Lý Thái Hùng|
Trong bài tiểu luận “Để Việt Nam Hóa Rồng” viết đăng trên VNExpress, ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên là chuyên gia tư vấn cho hai đời Thủ Tướng Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng đặt câu hỏi là tại sao sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam vẫn chưa phát triển được như Hàn Quốc hay Singapore? Tại sao Việt Nam tiếp nhận mô hình thể chế thị trường từ phương Tây nhưng vẫn chỉ là nước có thu nhập trung bình?
Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng thì tuy Việt Nam đã coi “cải cách thể chế là một trong những khâu đột phá quan trọng” nhưng việc áp dụng “mô hình chính phủ kiến tạo” để tạo động lực phát triển phải gắn kết giữa văn hóa và thể chế.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng đã dùng sự kiện Hoa Kỳ, Úc, Canada đều đã từng là thuộc địa cũ của nước Anh giống như Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, và một số nước Phi Châu; nhưng tại sao những nước như Hoa Kỳ, Canada, Úc phát triển nhanh trong khi những quốc gia như Ấn Độ, Pakistan thì không, hay là phát triển rất chậm.
Theo ông Dũng thì vì nước Mỹ, Úc… có cùng nền văn hóa tương đồng với người Anh nên người Anh đã không chỉ “xuất khẩu” thể chế dân chủ mà còn “xuất khẩu” văn hóa đến những quốc gia này. Trong khi đó, nước Anh không thể “xuất khẩu” văn hóa của mình đến Ấn Độ, Pakistan và nhiều nước cựu thuộc địa khác.
Trong mạch lý luận đó, ông Nguyễn Sĩ Dũng đã cho rằng Việt Nam tuy thuộc về khối Đông Nam Á (ASEAN) nhưng lại có những tương đồng về văn hóa như các nước ở vùng Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan. Cho nên mô hình “nhà nước kiến tạo phát triển” của Nhật Bản, Nam Hàn, Singpore phù hợp với sự phát triển của Việt Nam hơn. Tuy nhiên, vấn đề là vì sao Việt Nam chưa trở thành “hổ,” thành “rồng” như các nước Đông Bắc Á.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng đảng và nhà nước CSVN đã: 1) Không thúc đẩy công nghiệp hóa thông qua doanh nghiệp tư nhân như ở Nhật Bản, Nam Hàn; 2) Không có bộ máy hành chánh, công vụ chuyên nghiệp và tài giỏi để hiện thực hóa chương trình công nghiệp hóa. Vì thế, ông Dũng đã kết luận rằng tuy cùng văn hóa, nhưng khi Việt Nam đổi mới chủ yếu là theo đòi hỏi khách quan của tình hình hơn là trên một nền tảng lý thuyết vững chắc.
Tôi cho rằng cách trình bày của ông Nguyễn Sĩ Dũng nói trên đã tránh né và không dám nhìn vào sự thật. Lý do là Việt Nam đã đưa ra chiến lược công nghiệp hóa ở đại hội đảng kỳ IX (2001) và coi cải cách bộ máy hành chánh là một trong ba khâu đột phá mang tính chiến lược để phát triển công nghiệp hóa từ đại hội đảng kỳ XI (2011).
Nói cách khác, cả hai điều mà ông Nguyễn Sĩ Dũng chỉ trích đều đã được đảng CSVN thực hiện như các nước Nhật Bản vào thập niên 1950 hay Nam Hàn vào thập niên 1970; nhưng khác ở hai điểm căn bản là Việt Nam ôm cứng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư nhân luôn luôn bị chèn ép bởi các doanh nghiệp nhà nước.
Chính vì bị trói trong vòng kim cô “định hướng xã hội chủ nghĩa” và quy luật “xin-cho” của thể chế độc tài đảng trị, dù người Việt Nam có văn hóa kinh doanh giống như người Nhật Bản hay người Nam Hàn cũng không thể nào được tự do phát huy nội lực để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Thật vậy, Nhật Bản hay Nam Hàn đã phát triển và trở thành nước công nghiệp tiên tiến và người dân có được đời sống sung túc, thu nhập cao không phải do một phép lạ từ trên trời rớt xuống mà chính là thể chế chính trị đã cho người dân thấy họ làm chủ đất nước thật sự chứ không phải sống khép nép theo quy luật “xin-cho” từ mệnh lệnh của đảng cầm quyền.
Nói tóm lại, văn hóa chỉ là kết quả của một chuỗi những tiến hóa mà con người trải qua nhiều thời đại, nhưng sự hưng thịnh của một quốc gia nằm ở sự chọn lựa thể chế.
Lý Thái Hùng