Không chỉ ngày 1.4, mà nói dối đã thành “bản sắc” ở xã hội ta, mọi lúc mọi nơi.
Trong một cuộc họp, thủ trưởng đứng nói những điều mà bản thân không bao giờ tin nữa, nhưng vẫn nói; nhân viên không còn tin nữa nhưng vẫn nghe và vỗ tay rào rào; cả người nói và người nghe đều chân thành nói, chân thành nghe cho đến khi hết giờ. Điều lạ lùng là, cả hai dù biết tỏng nhau rồi nhưng không ai thấy cần phải đính chính gì cả. Cứ đến hẹn lại lên, ai vào chỗ nấy và nhập vai rất sâu. Những cuộc biểu diễn “giả vờ nghiêm túc” ấy đang ngày ngày phô ra từ những tòa nhà nguy nga nơi kinh đô đến những nhà văn hóa nơi thôn dã.
Trích báo Thanh Niên nè: “Ông Phúc còn thống kê cứ mỗi ngày làm việc, cả nước có gần 3.000 cuộc họp, một cán bộ lãnh đạo phải dự ít nhất 3 - 4 cuộc họp cùng nội dung”. “Tháng 11.2017, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã phải thành lập hẳn một ban biên soạn đề án “giảm họp” sau khi Giám đốc Sở KH-ĐT than phiền về việc trong 7 tháng mà lãnh đạo sở phải họp đến hơn 2.000 cuộc; bình quân cứ 3 - 4 cuộc/ngày, chưa kể họp đột xuất. Sở Quy hoạch - Kiến trúc có kém đôi chút, nhưng cũng họp hơn 1.500 cuộc trong 7 tháng”.
Người ta gọi là “nạn họp hành”. Đúng là nạn, nhưng nếu là “nạn họp” thôi thì còn đỡ, vì ít ra nó cũng chỉ lãng phí và vô bổ thôi; nhưng đây, họp giả vờ xong thì họ lại “thực hiện quyết tâm” thật mới kỳ khôi. Từ chỗ giả vờ nói, giả vờ tin, họ đi đến giả vờ làm. Mà đâu chỉ có thế, từ chỗ giả vờ làm, họ bắt tất cả những người khác cũng phải giả vờ như thế để thể hiện “ý chí tập thể” và “tinh thần đoàn kết”.
Thử đi hỏi học trò xem có em nào thích nhân vật Mị (Vợ chồng A Phủ) không. Nhưng chúng vẫn viết vào bài thi với những lời tụng ca thống thiết thiết hoa mỹ. Vì không viết thế thì bị đánh rớt. Chúng nói dối cho đến khi không còn biết mình nói dối nữa. Rồi sau này, khi đi làm, chúng sẽ tiếp tục nói dối một cách hồn nhiên mà không hề thấy có gì đáng xấu hổ cả. Con người không sa đọa làm sao được? Xã hội không “xuống cấp” làm sao được?
Làm gì có ngày nói dối nữa, khi mọi ngày đều là ngày nói dối?
Cả xã hội đang diễn một vở tuồng lớn, rầm rộ mà nhạt nhẽo, chán ngắt mà tai hại. Xin đừng cười. Nó đang là căn bệnh thống thiết nhất trên đất nước của chúng ta, căn bệnh phá nát thân thể quốc gia và hủy hoại đến tận cùng nhân cách con người. Nó làm suy kiệt một dân tộc, nó báo hiệu sự cáo chung không thể vãn hồi trong tương lai gần.
Thái Hạo
01.04.2021
Thái Hạo