Ngày 11-02, báo CAND tiếp tục bài viết phản ánh về sự kiện Đồng Tâm, tác giả Xuân Mai, mục Chống diễn biến hoà bình.
“Số tổ chức, hội nhóm phải kể đến “Hội anh em dân chủ”, “Nhà xuất bản tự do”, “Diễn đàn xã hội dân sự”, “Lập Quyền Dân”, “Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng”, “Hội nhà báo độc lập Việt Nam”, “Văn đoàn Việt Nam” và 25 đối tượng chống đối ra bản “Tuyên bố Đồng Tâm”, kêu gọi các đối tượng, hội nhóm chống đối khác cùng ký tên qua địa chỉ email “tuyenbo…” và đã có một số tổ chức, cá nhân ký tên vào bản tuyên bố với 7 yêu sách…”.
Tuyên bố Đồng Tâm không nhằm chống đảng hay nhà nước Việt Nam. Nếu đọc kỹ nội dung sẽ thấy rõ, chính văn bản này đã đề ra giải pháp để giải quyết vấn đề Đồng Tâm, một con đường, một lối thoát cho cả hai bên (mà một bên là chính quyền).
“Chúng tôi – những tổ chức xã hội dân sự và cá nhân – có thảo ra Tuyên bố Đồng Tâm với mục đích cảnh báo và ngăn chặn bạo lực và muốn việc giải quyết tranh chấp đất đai là giải quyết hành chính thông qua luật pháp, chứ không thể dùng bạo lực”.
Giải pháp cho Đồng Tâm nếu là bạo lực vũ trang, thì chính quyền đã thấy tác động của nó trong hơn 1 tháng qua. Khi mà xã hội bị phân rẽ trầm trọng, tính thiện – ác xã hội bị đưa lên đánh giá, chính danh của chế độ bị suy giảm,…
Phương cách dùng lực lượng vũ trang, báo đài và toà án cho đến nay chưa chứng minh một tác dụng tích cực nào trong vấn đề Đồng Tâm, mà ngược lại chỉ rót dầu vào lửa, khiến Đồng Tâm vượt khuôn khổ của quốc gia, để tiếng kêu gọi công lý tìm đến các tổ chức nhân quyền, các Chính phủ Tây âu, và cả Tổ chức Liên Hiệp Quốc.
Xuất bản các bài viết nêu trên, không chỉ khiến cho ‘đối thoại’ với những bất đồng chính kiến như ông Võ Văn Thưởng từng tuyên bố trước đó không được kiến lập, mà còn cắt đứt sợi dây này trong những người kỳ vọng nhất, lạc quan nhất. Vì nó là nội dung đấu tố hơn là đối thoại, dằn mặt hơn là thực tâm giải quyết vấn đề cốt lõi của Đồng Tâm.
“Trên các trang mạng “Báo Tiếng dân”, “Nghiệp đoàn báo chí”, “Việt Tân”, “Việt Nam Thời báo”…, cho đăng tải một loạt bài viết với nội dung xuyên tạc chính quyền chỉ đạo lực lượng vũ trang tập trung tại xã Đồng Tâm nhằm đe dọa người dân phải trao 59 ha đất nông nghiệp cho chính quyền…”
Nếu nhìn vào Việt Nam Thời Báo, Báo Tiếng Dân,… thực chất các bài viết đăng tải chính là tâm tư – suy nghĩ của người dân về Đồng Tâm, trong đó không ít bài nêu ra các nhóm giải pháp để giải quyết. Sự kiện Đồng Tâm chỉ được giải quyết thấu đáo khi mà bản thân chính quyền nắm được, hiểu được dư luận đang nghĩ gì. Mà những điều này không hề được thể hiện trên các báo đài, các trang nhóm xã hội, các cá nhân phục tùng chính quyền. Chính vì lẽ đó, nếu tiếp tục coi các thông tin phản ánh, bình luận trên các trang tin điện tử nêu trên là ‘xuyên tạc’ thì vĩnh viễn Đồng Tâm sẽ trở thành một vết đạn nằm sâu trong lòng chế độ, nơi mà lương tâm – trách nhiệm của chính quyền được đặt ra.
Bài viết không hàm trách người viết bài, hay thậm chí trang báo CAND. Bài báo chú ý đến những người chỉ đạo thực hiện tin bài kiểu này, đặc biệt là vai trò của ông Võ Văn Thưởng – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Liệu ông có thực tâm nghĩ rằng, bằng những bài viết nêu trên, coi những người ủng hộ cụ Lê Đình Kình là ‘đối tượng’, coi các yêu cầu về điều tra độc lập, dựa trên luật pháp và minh bạch là ‘xuyên tạc, chống phá’, thì vấn đề Đồng Tâm sẽ được giải quyết trọn vẹn? Hay chính những bài báo như thế này, làm cho ‘nỗi đau Đồng Tâm’ tiếp tục dai dẳng?
Một sự kiện gây chấn động nhân tâm dư luận xã hội phải được giải quyết bằng con đường đối thoại, điều tra minh bạch. Không còn con đường nào khác!
Nhưng cho đến nay, ngoài ‘lời thú tội của các đối tượng’ trên truyền hình, những bài báo chụp mũ ‘khủng bố, xuyên tạc, chống phá’, những vị đại biểu quốc hội im lặng,… thì tinh thần giải quyết công bằng, đối thoại hoàn toàn vắng bóng.
Chú thích