Đỗ Ngà - Van Nga Do|
Ngày 14 tháng 4, trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn có bài viết “Chính sách hỗ trợ mùa covid-19: ‘bắn tên mà không có đích’”. Bài báo đã cho biết, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hiện nay thực hiện 3 mục tiêu quan trọng: thứ nhất là gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng và tiền thuê đất trong 5 năm; thứ nhì là bung gói cứu trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ; thứ 3 là bung gói hỗ trợ các ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi. Gói này hiện nay đã tăng lên đến 300.000 tỷ. Nói chung chính sách ứng phó thì không có gì phải bàn, nó cũng giống như bao chính phủ khác, nhưng cái đáng bàn là tính hiệu quả của nó.
Một chính quyền quản lý tốt là chính quyền biết định hình được thế mạnh cho đất nước của mình. Ví dụ như nói đến Nhật thì người ta biết ngay đó là quốc gia mạnh về công nghệ điện tử và xe hơi, nó đến Thụy Sỹ thì người ta biết ngay đó là ngành ngân hàng và sản xuất đồng hồ, nói đến Á rập Saudi là người ta biết ngành dầu mỏ vv.. Nhưng nếu hỏi Việt Nam có thế mạnh gì, thì chắc chắn mỗi người trả lời mỗi kiểu, vì đơn giản, qua 34 năm “đổi mới”, ĐCS Việt Nam chẳng định hình được lãnh vực nào là thế mạnh của mình cả. Đảng Cộng Sản tự cho mình mới “có khả năng lãnh đạo đất nước”, nhưng họ lại “lãnh đạo” kiểu như anh mù dắt đất nước đi lòng vòng vô định vậy. Chính vì không biết đất nước mình có thế mạnh gì nên ông Nguyễn Xuân Phúc khi dự các cuộc họp bàn về phát triển ngành nào đó thì ông ta luôn bảo rằng, nó là “ngành mũi nhọn” của nền kinh tế. Rồi khi đến bất kỳ địa phương nào thì ông ta cũng ví địa phương đó là “đầu tàu của nền kinh tế đất nước”.
Ngành nào cũng “mũi nhọn” cuối cùng theo ông Nguyễn Xuân Phúc thì hình dáng nền kinh tế Việt Nam giống “con nhím” sao? Tỉnh nào cũng là “đầu tàu” thì cuối cùng hình dáng nền kinh tế Việt Nam như là con “quái vật trăm đầu” sao? Rõ ràng lối phát biểu đó của Nguyễn Xuan Phúc thể hiện sự khoác lác, điều đó đúng. Nhưng ở góc độ khác, chúng ta cũng cần thấy rõ rằng chính vì Việt Nam không định hình ngành chủ lực của nền kinh tế nên ông Nguyễn Xuân Phúc mới phát biểu linh tinh như vậy. Đó là lỗi của ĐCS, mà ở đây nhóm chịu trách nhiệm chính là Bộ Chính Trị qua các thời kỳ, họ quen dùng cây súng để cai trị chứ không quen dùng cái đầu để quản trị đất nước.
Để ngành điện tử, ô tô và đóng tàu là ngành mũi nhọn của nền kinh tế, thì ngay từ đầu chính quyền Hàn Quốc đã có bước đi đúng hướng và từ đó, những mũi nhọn non nớt mới trở thành mũi nhọn cứng cáp làm chủ lực cho nền kinh tế đất nước về sau. Chỉ cần 20 năm Hàn Quốc đã làm được điều đó nhưng cho đến nay đã 34 năm “đổi mới”, ĐCS Việt Nam vẫn không làm nổi.
Binh Pháp Tôn Tử có viết “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng; không biết người mà chỉ biết ta, 50 thắng 50 thua; không biết người, không biết ta, trăm trận trăm bại”. Nói về lĩnh vực kinh tế thì rõ ràng con người như Nguyễn Xuân Phúc là mẫu lãnh đạo không biết ta. Mà đã không biết ta thì làm sao biết người? Cho nên với mẫu người như vậy thì lãnh đạo đất nước thì ắt trăm trận trăm bại.
Quay trở lại bài viết của tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, thì như ông Tiến Sỹ Phạm Sỹ Thành có nói “Các phản ứng của Chính phủ, thoạt nhìn rất toàn diện, từ tiền tệ, tài khóa đến bảo hiểm xã hội, an sinh nhưng tôi không thấy trọng tâm của chính sách ấy. Không ai hiểu Chính phủ đang hướng tới khu vực nào, ngành nghề nào, doanh nghiệp nào. Các chính sách này giống như bắn tên mà không có đích vậy. Hãy tập trung vào một nhóm đối tượng, nhóm ngành nghề có mức độ tổn thương lớn hoặc có sức lan tỏa lớn. Đó mới là hiệu quả của chính sách ở thời điểm bất thường”. Đây là một câu nhận xét rất chính xác, nhưng nguyên nhân vì sao thì không thấy ông ta nói rõ.
Vâng! Với một đất nước đã không thể định hình khu vực nào là chủ lực, lĩnh vực nào là mũi nhọn, thì làm sao họ bắn gói cứu trợ tín dụng 300.000 tỷ đúng mục đích được? Nếu hỏi ai đó rằng “Việt Nam có thế mạnh gì?” thì chắc rằng mỗi người sẽ trả lời mỗi kiểu khác nhau. Vì đơn giản, ĐCS đã định hình được cho Việt Nam thế mạnh nào đâu mà mọi người có thể biết để trả lợi được?! Và tất nhiên đã không có ngành nào trụ cột thì cả ông Nguyễn Xuân Phúc cũng chẳng biết. Được biết đằng sau ông Nguyễn Xuân Phúc có Tổ Tư Vấn Kinh Tế 17 người toàn là học hàm to, học vị lớn, thế mà họ không giúp ông thủ Phúc bắn gói cứu trợ đúng mục đích. Chẳng lẽ họ mù hết? Không! Họ không mù, chỉ vì nền kinh tế Việt Nam chưa bao giờ định hình được ngành chủ lực nên gói cứu trợ ấy chẳng thể tập trung vào đúng huyệt đạo cần giải cứu của nền kinh tế.
Còn nói đến doanh nghiệp nào cần hỗ trợ thì chắc chắn việc xác định không có gì khó. Đó là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Được biết trong quý 1 năm 2020 đã có 30.902 doanh nghiệp ngưng hoạt động. Điều đó kéo theo nợ xấu của quý 1 năm 2020 tăng cao, vì thế mà các ngân hàng thương mại đang tìm cách hạn chế rót vốn vào những doanh nghiệp có lịch sử tín dụng xấu. Như ta biết, những ông có lịch sử tín dụng xấu chính là những ông đang cần cứu nhất. Thế nhưng ngân hàng lại loại mấy ông này ra, nên cuối cùng gói 300.000 tỷ đang bị các ngân hàng thương mại rót vào túi những ông “có lịch sử tín dụng tốt” thôi. Thông thường, những ông sân sau thường có lịch sử tín dụng rất tốt dù làm ăn rất bết, vì sao? Vì những ông này làm thủ tục vay rất dễ nên ổng dễ dàng vay ngân hàng này trả ngân hàng kia. Vì thế, những doanh nghiệp đang sắp chết ngọp mơ đừng có ảo tưởng nữa. Ở Việt Nam, cái gì thơm ngon không dành cho những kẻ thấp cổ. Vì những gì vừa thơm vừa ngon bao giờ cũng được đảng treo ở vị trí rất cao. Vậy thôi, thấp cổ mơ đi nhá!