Trịnh Khải Nguyên-Chương - Việt Báo
Hôm thứ Sáu 13/1/2023 vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tiếp Thủ tướng Kishida Fumio của Nhật Bản tại phòng Bầu Dục Tòa Bạch Ốc. Chương trình nghị sự của hai nguyên thủ quốc gia hẳn phải đề cập đến hiểm họa an ninh từ Trung quốc, mà cả hai quốc gia trong thời gian những năm gần đây đều đặt lên trọng tâm hàng đầu. Sự thật là, vì những hành động hiếu chiến, bất chấp công pháp quốc tế của Trung quốc càng ngày càng rõ rệt, Nhật Bản đang bắt đầu có những động thái chuyển từ thế thụ động chủ hòa sang thế sẵn sàng lâm chiến trong bất cứ điều kiện nào. Đó là nhận định của hai phân tích viên thời cuộc thế giới Zack Cooper và Eric Sayers đăng trên trang mạng “War on the Rocks”.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tiếp Thủ tướng Kishida Fumio của Nhật Bản
Chuyến công du quốc ngoại của Thủ tướng Kishida cho thấy Nhật Bản đang ráo riết tìm cách kết nối với các đồng minh quan trọng trên thế giới, mà hai quốc gia quyết định là Hoa Kỳ và Anh quốc. Tại Hoa Kỳ Thủ tướng Kishida ký kết một loạt những hiệp ước phòng thủ hỗ tương với Tổng thống Biden, trong đó có một hiệp ước về hợp tác không gian. Với Anh quốc, Nhật cũng đã thỏa thuận về một minh ước hợp tác phòng thủ. Đây là lần đầu tiên hai quốc gia này bắt tay nhau trong những hợp tác thuộc phạm vi quốc phòng. Nó sẽ là mẫu hình cho những hợp tác tương lai.
Nhật Bản cũng chuẩn thuận cho Hoa Kỳ tiếp tục đóng quân trên đảo Okinawa. Trung đoàn 12 Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ trên đảo Okinawa, hiện chỉ là một đơn vị pháo binh, nhưng đến năm 2025 sẽ được tăng cường thành Trung đoàn Duyên hải Thủy quân lục chiến, một lực lượng khinh binh chiến đấu. Dân Nhật trên đảo từ lâu vẫn phản đối sự có mặt của quân đội Hoa Kỳ, nhưng nay vì nhu cầu an ninh quốc gia, Tokyo đã phủ quyết nguyện vọng của dân chúng địa phương.
Thật đáng kinh ngạc tốc độ thay đổi trong quyết sách quốc phòng của Nhật Bản. Có những dự án trên giấy tờ nằm trong ngăn kéo cả thập niên, nay được đem ra ký kết trong vòng vài ngày. Tình huống này được xem là sự thay đổi 180 độ, vì Nhật Bản xưa nay vẫn thường bị chỉ trích là chậm chạp trong những quyết định đòi hỏi quốc gia tăng cường về quân sự.
Kẻ am tường tình hình địa chính trị tại biển Đông Hoa và Nam Hoa không ngạc nhiên về những động thái mới này của Nhật Bản.
Sau cái chết của cựu Thủ tướng Shinzo Abe (bị một kẻ lạ ám sát hôm tháng Bẩy năm 2022), nhiều người tưởng Nhật Bản sẽ trở về chính sách chủ hòa, không dành ưu tiên cho quốc phòng. Nhưng tình hình thế giới hiện tại và chính Trung quốc đã khiến chính giới Nhật có một nhận định mới và dẫn đến chính sách mới này.
Cuộc chiến tranh bên Ukraine ảnh hưởng sâu sắc lên chính sách mới của Nhật. Chính Thủ tướng Kishida đã tuyên bố hôm tháng Sáu năm 2022: “Hôm nay là Ukraine, ngày mai có thể là Đông Á.” Với câu nói đó, chính giới Nhật nhìn nhận một cách khách quan rằng chiến tranh với Trung quốc rất có thể xảy ra cho quốc gia họ.
Trung quốc xua hạm đội xâm lăng Đài Loan, điều đó có nghĩa là Trung quốc xâm phạm bờ cõi Nhật Bản. Tại sao? Bởi vì đảo Yonaguni, một hòn đảo có cư dân Nhật sinh sống, nằm phía nam Đài Bắc, thủ phủ Đài Loan. Những hôm trời trong, đứng trên đảo Yonaguni người ta có thể trông thấy núi non Đài Loan. Để xâm chiếm Đài Loan, bắt buộc Trung quốc phải phong tỏa bờ biển, và như thế tức là phong tỏa đảo Yonaguni và các đảo khác lân cận. Nhật Bản sẽ không thể ngồi yên nhìn dân mình bị súng đạn Trung quốc uy hiếp.
