốc đang suy thoái do đối đầu chiến lược với Mỹ và đồng minh. Thứ ba, người dân Trung Quốc sẽ bất bình và phản kháng. Trước bức tranh lớn màu xám, lúc này còn quá sớm để phỏng đoán và hình dung được tương lai của Trung Quốc và thế giới.
Mỹ đã tỉnh ngộ
Năm 1989 khi xảy ra vụ Thiên An Môn, Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ Trung Quốc. Bill Clinton và nhiều người khác (như Robert Zoellick) vẫn tin rằng Trung Quốc sẽ cải cách và dân chủ hóa để “trỗi dậy hòa bình”, nên đã theo đuổi quá đà chủ trương tham dự (constructive engagement). Đó là một sự ngộ nhận tai hại mà Trung Quốc đã lợi dụng để trỗi dậy (không hòa bình). Gần đây Mỹ đã tỉnh ngộ và coi Trung Quốc là kẻ thù và “đối thủ chiến lược”.
William Safire (NYT columnist) kể lại rằng trước khi mất (1994), Richard Nixon đã thừa nhận trong cuộc phỏng vấn: “Chúng ta có thể đã tạo ra một Frankenstein” (We may have created a Frankenstein). Theo Michael Pillsbury (Hudson Institute, Director for Chinese Strategy), đó là “thất bại lớn nhất về tình báo của Mỹ” (the greatest US intelligence failure) trong 50 năm qua. (“The Hundred-Year Marathon”, Michael Pillsbury, Holt, 2015).
Vì vậy, đối đầu Mỹ-Trung không phải là một sự kiên nhất thời mà là một quá trình lâu dài đang diễn ra như đặc thù của thế kỷ 21, trong đó cuộc chiến thương mại chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” (tip of the iceberg). Nhiều nhà phân tích coi xung đột Mỹ-Trung là “cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới”, không chỉ về thương mại mà còn bao gồm công nghệ, tiền tệ, pháp lý, cũng như đối đầu về mô hình ý thức hệ và thể chế kinh tế/chính trị.
Tuy về các vấn đề khác thì nội bộ Mỹ thường cãi nhau to và nhiều người sẽ chống lại Trump, nhưng về chống Trung Quốc, thì cả đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đều đồng thuận. Hiện nay, việc ngăn chặn và kiềm chế Trung Quốc đã trở thành tầm nhìn chung của Quốc Hội cũng như chính quyền. Đây có thể là một lợi thế để Trump tranh cử. Vì vậy, nếu Bắc Kinh vẫn hy vọng vào khả năng Trump sẽ thất cử vào năm 2020, thì có thể là một sai lầm.
Quá trình tỉnh ngộ và cuộc tranh luận đã bắt đầu từ thời Obama, nhưng chưa được người ta chú ý đúng mức. Mãi đến thời Trump, chiến lược về Trung Quốc mới được điều chỉnh. Theo NDS, Trung Quốc từ đối tác chiến lược nay trở thành “đối thủ chiến lược” (số một). Nói cách khác, “lịch sử đang lặp lại” khi 2 siêu cường Mỹ-Trung tranh giành vị trí bá chủ thế giới, như sa vào “cái bẫy Thucydides” mà Graham Allison đề cập (“Destined for War: Can America and China Escape Thucydides’s Trap?” Graham Allison, Harcourt, 2017).
Theo Allison, chiến tranh lạnh có 5 bài học cần tham khảo. Thứ nhất, chiến tranh giữa các cường quốc hạt nhân là điên rồ: Xung đột tại Biển Đông hay Biển Hoa Đông hay bán đảo Triều Tiên là tự sát. Thứ hai, phải sẵn sàng chiến tranh dù không thể thắng: Để bảo vệ lợi ích sống còn, phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Thứ ba, phải xác định “luật chơi nguyên trạng mong manh”: Để tồn tại cần thận trọng, giao tiếp, kiềm chế, thỏa hiệp, và hợp tác. Thứ tư, đối nội là quyết định: Mô hình chuyên chế của Trung Quốc có thắng mô hình dân chủ của Mỹ. Thứ năm, hy vọng không phải là chiến lược: Một chiến lược nhất quán chưa đủ đảm bảo thắng lợi.
