Xưng hô ngoài xã hội và trong nhà trường

Hình “ Chào mừng các con học sinh trở lại trường”… lan truyền trên mạng xã hội, gây phản cảm

Mạc Van Trang 
 

Đại từ nhân xưng của tiếng Việt quả là rắc rối không chỉ với người nước ngoài khi học tiếng Việt mà nhiều khi gây bối rối cho chính người Việt.
 
1. Xưng hô ngoài xã hội
 
Xưng hô ngoài xã hội tuỳ thói quen, mỗi nơi một khác. Tôi thấy xưng hô ngoài xã hội ở trong Nam có khác với ngoài Bắc. Trong Nam, người nhỏ tuổi thường gọi người lớn tuổi ngang tầm ba, má mình là Cô/Chú/Bác và xưng CON; người lớn tuổi cũng gọi người trẻ ngang tuổi con mình là CON một cách khá tự nhiên, thoải mái. Những nhân viên bán hàng, dịch vụ, cả viên chức nhà nước, công an, quân nhân… tôi tiếp xúc cũng xưng hô như vậy. Lúc đầu tôi thấy ngại ngại, sau quen dần, thấy thật dễ chịu.
 
Đối với người lớn tuổi, cách xưng hô như trên, tự nhiên thấy mình được tôn trọng, phải ứng xử tử tế hơn… Khi gặp các cháu nhỏ, chúng lễ phép: Con chào Ông/Bà, thấy các cháu thật dễ thương … Đối với người trẻ khi xưng Con với người lớn tuổi, chắc cũng tự nhiên lễ phép hơn…
 
Tôi thấy bỡ ngỡ và băn khoăn, khi gặp nhau, người trong Nam thường hỏi tuổi ngay và nếu mình hơn tuổi là xưng Anh/Chị liền và gọi người đối thoại là Em… Người kia cũng xưng Em (có khi miễn cưỡng). Lần đầu nhà giáo Phạm Toàn và tôi gặp bà Nguyễn Thị Bình (nguyên Phó Chủ tịch nước), khi chúng tôi “chào Chị"! Bà liền bảo: Các Em ngồi xuống đây. Mặc dù nhà giáo Phạm Toàn đã ngoài 80 tuổi, bà vẫn Chị Chị - Em Em rất tự nhiên. Cuối buổi bà bảo, có chai rượu ngon, Chị không biết uống, các em đem về uống cho khoẻ mà làm việc… Bà vẫn giữ cách xưng hô kiểu Nam bộ như vậy một cách rất tự nhiên.Lúc đầu có ngỡ ngàng, sau quen thấy dễ chịu.
 
Chiều mùng Một Tết Nhâm Dần, hai vợ chồng tôi đi dạo vào xóm bờ sông Soài Rạp, ngắm hoa lá, cỏ cây… Một ông mời vào nhà uống nước. Hỏi ra ông là quan chức to về hưu. Bà xã tôi hỏi tuổi, ông nói 65, bà xã tôi liền xưng Chị, gọi Em luôn! Tôi thấy kỳ kỳ, sao ấy; tôi vẫn gọi là Anh, bà xã tôi bảo, anh lớn tuổi mà gọi vậy làm Em tổn thọ đó!...
 
Có chuyện vui, mấy cô diễn viên nhà hát đi picnic, lúc qua chợ quê, dừng xe xuống mua trái cây. Bà bán hàng nói, mua cho Má đi các Con. Cô diễn viên hỏi, Má nhiêu tuổi rồi? - Má 60.. - Trời, Con hơn Má 2 tuổi đó! Cũng hổng có sao! Rất là vui…
 
Cách xưng hô trong xã hội phía Nam như nêu trên, dường như “mất dân chủ" áp đặt người ít tuổi là phải tuân phục người lớn tuổi… Nhưng trên bình diện xã hội, tôi thấy LỢI hơn là HẠI, nó tạo nên môi trường xã hội thân thương; người với người gần gũi nhau hơn, tình người dễ lan tỏa ấm áp, sẵn sàng chia sẻ, nhường nhịn nhau…Đó là một “không khí đạo đức" dân gian, tự nhiên thấm vào mỗi con người từ nhỏ…
 
Những người từ ngoài Bắc vào Nam cũng bị “đồng hoá" rất nhanh “không khí đạo đức" nói trên, hẳn là nó dễ chịu hơn, ưu việt hơn. Trong đại dịch vừa qua, người dân miền Nam đã thể hiện sự đồng cảm, thương yêu, giúp đỡ những đồng bào gặp hoạn nạn với biết bao điều cảm động. Trong số những người dấn thân làm thiện nguyện không mệt mỏi, tôi thấy nhiều người từ miến Bắc mới vào sống trong Nam sau 30/4/1975. Cái văn hoá xởi lởi, thân thương người với người đã ảnh hưởng đến họ nhanh chóng và sâu đậm.
 
2. Xưng hô trong nhà trường
 
Xưng hô trong nhà trường hiện nay kế thừa tất cả các kiểu xưng hô từ thời phong kiến, thực dân, cách mạng, hoà trộn với lối xưng hô từ xã hội, nên rất bát nháo.
 
Đúng là đã đến lúc Bộ Giáo Dục và Đào tạo cần soạn thảo “QUY TẮC ỨNG XỬ TRONG NHÀ TRƯỜNG", trong đó có vấn đề xưng hô. Xưng hô CHÍNH THỨC (formal) ở trường, lớp nên thống nhất, còn ngoài lớp, giao tiếp phi chính thức (Informal) thì linh động tuỳ quan hệ và thói quen địa phương…
 
Theo thiển ý, ở lớp MẪU GIÁO Cô và Trò nên xưng hô Cô - Cháu hoặc Cô và Con cũng được.
 