Nhìn từ con mắt chiến lược, Nhật Bản không thể chấp nhận Đài Loan trở thành tỉnh thứ 34 của Trung quốc, bởi vì chuỗi đảo Nhật Bản-Đài Loan nằm trong cùng một hệ thống biển đảo chạy dài từ bắc xuống nam. Nếu Trung quốc chiếm và kiểm soát Đài Loan thì mặt nam của Nhật Bản là cái cổng bỏ trống, mặc tình cho Trung quốc thọc vào. An ninh quốc gia của Nhật Bản tùy thuộc vào Đài Loan, bằng mọi giá Nhật Bản không thể để hòn đảo với 24 triệu dân trở thành căn cứ quân sự thù địch từ bên dưới uy hiếp mình.
Tham vọng bành trướng của Trung quốc không ngưng lại ở phần đất mà họ luôn luôn tuyên bố là của Trung quốc, như Đài Loan. Tám mỏm đất thuộc quần đảo Senkaku (không có người ở), dưới thời Mao Trạch Đông, Trung quốc thừa nhận là của Nhật Bản, nhưng đến năm 1971 thì họ xoay ngược lập luận, lớn tiếng bảo đó là đất Trung quốc và liên tục có những hành vi gây hấn tìm cách cưỡng chiếm. Bây giờ, họ còn đòi cả Okinawa và Ryukyu (Ryukyu, Lưu Cầu, một phiên thuộc của Trung quốc dưới triều đại nhà Mãn Thanh). Không cần nói nhiều, không mấy ai ở Nhật Bản chịu nổi thái độ hung hăng, hiếu chiến một cách quá đáng của Trung quốc.
Bởi thế, mặc dù bị giới kinh doanh (vì có những quyền lợi kinh tế lớn ràng buộc với Trung quốc) và phe chủ hòa công kích, nhưng Tokyo vẫn mạnh dạn chủ động trong việc thay đổi quyết sách quốc phòng. Trong quá khứ, Nhật Bản hài lòng với vai trò thứ yếu khi ký kết những hiệp ước quân sự hỗ tương, nhưng nay với tình hình mới, sau khi tái trang bị, họ sẽ là một lực lượng đáng kể trong vùng Đông Á. Nhật Bản vốn là cường quốc quân sự, chỉ sau Thế chiến thứ hai, vì thua trận và trông thấy tai họa của chủ nghĩa phiêu lưu chiến tranh, họ từ bỏ tham vọng Đại Đông Á để dồn toàn lực quốc gia vào phát triển kinh tế. Tuy thế, tình hình ngày nay đổi khác, với Trung quốc và Bắc Hàn là nguy cơ ngay sát nách, họ buộc phải thay đổi. Đường lối này được nêu rõ qua văn kiện Chiến lược An ninh Quốc gia chính thức công bố vào cuối năm 2022, trong đó chính phủ Kishida khẳng định quyền phản công đánh vào lãnh thổ của bất cứ quốc gia nào tấn công Nhật Bản.
Với một nước Nhật hùng mạnh về quân sự và quyết tâm đánh trả lại bất cứ hành vi hiếu chiến nào, liệu Trung quốc có trở nên e dè hơn trong âm mưu thôn tính Đài Loan hay không? Một câu hỏi không dễ trả lời.
Cũng hôm cuối năm 2022, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế/ Center for Strategic and International Studies (CSIS), một think-tank của Hoa Kỳ, công bố kết quả một lập trình mô phỏng (simulation), với giả thiết là Trung quốc tấn công Đài Loan năm 2026. Đây là một mô phỏng dựa trên những dữ kiện có thật và có khả năng xảy ra. Kết quả của lập trình là: Có hàng ngàn người chết, binh sĩ lẫn thường dân của hai phe lâm chiến; hạm đội Mỹ bị thiệt hại nặng, ít nhất hai chiếc hàng không mẫu hạm bị đánh chìm. Lực lượng Hải Lục Không quân của Đài Loan gần như tan rã. Nhưng Hải quân Trung quốc cũng chẳng còn gì. Kết luận của lập trình mô phỏng là Trung quốc sẽ thất bại trong việc xâm chiếm Đài Loan, nhưng về phía Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Đài Loan, tuy đẩy lùi được Trung quốc, nhưng sẽ phải trả cái giá vô cùng to lớn. Hoa Kỳ sẽ phải mất nhiều năm mới khôi phục lại được địa vị hiện thời của mình. Một cuộc chiến không kẻ thắng người bại. Đó là lời cảnh báo của CSIS.