Theo Minxin Pei, chủ nghĩa thân hữu (cronyism) là vấn đề. (“China’s Crony Capitalism: The Dynamics of Regime Decay”, Minxin Pei, Harvard University Press, 2016). Gần đây, Minxin Pei cho rằng chiến tranh lạnh Mỹ-Trung đang leo thang sang giai đoạn mới. Sớm hay muộn, Mỹ cần sự ủng hộ của đồng minh để chống Trung Quốc, nên bỏ quan điểm của Kiron Skinner (bộ Ngoại Giao) coi đối đầu Mỹ-Trung là xung đột của hai nền văn minh và sắc tộc. Đến lúc cần một lập luận mới để lý giải việc Mỹ chống Trung Quốc” (“Is Trumps Trade War with China a Civilizational Conflict?”, Minxin Pei, Project Syndicate, May 14, 2019).
Muốn đối đầu với Mỹ, Trung Quốc cũng cần đồng minh (như EU, Nhật, Nga, ASEAN), nhưng ngày càng bị cô lập. Trong khi Angela Merkel (thủ tướng Đức) nói “Châu Âu phải đoàn kết để đứng lên đối phó với Trung Quốc”, Guy Verhofstadt (cựu thủ tướng Bỉ) cho rằng Trung Quốc đang trở thành “đế quốc”. Đối với Nhật lại càng khó vì trong quá khứ có nhiều thù hận, gần đây lại tranh chấp Trung-Nhật tại Điếu Ngư. Tuy Nga cần Trung Quốc nhưng vẫn lo người Trung Quốc tràn sang vùng Viễn Đông giàu tài nguyên của họ. Malaysia dưới thời Mahathir đã xoay trục coi Trung Quốc là “thực dân mới”, như một xu thế trong ASEAN.
Trung Quốc suy thoái
Quá trình suy thoái thường có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là do nguyên nhân nội tại, có tính quy luật do chu kỳ phát triển hay suy thoái. Hiện nay, kinh tế Trung Quốc đang trong chu kỳ suy thoái, nên bất lợi khi đối đầu với Mỹ (đang trong chu kỳ phát triển). Thứ hai là do các nguyên nhân bên ngoài, như hậu quả của đối đầu với Mỹ, trước mắt là cuộc chiến thương mại, tiếp theo là cuộc chiến về công nghệ, pháp lý, và tiền tệ… Đồng thời, Mỹ sẽ đẩy vấn đề Đài Loan và Biển Đông lên như hai điểm nóng chủ yếu (trong thế cờ vây). Nói cách khác, đó là một cuộc chiến tranh lạnh tổng lực (all-out cold war) kiểu mới và kéo dài.
Theo Joseph Nye, Trung Quốc là “người khổng lồ chân đất sét”, bị vướng những quả bom nổ chậm với năng lượng tiêu cực dồn nén, sắp đến lúc phát nổ (tipping point). Tuy Trung Quốc đã trở thành một xã hội trung lưu, nhưng giới cầm quyền vẫn mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn về ý thức hệ đã lỗi thời. Trong khi dân số Trung Quốc lão hóa (từ 2015) và mất cân đối (giữa nam và nữ), chính quyền vẫn chưa kiến tạo được “quyền lực mềm’ (dựa trên xã hội dân sự). (“Does China have Feet of Clay”, Joseph Nye, Project syndicate, April 4, 2019).
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại gia tăng và kéo dài, kinh tế Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nhiều hơn, trong khi kinh tế Mỹ sẽ bị thiệt hại ít hơn. Một phần là do kinh tế Trung Quốc vẫn phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu (chủ yếu sang Mỹ). Nếu GDP của Trung Quốc năm 2019 tăng 6,2% thì sang năm 2020 sẽ chỉ còn 6%. Nếu GDP của Mỹ năm 2019 tăng 2,8% thì sang năm 2020 sẽ chỉ còn 2,3%. Trong khi đó kinh tế của Nhật và các nước khác phụ thuộc vào xuất khẩu cũng bị tác động nặng nề bởi cuộc chiến tranh thương mại này.
