Nguyễn Công Bằng
Sau cái chết của ông Nguyễn Phú Trọng thì có lẽ chính trường Việt Nam sẽ giảm cảnh xâu xé lẫn nhau. Người mà ông Trọng lúc sinh thời đã không muốn giao cho chức vụ Tổng Bí thư, nhưng rốt cuộc sau khi ông Trọng qua đời đã không ai có thể cản chân ông ta được nữa, ông ta giờ đã nắm cả hai chức vụ A1 và A2, đó là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Như vậy là sau khi ông Trọng không còn, cuộc chiến đấu sát phạt giữa các phe nhóm chính trị dường như đã dịu lại. Các phe phái thấy rằng không cần phải chém giết nhau nữa, mà nên cùng nhau thoả hiệp.
Phạm Minh Chính thì đã ủng hộ Tô Lâm từ lâu, ngay từ đầu năm được biết là đã tuyên bố là không tham gia cuộc đua vào chức Tổng Bí thư, chỉ muốn giữ chức Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa. Chính vì thế Phạm Minh Chính đã được yên ổn, không bị nằm trong tầm ngắm của các phe phái.
Tin đồn cho biết ông Lương Cường - Đại diện của phe quân đội, sẽ sớm tiếp quản chức Chủ tịch nước, nhưng đợi họp Quốc hội tháng 10 sắp tới, sau Hội nghị Trung ương 10, cho dư luận đỡ sốc khi cái ghế Chủ tịch nước như có huông, đổi chủ quá nhanh và quá nhiều.
Ông Trần Cẩm Tú, thuộc phe Nghệ An - Hà Tĩnh sẽ thay ông Lương Cường nắm chức Thường trực Ban Bí thư. Như vậy là cả ba phe Công an, Quân đội và Nghệ an - Hà tĩnh đều cảm thấy hài lòng.
Ông Tô Lâm sau khi nắm giữ hai chức vụ quan trọng nhất của đảng và nhà nước Việt Nam, sắp có chuyến công du quan trọng sang Bắc Kinh, để diện kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Chuyến đi nước ngoài đầu tiên của tân Tổng bí thư CSVN, theo truyền thống là sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, trước khi đi Trung Quốc, ông Tô Lâm đã thiết lập thêm mấy vị trí quan trọng cho người của mình.
Ngày 8/8 ông Vũ Hồng Văn - Thiếu tướng công an, đã được giao nhiệm vụ làm Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Ông Vũ Hồng Văn là em vợ đầu của ông Tô Lâm. Vợ đầu của ông Tô Lâm là bà Vũ Thị Hồng Loan, Vũ Hồng Văn là em trai bà Loan. Vợ hiện nay của ông Tô Lâm là bà Ngô Phương Ly. Vũ Hồng Văn là người được coi là thân thiết của ông Tô Lâm, nên dù sinh năm 1977, đã thăng tiến với tốc độ rất nhanh. Ông Vũ Hồng Văn cũng được ông Tô Lâm biệt phái sang Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cách đây chưa lâu. Uỷ ban này đóng vai trò quan trọng trong việc phán quyết những nhân vật quan trọng trong đảng là vi phạm hay không, từ đó dẫn tới việc có thể bị truy tố hay kỷ luật uỷ viên trung ương đảng đó.
Mới sáng ngày 16/8, ông Lương Tam Quang - Bộ trưởng Công an, cũng đã được bầu vào Bộ Chính trị. Ngoài ra ông Nguyễn Duy Ngọc, Nguyên Thứ trưởng Công an, người cùng quê Hưng Yên và cũng là cấp dưới tin cẩn của ông Tô Lâm, đã nắm chức Chánh văn phòng Trung ương đảng cũng đã được bầu bổ sung vào Ban Bí thư cùng ngày 16/8. Như vậy là ông Tô Lâm đã thiết lập những nhân vật quyền lực bậc nhất trong bộ máy là người thân tín của ông ta. Điều này cho thấy ông Tô Lâm có khả năng rất cao sẽ nắm quyền lực cao nhất ở Việt Nam trong một thời gian dài sắp tới.
Lực lượng duy nhất có thể đối trọng lại lực lượng Công an là nhóm Quân đội. Trong quân đội, người có quyền lực nhất là ông Phan Văn Giang - Bộ trưởng Quốc phòng. Ông Giang vừa là Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương (mà ông Nguyễn Phú Trọng là Bí thư Quân uỷ Trung ương), trực tiếp điều động các lực lượng quân đội trong tay, Tổng tham mưu trưởng Nguyễn Tân Cương là người thân thiết của ông Giang. Ông Giang cũng nắm trong tay Tổng cục Tình báo Quốc phòng hay còn gọi là Tổng cục II - Cơ quan tình báo mạnh và quyền lực nhất ở Việt Nam.
Tuy nhiên, dường như ông Giang lại chưa thấy có động thái gì. Có tin đồn cho biết sức khoẻ ông Giang không tốt, do phải thay thận, tuy nhiên thông tin này chưa thể kiểm chứng. Nếu ông Giang sức khoẻ kém như vậy thì có lẽ đây là lý do khiến ông Giang tạm an phận với chức Bộ trưởng Quốc phòng.
Khi ông Lương Cường lên giữ chức Thường trực Ban Bí thư thì ông Trịnh Văn Quyết đã được đôn lên nắm chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Việt Nam. Ngày 16/8 vừa qua, ông Quyết cũng được bầu bổ sung vào Ban Bí thư như một động thái cân bằng và chia ghế giữa các phe cho ổn thoả.
Như vậy là các phe Công an, Quân đội, Nghệ An - Hà Tĩnh có vẻ như đã cảm thấy hài lòng với sự thoả hiệp này, tuy nhiên, còn nhóm Miền Nam thì có vẻ hơi lép vế. Miền Nam hiện nay có Nguyễn Văn Nên - Bí thư thành uỷ Sài Gòn, Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Quốc hội, Trần Lưu Quang - Phó Thủ tướng Chính phủ.
Chính vì thế, có tin đồn là Trần Lưu Quang sẽ được bổ sung vào Bộ Chính trị lần này, nhưng hoá ra vẫn chưa được, mà để xoa dịu nhóm Miền Nam thì Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã được bầu bổ sung vào Ban Bí thư trong ngày 16/8.
Chính trường Việt Nam đã bớt gay gắt sau khi ông Trọng qua đời, tuy nhiên, có lẽ phải sau khi Đại hội Đảng 14 diễn ra, thì mới rõ được diện mạo của các nhân vật quyền lực mới ra sao, và đương nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của đất nước Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và sẽ đưa ra những phân tích để gửi đến quý vị trong thời gian tới.