Việt Nam quyết đổi mới, tinh gọn hệ thống chính trị

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam vừa thảo luận việc đổi mới, tinh gọn hệ thống chính trị, trong đó có giải thể các ban chỉ đạo khu vực, và nhất thể hóa chức bí thư và lãnh đạo cấp địa phương.

Ảnh: Đảng Cộng sản Việt Nam vừa thảo luận việc đổi mới, tinh gọn hệ thống chính trị.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 hôm 11/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được trích lời nói bộ máy chính trị "còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo.”

Tuy nhiên, ông Trọng thừa nhận rằng đổi mới, sắp xếp hệ thống chính trị tinh gọn “rất phức tạp và nhạy cảm.”

Hội nghị nói sẽ quyết định “kết thúc” hoạt động của các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, tổ chức lại Đảng bộ Ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao, và sắp xếp lại Ban Bảo vệ, Chăm sóc Sức khoẻ cán bộ.

Nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy nói tinh gọn hệ thống chính trị là điều cần thiết bởi vì sẽ tiết kiệm được ngân sách.

“Tôi hoan nghênh họ. Nếu mà họ tinh giảm biên chế hoặc thu gọn các tổ chức, các bộ phận thì đỡ lạm tiền thuế của nhân dân, vì trên thế giới, chẳng có nước nào mà bắt nhân nhân đóng thuế để lấy tiền nuôi Đảng cả.”

Việt Nam gánh nợ công nuôi Đảng ủy

Ngoài ra, Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam còn cho biết sẽ “cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời chủ tịch Hội đồng nhân dân, và thực hiện bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã” ở những nơi có đủ điều kiện.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân của tỉnh Cà Mau, cũng là Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, nói với đài VOV rằng việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy có thể giảm được 50% biên chế.

Ông Quang Hữu Minh, một người quan tâm đến giới chính trị Hà Nội nói với VOA rằng sẽ có nhiều điểm lợi nếu Đảng quyết định tinh gọn bộ máy, hay nhất thể hóa các vị trí lãnh đạo trùng lấp:

“Trước nhất là khắc phục trình trạng lãng phí tiền thuế của dân. Các sự trùng lắp về ban bệ của Đảng cũng giảm đi. Thứ hai là tập trung về một người lãnh đạo nên hình thành cơ chế quy trách nhiệm rõ hơn – giảm việc đổ thừa qua lại giữa bí thư và chủ tịch. Nhất thể hóa cũng giúp dễ dàng đổi mới chính trị hơn, vì độc tài cá nhân dù sao cũng dễ thay đổi hơn độc tài tập thể. Đó là 3 cái lợi mà nhất thể hóa có thể mang lại tức thì.”

Nhưng nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy không mấy tin tưởng vào hiệu lực hay hiệu quả của nỗ lực này.

“Tinh gọn theo như họ nói là để hoạt động có hiệu lực và hiệu quả, nhưng tôi nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ có hiệu lực vì riêng bản thân Đảng tồn tại cũng không có ý nghĩa gì, không mang lại lợi ích gì cho đất nước. Nhân dân chỉ có còng lưng đóng thuế nuôi họ thôi. Tôi chưa thấy hiệu quả nào cả và không tin như vậy.”

Trang Asia Times vào tháng rồi nói rằng Đảng Cộng sản Việt Nam với bốn triệu đảng viên đang là một gánh nặng rất lớn đối với ngân sách quốc gia. Tạp chí này nêu đề xuất của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore (ISEAS) là Việt Nam nên giảm quy mô của chính phủ và sáp nhập các ủy ban trung ương Đảng vào các bộ tương ứng trong chính phủ.

Báo CafeF.vn trích lời tiến sĩ Nguyễn Quốc Dũng, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nói để thực hiện thành công cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, “chắc chắn phải có sự hy sinh, có quyết tâm lớn.”