Theo Bloomberg, trên 20.000 công ty nước ngoài tại Trung Quốc (tạo ra 45 triệu công ăn việc làm) phải rút khỏi Trung Quốc vì cuộc chiến thương mại, trong đó có 400 công ty Mỹ đầu tư đã tuyên bố rút khỏi Trung Quốc. Theo Kyodo News, 60% các công ty Nhật hoạt động ở Trung Quốc sẽ chuyển sang nước khác, và 40% đang rút vốn khỏi Trung Quốc.
Theo PEW, khoảng 728 triệu dân Trung Quốc đang sống với mức thu nhập thấp ($ 2-5/ngày). Theo con số thống kê, nợ công của Trung Quốc lên tới 255,7% GDP, trong khi tổng số nợ thực tế vượt quá 400% GDP (US$ 34.000 tỷ). Trong khi Trung Quốc có hàng trăm “khu đô thị ma” (như Fushun tại Liêu Ninh, rộng 22 km2) ngành xây dựng “không thể dừng lại”. Bong bóng bất động sản khổng lồ (bị đóng băng) dẫn đến bong bóng nợ xấu khổng lồ.
Khi cuộc chiến thương mại với Mỹ bắt đầu, Trung Quốc đặt ra 3 phương án. Một là không đáp trả (để bảo vệ đồng tiền, xuất khẩu, thị trường chứng khoán). Hai là đáp trả vừa phải (vừa đánh vừa đàm, như vừa rồi). Ba là đánh tới cùng (all-out war). Sau khi đàm phán đổ vỡ, Lưu Hạc từ Mỹ trở về tay không, thì phương án 3 (hay hiệp 3) bắt đầu. Không phải Bắc Kinh muốn vậy, mà họ bị xô đẩy vào thế bị động đối phó, do đánh giá nhầm về Trump.
Hiệp 3 bắt đầu không chỉ về thương mại, mà còn về công nghệ cao. Mỹ đã cấm vận Huawei và 5 công ty khác (Dahua, Hikvision, Yitu, Megvii, SenseTime). Các công ty Mỹ (như Google, Intel, Microsoft, Qualcomm, Broadcom, Micron, Western Digital) đã tuyên bố sẽ không làm việc với Huawei. Tiếp theo là cuộc chiến pháp lý khi 13 thượng nghị sỹ (của 2 đảng) dẫn đầu bởi Marco Rubio và James Risch, đã yêu cầu thông qua dự luật trừng phạt “các hành động phi pháp và nguy hiểm (của Trung Quốc) tại Biển Đông và Biển Hoa Đông”.
Trung Quốc đã nhanh chóng vươn lên về công nghệ mới, ứng dụng Big Data và Artificial Intelligence vào thanh toán trực tuyến (online payment) và phát triển mạng 5G. Nhưng an ninh Trung Quốc cũng đang ứng dụng các công nghệ mới để kiểm soát người dân như “bạo chúa kỹ thuật số” (digital tyranny) tại Tân Cương và các nơi khác. Vì vậy, “Made in China 2025” và kế hoạch triển khai mạng 5G của Huawei đã làm Mỹ bức xúc chống lại.
Người dân phản kháng
Giới trí thức và tầng lớp trung lưu (new rich) là hệ quả của Trung Quốc phát triển nhanh, như một chân kiềng của chế độ (với khẩu hiệu “ba đại diện” và “xã hội khá giả”). Họ ủng hộ chính quyền chừng nào Bắc Kinh duy trì tăng trưởng (như “new normal”). Tuy đây là một sự mặc định để được dân chúng ủng hộ, nhưng có thể trở thành con dao hai lưỡi khi kinh tế suy thoái, làm họ bất bình. Giới trung lưu đã mấy lần bị “tàn sát” bởi thị trường chứng khoán suy sụp. Họ có thể phản kháng mạnh hơn hoặc di cư ồ ạt (như “bỏ phiếu bằng chân”).
