Suốt cả năm 2020, cho tới mấy tháng đầu năm 2021, khi cả Bắc Mỹ, và các quốc gia châu Âu đang khốn đốn vật lộn với đại dịch COVID 19 tràn sang từ Vũ Hán Trung Quốc làm hàng trăm ngàn người chết, hàng triệu người nhiễm bệnh, các bệnh viện quá tải, trang thiết bị y tế thiếu thốn trầm trọng, thì ngay sát nách anh hàng xóm khổng lồ China là quốc gia nhỏ bé Việt Nam quê hương tôi, từ chính quyền đến người dân đều rất ngạo nghễ tự hào rằng Việt Nam là quốc gia chống dịch COVID-19 giỏi nhất thế giới. Thậm chí, đến cả anh thủ tướng, trong lúc cao hứng đã từng tuyên bố giờ thì đến cả cây cột điện ở Mỹ cũng muốn quay về Việt Nam để sinh sống.
Nhưng, sự đời, niềm vui thường chẳng được tày gang. Bằng các biện pháp độc tài chuyên chế, kể cả bất chấp việc vi phạm thông tin đời tư cá nhân các bệnh nhân nhiễm COVID, các lệnh phong tỏa truy kích từ F0, F1, F2 ...cả hệ thống chính trị cùng người dân cùng vào cuộc để phát giác và truy tố những người không may nhiễm bệnh công khai trên hệ thống truyền thông, cũng như trên mạng xã hội, nhưng cũng chỉ cầm cự chống chọi được một thời gian với một quốc gia gần 100 triệu dân, một nền y tế nghèo nàn và lạc hậu, với đường biên giới với các nước láng giếng trải dài suốt từ Bắc vào Nam.
Giờ đây, sau hơn một năm cầm cự vá víu, con đập chắn sóng COVID của Việt Nam đang sắp vỡ toang, chính phủ Việt Nam đã buộc phải nhận thức ra rằng chỉ có thể miễn dịch cộng đồng bằng cách tiêm phòng vắc xin cho toàn dân như các nước Bắc Mỹ và châu Âu đang làm sắp xong, đã khống chế được dịch bệnh, và các quốc gia này đang bắt đầu tiến hành cho mở cửa dần các hoạt động trở lại.
Ngày 24/5 vừa qua, vì thế, thủ tướng mới của Việt Nam, ông Phạm Minh Chính, đã chính thức kêu gọi xã hội hoá từ trong nước ra kiều bào ở hải ngoại quyên góp tiền mua khoảng 150 triệu liều vắc xin để tiêm cho 75 triệu dân với số tiền khoảng 25,200 tỷ đồng. Trong đó ngân sách nhà nước chi khoảng 16,000 tỷ đồng, còn lại 9,200 tỷ đồng là kêu gọi toàn dân đóng góp.
Và, trước lời kêu gọi này, một câu hỏi được đặt ra với những người Việt ở xa tổ quốc, nhưng lòng luôn đau đáu hướng về quê hương, chúng ta nghĩ gì?
Nghĩ về những tượng đài ngàn tỷ, cổng chào trăm tỷ vô hồn mọc nhan nhản trên khắp đất nước, bên những mảnh đời cầu bất cầu bơ.
Nghĩ về những khu chùa chiền du lịch tâm linh xa hoa tráng lệ núp bóng những thầy tu mặc áo cà sa câu kết cùng đám quan chức phá hoại môi trường, trục lợi trên sự mê muội thần thánh của người dân, nhưng ngặt một nỗi là không thánh thần nào có thể phù hộ che chở cho họ qua cơn đại dịch.
Nghĩ đến hơn 3,800 tỷ đồng để chi cho một cuộc bầu cử mang hình thức dân chủ giả tạo vừa qua.
Nghĩ về 2,800 tỷ đồng chi bảo trì cho ngành đường sắt sắp tới hồi phá sản.
Nghĩ về gần 20,000 tỷ đồng ném vào tuyến đường sắt Cát Linh Hà Đông giờ vẫn nằm vắt ngang trên thân mình thủ đô Hà Nội như một con quái vật hiện hình.
Nghĩ về chỉ một vụ trộm đột nhập nhà một tên cựu giám đốc giao thông một tỉnh nghèo phía nam đã khoắng được tới 60 lượng vàng và hơn 30 ngàn Mỹ kim tiền mặt.
Nghĩ về sự giàu có từ tiền tham nhũng tính bằng ức triệu của đám quan chức thời cộng sản.
Nghĩ về những thần y, những nhà ngoại cảm lừa đảo một thời được cả xã hội như cơn lên đồng mê muội.
Nghĩ về cả số nghệ sĩ, số nhà mang danh hoạt động dân chủ lợi dụng lòng tin của mọi người ăn chặn, ỉm tiền quyên góp từ thiện cho bão lũ miền trung.
Nghĩ về định chế nào, tổ chức độc lập nào để có thể kiểm soát minh bạch một ngân sách tới hơn 25,000 tỷ đồng được giao cho Quỹ Vắc Xin do bộ tài chính quản lý đem đi mua vắc xin, và những người dân nghèo trên quê hương tôi có được cơ hội tiêm phòng công bằng như các nước dân chủ không?
Thôi, đi ngủ, mai nghĩ tiếp.
05.06.2021
Pham Terry The