Ai đã từng ở Việt Nam vào dịp Tết Nguyên Đán đều ít nhiều được chứng kiến cảnh hàng triệu người từ các thành phố lớn đổ về quê (và quay trở lại) ăn Tết. Chứng kiến cảnh dòng người, xe máy, ô tô nối đuôi nhau nhích từng mét ra khỏi thành phố, và xếp hàng đua nhau rong ruổi trên những cung đường quốc lộ, tỉnh lộ mới thấy hết hình ảnh hùng vĩ của khối người di chuyển mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Có lẽ, số người di chuyển trong dịp Tết ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước lên tới 10-15 triệu người. Ngoài việc tạo ra cảnh hoành tráng của dòng người di chuyển, với những khó khăn phức tạp của việc kẹt xe, tắc đường thì mỗi ngày Tết cũng chứng kiến hàng trăm người bị tai nạn giao thông, chết và bị thương. Vấn nạn “về quê ăn Tết”, hay cảnh tha phương cầu thực, với quy mô lớn là một trong những điều nhức nhối bởi sự mất cân đối trong việc phân bổ nguồn lực của quốc gia. Vấn nạn tha phương cầu thực, với quy mô lớn do đâu mà có, liệu sau này khi đất nước chuyển sang chế độ dân chủ, Việt Nam còn tình trạng này không?
Cần khẳng định một điều, việc dịch chuyển lao động là việc bình thường trong bất cứ xã hội nào. Nó chỉ đặc biệt và trở thành vấn nạn khi một đất nước có 60-70 tỉnh thành nhưng người dân chỉ tập trung lượng người lớn vào 3-5 tỉnh, thành gây ra dòng người di chuyển khổng lồ mỗi khi có dịp lễ, Tết. Việt Nam, và cả Trung Quốc, hai quốc gia cộng sản đều có vấn nạn này ở mức độ nghiêm trọng. Có hai nguyên nhân quan trọng dẫn tới vấn nạn “về quê ăn Tết”. Thứ nhất, các xã hội cộng sản (Việt Nam và Trung Quốc) không có cơ chế tản quyền (tức là nhà nước liên bang), chỉ có cơ chế tập quyền, tập trung quyền lực về trung ương. Với cơ chế tập quyền, chỉ có một số ít thành phố là trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước. Ở các trung tâm này, việc tập trung lao động, nguồn lực và mọi ưu tiên là điều đương nhiên. Khi có sự tập trung về mọi mặt, số người lao động đổ về cần một hệ thống dịch vụ kèm theo sẽ càng làm tăng lượng người tham gia hệ thống dịch vụ. Vòng quay cứ thế diễn ra dẫn tới việc bùng nổ số lượng người tại các trung tâm lớn của đất nước. Chúng ta biết, số lượng dân số Hà Nội và Sài Gòn bùng nổ trong thời gian qua đã chứng minh nhận định này. Để giải quyết gốc rễ nguyên nhân này, khi một chế độ dân chủ được thiết lập, chúng ta cần thực thi cơ chế tản quyền. Việt Nam có thể chia thành 12-15 tiểu bang trong một nhà nước liên bang. Với mỗi một tiểu bang chúng ta xây dựng một hoặc hai trung tâm kinh tế, chính trị. Như vậy, thay vì cả nước có 3-5 trung tâm lớn như hiện nay, thì sau này sẽ có từ 20-30 trung tâm lớn, số lượng lao động sẽ được phân tán khắp mọi miền trong cả nước.
Một nguyên nhân quan trọng nữa, việc người dân đổ về các thành phố lớn còn là do chính sách phát triển nông nghiệp của Việt Nam rất sai lệch, bệnh hoạn. Người dân nông nghiệp, nông thôn hiện nay không thể sống được bằng (với) ruộng đồng do chính sách tận thu, do việc áp dụng các chính sách sai lệch, do sự ngu dốt và tham lam của đội ngũ cán bộ cấp xã và cấp huyện. Chính vì không thể sống được với đồng ruộng, người dân đã phải từ bỏ ruộng đồng, tha phương cầu thực khắp mọi nơi. Về mặt chủ trương, đường lối, không phải nhà cầm quyền Việt Nam không có những chính sách ưu đãi với khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, phần lớn các chính sách đều chỉ có tính hình thức, hơn nữa, khi triển khai, không có các cơ chế hỗ trợ, giám sát và không có những người có tâm, có trình độ nên đã bị biến dạng, bóp méo, lợi dụng và trục lợi. Điều này dẫn tới, người dân bị tận thu, không đủ thu nhập để trang trải cho cuộc sống, không thể sống với đồng ruộng và bắt buộc phải ra đi kiếm sống khắp mọi nơi.
Đối với các quốc gia dân chủ, và với Việt Nam khi đã có dân chủ, việc bảo hộ cho nông nghiệp là yêu cầu bắt buộc, vừa là để bảo đảm an toàn lương thực quốc gia, vừa là để phát triển đồng đều, cả nông thôn và thành thị tránh tình trạng mất cân đối lao động ngành nghề và địa phương. Thực hiện những điều này, chúng ta mới hi vọng giải quyết được tận gốc rễ vấn nạn “về quê ăn Tết”./.
Hà nội, ngày 09/02/2016 (tức ngày mùng 2 Tết Bính Thân)
N.V.B