Thuyền nhân

Xuân Sơn Võ

Trong một chừng mực nào đó, tôi thuộc về "bên thắng cuộc". Nhưng ngay từ những ngày đầu tiên khi tôi vô Sài Gòn năm 1975, tôi không có cảm giác gì là mình thuộc về "bên thắng cuộc" cả.
 
Cho đến khi tôi bị đề nghị kỉ luật khai trừ đoàn, vì cái tội giới thiệu một bạn, là con của một đại tá chế độ cũ, gia nhập Hội Thanh niên (hội chứ không phải đoàn nhé), tôi nhận thấy, cho dù mình có lí lịch thuộc về "bên thắng cuộc", nhưng thân phận thì nằm ở phía ngược lại.
 
Năm 1979, ba tôi gặp lại gia đình, đã li tán từ năm 1940. Một trong những người cô ruột của tôi khi ấy sống ở Hàm Tân. Lúc ấy, tôi đang về nhà dịp hè để chuẩn bị đi du học ở Đông Âu. Tôi lên xe đò đi ra Hàm Tân. Đến ngã ba 46, tôi bị bắt lại vì không có CMND.
 
Lúc đó, CMND của tôi đã bị giữ lại để làm passport đi du học, và được cấp một cái giấy gì đó thay thế. Tuy nhiên, tại đồn công an 46, tôi bị bắt giữ vì bị cho là đi vượt biên. Tôi bị 4 tay công an quây lại đánh trong phòng giam, mà sau này tôi mới biết, là đánh để cho ra vàng.
 
Sau này, tôi đã từng đến những nơi có những tấm bia hoặc phù điêu, tượng... kỉ niệm việc các thuyền nhân đến các địa phương ở Mỹ, Đức... Tôi cũng đã đọc những cuốn truyện viết về những khó khăn, vất vả, những đau khổ, mất mát, thậm chí phải bỏ mạng... của những chuyến vượt biển đầy máu và nước mắt.
 
Nhưng tôi vẫn chưa cảm nhận hết được sự đau thương, mất mát của những người phải bước lên thuyền để ra đi. Thường thì khi giải thích cho bệnh nhân mổ, tôi luôn nói, mổ có thể liệt, có thể có biến chứng, thậm chí có thể chết người. Nhưng mổ thì mới có hi vọng. Đôi, khi, không mổ thì không còn chút hi vọng nào cả. Có lẽ, phần nhiều những người bước chân lên thuyền để trở thành thuyền nhân, đều ở trong hoàn cảnh như vậy./.
 
Điều đó tác động rất lớn đến cuộc đời một con người, lớn đến nỗi mà vào cái giờ phút nhận tượng vàng Oscar cực kì cảm xúc và long trọng, Quan Kế Huy đã phải nhắc đến nó./.