Trung Điền - Web Việt Tân|
Ngày 30 tháng Ba vừa qua, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Cộng Hoa Xuân Ánh thông báo rằng, Ngoại Trưởng Vương Nghị đã mời Ngoại Trưởng Vivian Balakrishnan (Singapore), Hishammuddin Hussein (Malaysia), Retno Marsudi (Indonesia) và Teodoro Locsin (Philippines) đến họp tại Phúc Kiến, Trung Quốc. Chuyến viếng thăm đặc biệt này của 4 ngoại trưởng Khối ASEAN diễn ra từ ngày 31 tháng Ba đến 2 tháng Tư, 2021, mà trọng tâm chính là thảo luận về Biển Đông và tình hình Myanmar.
Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị - Ngoại Trưởng Vivian Balakrishnan (Singapore)
Điều mà dư luận quan tâm là tại sao Bắc Kinh đã không mời Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh tham dự trong cuộc thảo luận này, khi Việt Nam giữ một vài trò quan trọng ở Biển Đông và cũng là chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc từ ngày 1 tháng Tư, 2021?
Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh có thái độ “lạnh nhạt” đối với CSVN. Gần đây, Ngoại Trưởng Vương Nghị đã có hai lần viếng thăm các nước trong Khối ASEAN nhưng hoàn toàn không đặt chân đến Việt Nam. Lần thăm thứ nhất, Vương Nghị đến Campuchia, Lào, Thái Lan, Singapore vào tháng Mười, 2020 và lần thứ hai đến thăm Myanmar, Brunei, Philippines và Indonesia vào tháng Giêng 2021, trước khi xảy ra vụ phe quân phiệt đảo chánh tại Myanmar.
Dư luận tại Việt Nam cho rằng sở dĩ Vương Nghị đã không mời ông Phạm Bình Minh như bốn ngoại trưởng kia vì thấy là Hà Nội “luôn luôn” đứng về phía Bắc Kinh, do mối quan hệ “16 Vàng, 4 Tốt” từ nhiều thập niên qua, trong khi Trung Quốc thật sự muốn tranh thủ Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore đứng về phía Trung Quốc và không ủng hộ Bộ Tứ chống lại Bắc Kinh.
Sự thật không đơn giản như vậy.
Ông Phạm Bình Minh và Vương Nghị đã gặp mặt nhau lần chót vào tháng Tám, 2020 tại cửa khẩu Quốc Tế Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc), nhân đánh dấu 20 năm ký kết Hiệp Ước Biên Giới Đất Liền và 10 năm triển khai ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc.
Ngoại Trưởng Indonesia Marsudi (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị gặp nhau ngày 2/4 ở tỉnh Phúc Kiến. Ảnh: THX
Từ tháng Chín, 2020 đến nay, Việt Nam và Trung Quốc không có bất cứ chuyến thăm viếng chính thức nào; nhưng phía CSVN đã trải thảm đó đón tiếp tân Thủ Tướng Nhật Bản Suga viếng thăm ba ngày từ ngày 18 đến 20 tháng Mười, liền sau đó là đón tiếp Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo vào hai ngày 29 và 30 tháng Mười và Cố Vấn An Ninh Tòa Bạch Ốc Robert O’Brien viếng thăm vào hai ngày 21 và 22 tháng Mười Một. Trong cả ba chuyến viếng thăm cao cấp này, lãnh đạo Nhật Bản và Hoa Kỳ đều cam kết với CSVN là sẽ “hậu thuẫn” và sẵn sáng chiến đấu để giữ cho khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở rộng.
Những chuyến viếng thăm cao cấp nói trên đã tô đậm hình ảnh CSVN đang “nhích từng bước” về phía Bộ Tứ (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc Châu, Ấn Độ) sau khi chấp nhận lời mời của Tổng Thống Donald Trump vào tháng Năm, 2020 để tham gia vào việc xây dựng “Mạng Lưới Kinh Tế Thịnh Vượng” (Economic Prosperity Network) gồm các quốc gia trong Bộ Tứ và Nam Hàn, New Zealand, với mục đích được cho là sẽ chuyển dịch một phần chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc.
