Sự thất bại (sau 3 năm sản xuất điện thoại thông minh của tập đoàn) này cho thấy ba điều quan trọng:
Một là, lòng tự tôn dân tộc (hay chủ nghĩa yêu nước gắn với tiêu dùng) không thể kéo một sản phẩm nào đó ra thị trường khiến nó tồn tại nếu nó không có gì “đặc biệt”. Sự đặc biệt không còn nằm ở “chi phí bán ra” mà ở tính năng nổi trội hoặc một đặc tính nào đó khiến người ta phải nhắc tới đầu tiên khi bàn luận.
Hai là, thực tế là họ đầu tư quá dàn trải nên không thể tập trung sâu sắc vào một vấn đề gì, ngoài bất động sản là sân khấu chính của họ. Thực ra, sản phẩm công nghệ vẫn còn đầy đủ tiềm năng để đột phá, trừ khi tư duy không có gì đột phá để làm ra sản phẩm khác biệt. Chiếc máy tính hiện nay có được nhờ hàng loạt các cải tiến “từng bước” có tính đột phá và chiếc máy tính lượng tử đầu tiên trên thế giới vừa được đưa vào “khai thác”. Chiếc điện thoại cũng không là ngoại lệ. Nên đổ cho việc nó không phải là một sản phẩm có khả năng đột phá (do thời điểm và thị trường đã bão hoà?) chỉ nói lên tư duy không thể đột phá của họ.
Ba là, lĩnh vực công nghệ là một phạm vi gần như nằm ngoài khả năng và sức vóc của xã hội chúng ta. Vì thiếu nền tảng cơ bản và các hệ thống liên trợ đủ để cho một sản phẩm nào đó có thể tự đáp ứng được chính nó. Rõ ràng, đất nước rất thiếu tiềm lực về khoa học công nghệ, mặc dù thế giới bứt phá mỗi ngày với các phát minh hay sáng chế mới mà được ứng dụng liên tục. Ô tô tự hành (không cần người lái) hay ô tô sử dụng nhiên liệu sạch (bằng khí hoặc sinh học) đang là một hướng mới có triển vọng. Và nếu tập đoàn này bắt tay tập trung cho ô tô, ta kỳ vọng vào sự “đột phá” nào từ sản phẩm này của họ? Đấy là một bí mật như khi họ bắt tay vào sản xuất chiếc điện thoại đầu tiên vậy, và chúng ta sẽ chỉ lại biết rõ điều đó sau ít năm nữa.
Tóm kết lại, lòng yêu nước hay tự tôn dân tộc không phải là một cơ sở để mang tới một điều tốt nào đó trên thực tế, trừ khi nó xuất phát từ và được phục vụ thực sự xứng đáng như nó được dùng để nhân danh từ một nhà sản xuất (cũng như một chính thể) - trung tâm của các sự sản xuất (lẫn chính trị) phải là con người. Con người chưa tốt, khoa học chưa giỏi thì tài nguyên không làm nên sự vững mạnh của quốc gia (Một Người Quốc Dân). Lòng tự hào đơn thuần không đem tới hiệu quả và sự hữu ích của giải pháp, nó chỉ đánh lừa ta về sự khiếm khuyết cố hữu mà ta không muốn nhìn thấy.
Lòng tự tôn dân tộc, quay ngược lại, cần được hiểu, mỗi chúng ta đều được tôn trọng xứng đáng với lòng tự hào mà ta đã dùng để tôn vinh hoặc đáp ứng cho chúng. Điều ấy quyết định giá trị thực sự của lòng tự tôn của chúng ta và cũng thúc đẩy cho một giải pháp đáng kể nào đó trên thực tế được triển khai và mở rộng. Cuối cùng, chúng ta vẫn thiếu “những kẻ điên cần thiết” để thay đổi và cải cách tình trạng trì trệ của quốc gia. Có một thứ trở lực kìm hãm mọi sự phát triển, đặc biệt là tư tưởng, và nếu bám vào nó để mong có sự phát triển thì đó là điều phi lý, sự phi lý thì đương nhiên không thể nào tồn tại.
12.05.2021
Ls Luân Lê