Ông Dan Grazier, một phân tích viên kỳ cựu của chính phủ Hoa Kỳ cho là Trung quốc sẽ không bao giờ sử dụng vũ lực để xâm chiếm đảo Đài Loan. Ông cho rằng làm như thế Trung quốc chỉ tự giết nền kinh tế của mình, bởi một khi chiến tranh nổ ra, mọi hoạt động xuất nhập cảng sẽ phải đình chỉ, mà xuất nhập cảng là nguồn máu nuôi dưỡng kinh tế Trung quốc. Theo ông, “Trung quốc sẽ sử dụng sức mạnh kỹ nghệ và kinh tế để thách đố vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ, chứ không phải quân sự. Họ sẽ tìm cách né tránh một cuộc chiến tranh lớn với bất cứ quốc gia nào, không riêng gì Hoa Kỳ.”
Quan điểm này của ông Grazier không được ban Tham mưu Ngũ Giác Đài chia sẻ. Theo Tờ trình về sức mạnh quân sự của Trung quốc, soạn thảo theo yêu cầu của Quốc hội, Trung quốc đã liên tục gia tăng các hành động khiêu khích tại eo biển Đài Loan trong suốt mấy năm qua. Phát biểu tại Đại hội đảng lần XX, Tập Cận Bình tuyên bố rằng, “Trung quốc chủ trương thống nhất bằng đường lối hòa bình, nhưng không bao giờ hứa hẹn sẽ không dùng đến vũ lực, chúng tôi có quyền sử dụng bất cứ biện pháp cần thiết nào.”
Đó là lối nói hàng hai của một tay chính trị cáo già thâm hiểm. Thế nhưng Tổng thống Joe Biden của Hoa Kỳ cũng thâm hiểm không kém. Quốc hội Hoa Kỳ trong quá khứ thông qua Đạo luật Quan hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act), trong đó khẳng định Washington sẽ cung cấp cho Đài Loan những phương tiện để tự vệ, nhưng Đạo luật cũng nói rõ là Hoa Kỳ không gửi binh lực sang trợ giúp. Mới đây Quốc hội thông qua Dự luật Ủy quyền Quốc phòng (National Defense Authorization Act) với mục tiêu cung cấp 10 tỉ đô la trong vòng 5 năm để trang bị và hiện đại hóa các phương tiện an ninh cho Đài Loan. Trong khi đó, Tổng thống Biden, ít nhất hơn một lần tuyên bố là Hoa Kỳ sẽ gửi quân đội sang bảo vệ Đài Loan một khi Trung quốc quyết định xâm lăng. Dĩ nhiên, đây không phải cảnh “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” mà là sự tính toán để tung hỏa mù chính trị rất thường thấy trên mặt trận chính trị thế giới.
Ngay trong cái-gọi-là “chính sách Một Trung quốc” của Hoa Kỳ, ta cũng thấy sự mâu thuẫn. Dựa vào chính sách này, Hoa Kỳ “thừa nhận/ acknowledge” vai trò của Trung quốc trong đó Đài Loan là một phần của Trung quốc, nhưng chưa bao giờ “chính thức công nhận/ officially recognize” tuyên bố của Bắc Kinh hòn đảo tự trị đó là của Trung quốc. Chẳng có gì trắng đen rõ rệt trong các bùa phép chính trị-ngoại giao.
Nếu Trung quốc đánh Đài Loan, quân lực Đài Loan phải có khả năng ngăn chặn cuộc đổ bộ lên bờ biển; Hoa Kỳ phải được sử dụng các căn cứ trên lãnh thổ Nhật Bản; Hoa Kỳ phải có hỏa tiễn tầm xa để phá hủy hạm đội Trung quốc từ xa và hàng loạt. Quan trọng hơn hết, Hoa Kỳ phải trang bị cho Đài Loan trước khi viên đạn đầu tiên được bắn ra.
Khác với Ukraine, Hoa Kỳ và đồng minh sẽ không có cách nào tiếp viện vũ khí đạn dược cho Đài Loan một khi chiến tranh bùng nổ. Do đó, trang bị Đài Loan với các loại vũ khí tự vệ có hiệu quả hiện nay là vô cùng cấp bách, theo nhận định của nhiều quan sát viên.
Chiến tranh Đài Loan, nếu xảy ra, sẽ là một biến cố vô cùng trọng đại, ảnh hưởng sâu đậm đến tương lai nhân loại suốt thế kỷ XXI, một điều không người yêu chuộng hòa bình nào muốn thấy.
– Trịnh Khải Nguyên-Chương
https://vietbao.com/a314759/vai-tro-moi-cua-nhat-ban-tai-dong-a
https://vietbao.com/a314759/vai-tro-moi-cua-nhat-ban-tai-dong-a
27.01.2023