Cho đến nay “Mạng Lưới Kinh Tế Thịnh Vượng” chưa ra đời, nhưng chính quyền Nhật Bản và Ấn Độ đã kêu gọi các công ty của nước mình rút khỏi Trung Quốc và tái đầu tư tại Việt Nam. Nhờ những hỗ trợ này mà đầu tư ngoại quốc (FDI) đã tăng một cách đột biến tại Việt Nam kể từ Quý III/2020. Nhưng điều gây khó chịu nhất cho Bắc Kinh có lẽ là lãnh đạo CSVN đã “thẳng tay” loại bỏ gã khồng lồ công nghệ Huawei Technologies của Trung Quốc ra khỏi kế hoạch xây dựng mạng lưới G5 trong lúc công ty này lao đao vì những trừng phạt của chính quyền Tổng Thống Trump.
Gần đây nhất là CSVN đã không đá động gì đến việc “đàm phán” để mua vaccine của Trung Quốc mà lại đầu tư và đặt mua 30 triệu liều vaccine của hãng AstraZeneca của Anh và hiện đang thảo luận để mua rẻ vaccine Sputnik V của Nga sau khi được cho 1.000 mũi trong chuyến viếng thăm Hà Nội của Ngoại Trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 23 tháng Ba vừa qua.
Những diễn biến này cho thấy là CSVN và Trung Quốc đang có những tính toán “nhạy cảm” giống như điều mà ông Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu trong buổi báo cáo về tình hình hoạt động của Văn Phòng Chủ Tịch Nước trước Quốc Hội hôm 24 tháng Ba rằng: “Có những việc không thể nói công khai, nhưng có những thời điểm phải xử lý… hết sức tế nhị.”
Thứ nhất, cả Hà Nội và Bắc Kinh tuy chưa tẩy chay nhau ở mức thù địch, nhưng rõ ràng là hai bên đã có thái độ “cảnh giác” lẫn nhau. Những sự hung hãn của Trung Quốc không chỉ trên Biển Đông, mà còn đối với những xung đột biên giới với Ấn Độ và đe dọa xâm chiếm Đài Loan, đã khiến cho lãnh đạo Hà Nội lo ngại bị thế giới cô lập nếu tiếp tục duy trì “16 vàng – 4 tốt” với Bắc Kinh. Ngược lại, Trung Quốc cũng lo ngại là CSVN đi gần với Bộ Tứ chắc chắn sẽ gây khó khăn cho Bắc Kinh trong việc tranh thủ Khối ASEAN.
Thứ hai, cả Hà Nội và Bắc Kinh đều dựa vào nhau trong mặt trận xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ. Nếu hàng xuất khẩu của Việt Nam gia tăng vào thị trường Mỹ thì các công ty sản xuất ở Việt Nam sẽ phải nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc ngày một nhiều hơn. Trong sự “cộng sinh” này, CSVN cần Trung Quốc nhiều hơn, và nếu Trung Quốc đóng cửa biên giới vì một lý do nào đó, thị trường Việt Nam sẽ mất máu và có thể dẫn đến khủng hoảng và tê liệt.
Tóm lại, sự “lạnh nhạt” của Bắc Kinh đối với Hà Nội trong vài tháng qua kể từ khi CSVN được Bộ Tứ “o bế” là bước dằn mặt khởi đầu của những biện pháp “răn đe” khác trong thời gian tới. Đó cũng là lý do vì sao lãnh đạo CSVN đã không có bất cứ phản ứng nào trước sự kiện Bắc Kinh đã đưa 220 tàu dân quân đậu trong khu vực Bãi Ba Đầu, nằm trong vùng 12 hải lý của đảo Sinh Tồn thuộc chủ quyền của Việt Nam kể từ tháng Ba đến nay, mà chỉ có Philippines theo dõi và lên tiếng mạnh mẽ.
Trung Điền
XEM THÊM:
- Vì sao Hoa Kỳ “khai chiến” với Trung Quốc ở Alaska
- Nạn nhân Luật Hải Cảnh Trung Quốc là ngư dân Việt Nam