- Ở TIỂU HỌC và THCS (cấp 2), nên xưng hô Thầy/Cô và EM. Giáo viên nên gọi học sinh là Trò hay Em…
- Ở THPT (cấp 3), Giáo viên nên xưng Tôi và gọi HS là Em và HS gọi GV là Thầy/Cô và xưng TÔI.
 
Xưng TÔI về mặt tâm lý rất quan trọng. Khi xưng TÔI trong giao tiếp xã hội thể hiện sự tự khẳng định nhân cách xã hội trưởng thành. Thực ra thiếu niên 16 tuổi đã hình thành Nhân -cách -tâm -lý, rất khao khát tự khẳng định mình, nên xưng TÔI sẽ giúp các em sớm tự khẳng định mình vươn lên Người- trưởng- thành.
 
Học sinh Tiểu học chưa trưởng thành, nên khi mắc lỗi, thường đổ tại: “Bạn ấy xui em"; “em thấy các bạn làm nên bắt chước"; “Cô bảo thế, Mẹ em bảo thế”...
 
HS Trung họ cơ sở  là giai đoạn chuyển tiếp từ Thiếu niên thành Người- trưởng- thành; giai đoạn diễn ra những bất ổn, xung đột tâm lý, nhưng xu hướng có tính quy luật là vươn lên Người - trưởng - thành.
 
HS trung học phổ thông khi 18 tuổi, đã hết tuổi vị thành niên, được đi bầu cử, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, tức đã trưởng thành Nhân- cách - xã- hội.
 
Người Trưởng thành là người dám khẳng định CÁI TÔI: “Tôi nghĩ vậy, điều đó chính tôi nói"; “Việc đó chính tôi làm, tôi chịu trách nhiệm"; “Sai lầm đó chính do tôi gây ra, tôi xin nhận lỗi, xin lỗi, chuộc lỗi"; “Tôi quyết định chọn nghề này bởi vì tôi hiểu rõ năng lực, hoàn cảnh của mình và tương lai nghề nghiệp đã chọn"; “Tôi biết việc đó là mạo hiểm, nhưng tôi muốn được trải nghiệm những thử thách"; v.v…
 
Cho nên cốt lõi của giáo dục là tổ chức sự phát triển, sự Trưởng thành của học sinh, của thế hệ trẻ nói chung.
 
Nhiều nước làm Lễ Trưởng Thành cho HS hết THPT cũng là qua 18 tuổi. Có nơi còn có lệ, để đánh dấu sự trưởng thành, sau Lễ trưởng thành người thanh niên có quyền hút thuốc lá, uống bia/ rượu, công khai dẫn bạn tình về nhà …
Vì những lẽ trên, ở THPT giáo viên nên xưng TÔI (hoặc Thầy/ Cô) nhưng học sinh thì yêu cầu xưng TÔI trong giao tiếp chính thức (formal).
 
- Các trường lớp sau THPT (Cao đẳng, trường nghề, Đại học, sau Đại học) tất cả học sinh, sinh viên, học viên, NCS đều xưng TÔI với Giảng viên. Giảng viên gọi sinh viên/học viên là các Anh/ Chị hoặc các Bạn.
 
Những điều trên là nói về giao tiếp Chính thức (Formal) trong trường, lớp. Còn ngoài trường, lớp, giao tiếp phi chính thức (Informal) thì tuỳ quan hệ và thói quen. Bản thân tôi khi ở trên lớp, luôn gọi học viên cao học, NCS là các Anh/ Chị/các Bạn; nhưng ở ngoài lớp, trong quan hệ cá nhân vẫn gọi các Em, có học viên, NCS vẫn xưng Con…
 
3. Nói thêm
 
Các cơ quan công quyền, các tổ chức “chính trị, xã hội… cũng nên có QUY ĐỊNH GIAO TIẾP, trong đó có chuyện xưng hô cho chuẩn mực. Tình trạng “Ở cơ quan thì gọi Chú, lúc bù khú thì gọi Anh, lúc đấu tranh gọi Đồng chí" là khá phổ biến đó.
 
Đặc biệt lưu ý các Phóng viên báo chí, truyền hình, đừng có gọi học sinh là Con/Em mà phải gọi CÁC BẠN và xưng TÔI. Nhiều phóng viên rất chướng, khi phỏng vấn cứ áp đặt mình là Chị và gọi SV là em… Xưng hô trên phương tiện truyền thông cần cẩn trọng, theo xu hướng văn hoá tiến bộ.
 
TÓM LẠI: xưng hô phi chính thức (Informal) trong đời sống xã hội thì linh hoạt tùy môi trường văn hoá- xã hội, thói quen vùng miền… Nhưng xưng hô trong giao tiếp chính thức (Formal) thì cần có quy định chuẩn mực, thống nhất, theo xu hướng Dân chủ, Bình đẳng, Tôn trọng cá nhân.
 
Trước hết ngành Giáo dục cần sớm khắc phục tình trạng xưng hô láo nháo hiện nay bằng một Bản “QUY TẮC ỨNG XỬ TRONG NHÀ TRƯỜNG" trong đó có vấn đề xưng hô sao cho hợp với xu hướng văn hoá tiến bộ.
 
14/2/2022
MVT