Có thể xem Tuấn Khanh là một nhạc sĩ phản kháng khi anh bật lên ca khúc “Hãy gấp trang báo, tắt TV” để dấn thân vào màn đêm gai góc đáng sợ, như một tiếp nối không ngừng từ âm vang của nhạc trẻ trong thập niên 90 đầy cô đơn khắc khoải. Thế hệ phải gánh chịu nhiều biến động của đất nước và không biết làm cách nào để thoát ra khỏi những tuyên truyền sáo rỗng mà chế độ hàng ngày nhét vô trong đầu họ.
Tuấn Khanh là một tiếng nói buồn bã lẻ loi của thời đại, khi phải hàng ngày chứng kiến những bất công chà xát lên mặt cuộc sống. Đó là một thế hệ không biết đi đâu, làm gì, sống ra sao trong ngục tù giả dối của chủ nghĩa cộng sản. Họ chỉ có tình yêu và Tuấn Khanh là người ngợi ca lên niềm khát khao của họ.
Trong những ca khúc bụi bặm mang đậm chất đường phố của tuổi trẻ thị thành, với ý thức muốn vùng thoát ra khỏi những hàng rào kiểm duyệt, Tuấn Khanh bằng tiếng hát, đã cố giúp cho những người bạn đồng trang lứa của mình hiểu rõ hơn về thân phận mong manh vô vị trong một thể chế đang gieo rắc vào đầu họ những hạt mầm câm điếc.
Và dường như âm nhạc vẫn chưa đủ, khi mà “món nợ tình xa” (nhạc Tuấn Khanh) cả đời anh cũng không thể “trả” hết khi anh hiểu rằng mình không thể cứ mãi như vậy.
Cho dù trong thế giới “showbiz” dưới trướng của chế độ anh đã đạt được một vị trí “ngon ăn” khi liên tiếp được đề cử ngồi vào những vị trí “giám khảo” trên TV, những chương trình truyền hình thực tế như “Vietnam Idol” hay “Giọng Hát Việt…” Nhưng Tuấn Khanh đã từ bỏ thứ ánh sáng chói chang đó, những phồn vinh giả tạo chỉ làm Tuấn Khanh cô đơn hơn khi phải chứng kiến những pha tranh ăn, giành chỗ hư vị trên những sân khấu tanh hôi xôi đậu rập rờn.
Và một blogger Tuấn Khanh đã xuất hiện như một tiếng thét trong dòng đời trắng đen hỗn độn. Blogger Tuấn Khanh, bằng lối viết khác thường, không giống một ai trong các loại “công báo” được bảo kê bởi quyền lực độc tài nhà nước, Khanh xuất hiện như một hiện tượng thông tin đương đại ngoài luồng, không chính thức, như một tiếng nói gan ruột của giới trẻ mà bấy lâu nay đã không có ai nói giùm cho họ.
Tuấn Khanh dường như đã quên hẳn mình là một nhạc sĩ và anh đã dấn thân như một hình thức chống lại cường quyền, chống lại những bất công đen tối đang chà đạp lên số phận những con người thấp cổ bé miệng. Cùng với sự bùng nổ của thế giới mạng, blogger Tuấn Khanh đã trở thành một địa chỉ đáng tin cậy để những người trẻ có thể nhìn thấy mình trước những điêu ngoa xảo trá.
Những bài viết của Tuấn Khanh như một tô cháo nóng hổi trong cơn đói, như một loại phao cứu sinh trong cơn sóng đục, như một đóm lửa đồng hành trên con đường tăm tối. Nó làm cho những tay búa kiểm duyệt của chế độ tức tối nhưng không thể làm được gì, khi mà lượng truy cập càng ngày càng cao, và ngòi bút của Khanh cũng ngày càng lên tay ảo diệu.
Với một lối viết thông minh, biết liên kết những sự kiện, phương thức thể hiện rành mạch, sinh động sạch sẽ, cùng với ý thức của một ngòi bút công dân tự do, Tuấn Khanh đã chế biến những bài báo của mình như một món ăn nhiều bổ dưỡng. Nó gần như là một “đoản văn”… mà chỉ có những tay phóng viên có nghề mới có thể sử dụng nhuần nhuyễn để xoi thẳng vào lòng người đọc.
Và Tuấn Khanh đã có thể gặt hái được thành quả của mình bằng một tập hợp những “tạp bút” đa dạng đã từng được đăng trên Blog hay Facebook của mình, chính thức được nhà xuất bản Phụ Nữ ở trong nước in và phát hành hôm 16 tháng 10, 2016 tại Sài Gòn, với một tập sách có cái tựa hơi “mời gọi mung lung bí ẩn” là “Những câu chuyện về… đàn bà.”
Và “chuyện về những người đàn bà” này – cần được đọc kỹ và phải hiểu đây là những thân phận tận đáy xã hội mà chỉ có Tuấn Khanh mới thấu hiểu được.
Họ không ở lầu son gác tía, không hoa hậu, người mẫu hay ca sĩ người đẹp, trong thế giới showbiz, mà họ chính là những người mẹ nghèo, những người đàn bà phải gánh chịu nhiều oan khuất, những người chị, người em lam lũ ở tít ngoài quê vô Sài Gòn kiếm sống và qua những trang viết “đầy thương cảm rưng rưng nước mắt.”
Tuấn Khanh đã lên án, bày tỏ thái độ, với những khuôn mặt đen đúa của bọn quan quân của chế độ, đang ngày đêm truy bức dân đen ở ngay trên đất nước khốn khổ này.
Nguyễn Tấn Cứ