Giới trí thức và dân trung lưu thường ủng hộ cải cách (đối nội) và không muốn đối đầu với Mỹ (đối ngoại). Họ cho rằng Tập Cận Bình không theo lời khuyên của Đặng Tiểu Bình, đã thách thức Mỹ quá sớm như “Cao Biền dậy non”, nên dẫn đến tai họa. Đa số người Trung Quốc lo ngại hậu quả nghiêm trọng của thương chiến sẽ ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập, cơ hội xuất cảnh và du học. Nếu sản xuất đình trệ vì không xuất khẩu được, hàng chục triệu người Trung Quốc sẽ thất nghiệp, dẫn đến bất ổn xã hội, với hiểm họa khó lường.
Trung Quốc chắc chắn có nhiều người tài, nhưng đã bị thui chột và vô nhiệu hóa bởi thể chế độc đoán do các phái “Thái tử Đảng” và “Đoàn Thanh niên” thao túng, nên giới tinh hoa không phát huy được tài năng để tạo ra sự khác biệt. Đứng trước tình huống khó lường, Bắc Kinh thường vận dụng hệ quy chiếu đối nội vào đối ngoại nên dễ ngộ nhận và sai lầm. Bắc Kinh đã mấy lần ngộ nhận và sai lầm khi đánh giá về Trump trong cuộc chiến thương mại.
Dân số Trung Quốc không chỉ có 1,4 tỷ (con số chính thức) mà có thể tới 1,5 hay 1,6 tỷ (theo nguồn không chính thức). Vấn đề dân số (demographic) Trung Quốc bất ổn vì già nhanh và nam nhiều hơn nữ, nên nguồn nhân lực (một thế mạnh) đang suy giảm. Trong quá trình phát triển, dân đổ ra thành thị nhưng nay thất nghiệp và đời sống khó khăn, đang quay về nông thôn. Sự đổi chiều của dòng chảy dân số là một hiểm họa như quả bom nổ chậm.
Quốc nạn tham nhũng và khoảng cách giầu/nghèo tăng nhanh làm bần cùng hóa người dân lao động, càng làm cho họ bất bình và phản kháng. Số lượng và quy mô các cuộc biểu tình và phản kháng ngày càng tăng. Nếu những cuộc biểu tình phản kháng (năm 2017) gồm hàng chục vạn người (tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông, Hắc Long Giang, Tứ Xuyên, Hà Bắc) chủ yếu do môi trường ô nhiễm và bất công xã hội thì nay (năm 2018 và 2019) tăng lên chủ yếu do hệ quả của suy thoái kinh tế dẫn đến thất nghiệp và đời sống khó khăn.
Người dân Tây Tạng bị đối xử tàn tệ và người dân Tân Cương bị kiểm soát chặt chẽ bằng các trại tập trung khổng lồ và hệ thống chấm điểm xã hội (social credit system) ứng dụng công nghệ cao để theo dõi và kiểm soát họ như “bạo chúa kỹ thuật số” (digital tyranny). Chủ trương này như con dao hai lưỡi, sẽ phản tác dụng nếu làm quá tay đẩy dân chúng tới mức “tức nước vỡ bờ” phản kháng lại. Mỹ và phương Tây sẽ bênh vực họ vì lý do nhân quyền. Việc trấn áp Tây Tạng và Tân Cương, cũng như Pháp Luân Công, là mấy quả bom nổ chậm.
Khi Trung Quốc sa lầy tại ngã ba đường, thương chiến Mỹ-Trung là chất xúc tác sẽ gây ra biến động lớn. Đảng và Chính phủ nắm các tập đoàn nhà nước và các đại công ty thân hữu để có tiền nuôi bộ máy khổng lồ và phục vụ các mục tiêu chiến lược. Nhưng Mỹ đang đánh Huawei là mô hình “tư bản nhà nước” (theo “chủ nghĩa thân hữu”). Đây có thể là cơ hội để phái cải cách trong nước lên tiếng, phá thế độc quyền của các đại công ty do hơn 100 gia tộc lớn kiểm soát. Sớm hay muộn, Trung Quốc phải thay đổi mô hình kinh tế và chính trị.
Nhưng khi bị Mỹ tấn công, bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc lại tỏ ra lúng túng và phản ứng theo cách cũ. Họ chỉ đạo báo chí trong nước bôi xấu Trump như để cho các hãng sản xuất giấy toilet in hình Trump. Gần đây, trong chuyến đi thăm Giang Tây (20/5/2019), Tập Cận Bình đã kêu gọi một cuộc “Vạn lý Trường Chinh mới” để chống lại Mỹ trong khi chỉ đạo báo chí nói về “chiến tranh nhân dân”, thậm chí nói về chiến tranh Triều Tiên. Đó là một cách cổ điển để kích động tinh thần dân tộc, nhằm đẩy sức ép của dư luận ra bên ngoài.
Bức tranh màu xám
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là “phần nổi của tảng băng chìm” và là khởi đầu của một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới kéo dài (chưa có hồi kết). Về công nghệ, Mỹ đã khuất phục được ZTE và đang đánh tiếp Huawei (lớn gấp 5 lần ZTE). Huawei tuy mạnh nhưng ảo tưởng vào năng lực của mình, vì toàn bộ công nghệ viễn thông của Huawei vẫn phụ thuộc vào công nghệ Chip của Mỹ. Ví dụ, Huawei phải mất 5 năm để làm được một lõi xử lý tương đương với “ARM Cortex-A75” (tuy chưa phải tốt nhất của ARM). Phần mềm để Huawei thiết kế Chip cũng là của Mỹ (như Cadence và Synopsys). Những lõi DSP xử lý modem trong điện thoại và thiết bị viễn thông 5G của Huawei cũng dựa trên các lõi DSP của Cadence.
Tuy Trung Quốc bắt chước rất giỏi, nhưng công nghệ sản xuất Chip “FinFET sub 10nm” rất khó tiếp cận vì những thiết bị lõi đều do hãng ASML cung cấp, nên Trung Quốc không thể mua nếu Mỹ không đồng ý. Với công ty SMIC, Trung Quốc chỉ có thể sản xuất được Chip 28nm (nhưng vẫn chưa ổn định). Tuy hãng Chip lớn nhất thế giới là TSMC (của Đài Loan) vẫn hợp tác với Huawei, nhưng Mỹ có thể can thiệp với Đài Loan để ngăn cấm.
Tóm lại, Mỹ đánh ZTE để cảnh báo, và bắt Mạnh Vãn Chu tại Canada không phải ngẫu nhiên. Trump quyết định cấm vận Huawei là đánh vào tử huyệt của Bắc Kinh. Có khả năng rồi đây Trung Quốc sẽ phải nhân nhượng Mỹ, vì Huawei quá quan trọng để họ hy sinh. Huawei không chỉ là hãng sản xuất smart phone lớn thứ 2 thế giới, mà là trụ cột để triển khai mạng 5G có ý nghĩa chiến lược trong kế hoạch “Made in China 2025” đầy tham vọng.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có 5 lá bài để đối phó với Mỹ. Thứ nhất là Mỹ sắp bầu cử tổng thống (năm 2020) nên đó là một điểm yếu. Thứ hai là sự phụ thuộc của Mỹ vào “đất hiếm” của Trung Quốc (sản xuất tới 95% sản lượng trên thế giới). Thứ ba là Trung Quốc nắm trong tay hơn US$ 1.100 tỷ trái phiếu Mỹ, nếu bán ra có thể làm ảnh hưởng đến thị trường tài chính Mỹ. Thứ tư là Trung Quốc có thể dùng lá bài Bắc Triều Tiên để ép Mỹ. Thứ 5 là Trung Quốc có thể kích động tinh thần dân tộc của người dân Trung Quốc chống Mỹ.
Nhưng 5 lá bài đó đều có giới hạn. Tuy Trung Quốc đánh thuế hàng hóa của các bang vốn ủng hộ Trump có thể làm ông mất phiếu, nhưng Trump có thể hóa giải bằng cách trợ cấp cho các bang đó và kêu gọi tinh thần yêu nước của họ. Trên thực tế, Trump nhận được nhiều phiếu của các cử tri trung lập ủng hộ lập trường cứng rắn chống Trung Quốc. Tuy lá bài “đất hiếm” có giá trị trước mắt, nhưng lâu dài mất thiêng vì Mỹ và các nước khác sẽ tăng cường sản xuất “đất hiếm” để không phụ thuộc vào nguồn Trung Quốc. Năm 2010, Trung Quốc đã từng cấm vận “đất hiếm” với Nhật, nhưng lợi bất cập hại, vì “gậy ông đập lưng ông”.
Hiện nay, Trung Quốc còn US$ 3.200 tỷ dự trữ quốc gia, và US $1.100 tỷ công trái chính phủ Mỹ (Treasury bonds). Nếu bí quá, Trung Quốc phải bán tháo công trái như “bán lúa non” sẽ mất giá. FED có thể hạ lãi suất làm công trái giảm giá sâu, nếu các công ty Mỹ bán tháo chứng khoán Trung Quốc để mua công trái Mỹ, thì họ có thể làm sập sàn chứng khoán và làm Trung Quốc vỡ nợ công. Nếu Bắc Kinh bán tháo công trái sai luật, thì đồng nhân dân tệ có thể bị loại khỏi “rổ tiền tệ quốc tế”, và Trung Quốc có thể bị khai trừ khỏi WTO.
Trong khi đó, là bài Bắc Triều Tiên không còn giá trị như trước, vì xu hướng xoay trục “thoát Trung” của Bắc Triều Tiên và hòa giải Liên Triều ngày càng rõ. Tuy cuộc gặp Trump-Kim lần thứ hai (tại hà Nội) không có kết quả cụ thể, nhưng quá trình đối thoại Mỹ-Triều để tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên khó đảo ngược. Bắc Kinh có thể kích động tinh thần dân tộc của người dân chống Mỹ, nhưng về lâu dài, đó là một “con dao hai lưỡi”.
Việt Nam có thể hy vọng vào kịch bản tốt nhất (best case) là cuối cùng Mỹ-Trung sẽ đạt được thỏa thuận, Trung Quốc sẽ chấp nhận cải cách trong nước và kiềm chế tại Biển Đông. Nhưng Việt Nam vẫn phải chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất (worst case), nếu xung đột Mỹ-Trung gia tăng và Trung Quốc quyết đấu với Mỹ đến cùng với hệ quả khó lường. Trong trường hợp đó, không loại trừ khả năng Trung Quốc có thể bị vỡ nợ (năm 2019-2020).
Lời cuối
Có thể nói, Trung Quốc đã phát triển kinh tế thần kỳ, nhưng vẫn chưa cải cách chính trị để bảo vệ và phát huy thành quả kinh tế, và vươn lên trở thành siêu cường. Tập Cận Bình đã không nghe theo lời khuyên của Đặng Tiểu Bình (là “thao quang dưỡng hối”) mà vội thách thức Mỹ quá sớm như “Cao Biền dậy non”, để củng cố quyền lực độc tôn quá mức, gây phản kháng từ bên trong và đối đầu từ bên ngoài. Tập Cận Bình đã mắc một sai lầm lớn như lấy đá tự ghè vào chân mình, nên phải đối mặt với 3 thách thức lớn, như một nghịch lý.
Trong bối cảnh đối đầu Mỹ-Trung gia tăng, Việt Nam dễ mắc kẹt vào thế lưỡng nan (Catch-22), như “trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết”. Muốn hay không, Việt Nam đang trở thành “nơi trú bão” lý tưởng cho các doanh nghiệp Trung Quốc, như một con dao hai lưỡi, vừa có lợi, vừa có hại. Tuy nhiều doanh nghiêp nước ngoài đang rời Trung quốc, nhưng Việt Nam phải mau chóng cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn để đón họ, vì họ có thể chuyển tới các thị trường tiềm năng khác (như Ấn Độ, Indonesia, Thailand, Malaysia, và các nơi khác).
Tuy FDI là một nguồn đầu tư quan trọng đối với Việt Nam, nhưng cần tránh “bẫy gia công” cũng như “bẫy thu nhập trung bình”. Phải thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, để tạo điều kiện cho khu vực tư nhân trong nước phát triển mạnh hơn, thay thế dần khu vực kinh tế quốc doanh và FDI. Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10 của TBT-CTN Nguyễn Phú Trọng là một dấu hiệu Việt Nam sắp phải đổi mới thể chế, trước khi quá muộn.
NQD. 29/5/2019