Nguyễn Công Bằng
Ngày 2/9 là ngày Quốc khánh (National Day) của nước CHXHCN Việt Nam, nhiều người vui vẻ đi chơi lễ hội nhân dịp nghỉ dài ngày, nhưng nhiều người đau đáu với đất nước thì đang xôn xao với một loạt bài đăng trên Facebook cá nhân của ông Nguyễn Đình Bin - Cựu Thứ trưởng thường trực, Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Theo như lời tự giới thiệu, Nguyễn Đình Bin năm nay 80 tuổi, có 62 năm là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Như vậy, có thể khẳng định ông Bin là cộng sản “xịn”, và hiện nay vẫn đang là đảng viên, chứ không phải thuộc nhóm “phản động, bỏ đảng” như một số dư luận viên hay chế giễu người khác. Ông Nguyễn Đình Bin có mối quan hệ thân thiết với Fidel Castro - Lãnh tụ của phong trào cộng sản Cu Ba (là con nuôi của Fidel).
Trong loạt bài mới công bố sáng ngày 2/9 trên FB của ông Nguyễn Đình Bin, có tâm thư gửi ông Tô Lâm - Tổng bí thư, Chủ tịch nước đương nhiệm, ngoài ra cũng đưa lại tâm thư gửi người tiền nhiệm của ông Tô Lâm là ông Nguyễn Phú Trọng - là Tổng bí thư nhưng mới qua đời cách đây không lâu.
Trong tâm thư gửi ông Tô Lâm ngày 4/8/2024, ông Bin có đề cập: “Rõ ràng là hệ thống chính trị hiện hành, chế độ xã hội chủ nghĩa theo học thuyết Mác – Lê nin mà Đảng ta vẫn kiên trì bảo vệ và thực hiện đã khủng hoảng trầm trọng!” Ông Bin cũng nhắc lại hoàn cảnh hiện nay đang giống với giai đoạn trước năm 1986, khi mà ông Trường Chinh - Tổng bí thư khi đó đã “dũng cảm quyết định từ bỏ mô hình quản lý kinh tế theo quan điểm Mác – Lê nin, xã hội chủ nghĩa đã thực sự lỗi thời, là cội nguồn sinh ra tình hình khủng hoảng đó, để chấp nhận và vận dụng vào nước ta kinh tế thị trường, là một thành tựu nhân loại đã đạt được, mà cho đến thời điểm ấy, cá nhân đồng chí cũng như Đảng vẫn coi là thù địch…””
Vì vậy, ông Bin “thống thiết kiến nghị đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước noi gương Tổng Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh, hãy dũng cảm từ bỏ cội nguồn sinh ra tình trạng khủng hoảng này, là hệ tư tưởng mà Đảng vẫn kiên trì níu giữ, là nền tảng của hệ thống chính trị hiện hành…; chấp nhận và vận dụng vào nước ta nhà nước thực sự pháp quyền, với ba quyền phân lập, thực sự dân chủ, đa đảng, xã hội dân sự, đang phổ cập trong thế giới tự do, dân chủ, văn minh, phù hợp quy luật phát triển khách quan lịch sử nhân loại.”
Trong tâm thư gửi ông Nguyễn Phú Trọng ngày 19/5/2024, ông Nguyễn Đình Bin có nhắc lại một nội dung mà ông đã từng gửi ông Trọng trong tâm thư năm 2020: “sau khi Đảng quyết định đổi mới về kinh tế tại Đại hội VI, tôi đã tin tưởng rằng: Đảng phải thực hiện đổi mới cả về chính trị, như nghị quyết đã xác định “đổi mới toàn diện và đồng bộ”. Cụ thể là phải xây dựng nhà nước thực sự pháp quyền, với ba quyền phân lập, giám sát, kiểm soát lẫn nhau, đa đảng, xã hội dân sự, thực sự dân chủ. Cũng như kinh tế thị trường mà Đảng đã quyết định chấp nhận và vận dụng vào nước ta, thể chế chính trị này cũng là một thành tựu của nhân loại đạt được cho đến nay, đã được thực tế lịch sử trên thế giới kiểm nghiệm và chứng minh là mô hình quản trị quốc gia, kiểm soát quyền lực tốt nhất, tạo mọi điều kiện cho nhân dân được thực sự tự do, làm chủ đất nước thực sự, chứ không phải chỉ là“đặc thù của chủ nghĩa tư bản, thù địch với chế độ ta”, như vẫn ngộ nhận”.
Ông Bin cũng cho biết, ông đã đề nghị gặp riêng ông Nguyễn Phú Trọng để trình bày những vấn đề tâm huyết của mình từ cuối năm 2018, nhưng ông Trọng đã không gặp, mà chỉ cho trợ lý của mình khi đó là ông Hồ Mẫu Ngoạt tiếp chuyện ông Bin.
Chúng ta nên nhớ, ông Trọng là người khởi xướng việc yêu cầu 19 điều đảng viên không được làm, trong đó có nội dung “Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin”. Dưới sự “lãnh đạo” của ông Trọng, tư tưởng tam quyền phân lập bị coi là độc hại, dẫn đến các đảng viên “tự chuyển hoá” vì thế bị nghiêm cấm. Các tay bồi bút đã ra sức viết những bài bác bỏ tư tưởng tam quyền phân lập mà ông Bin có nhắc tới trong các đề nghị của mình. Có lẽ vì sự khác biệt trong tư tưởng mà ông Trọng đã phớt lờ các ý kiến góp ý tâm huyết của ông Bin, người cùng tuổi nhưng không ở đỉnh cao quyền lực như mình.
Trong tâm thư gửi ông Trọng năm ngày 19/5/2024, ông Bin đã chỉ ra thực trạng: “Càng ra sức đốt lò, ra sức chống tham nhũng, tiêu cực, thì tham nhũng, tiêu cực, cũng như các quốc nạn khác, càng lây lan, càng phát triển trầm trọng! Càng nỗ lực xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, thì Đảng càng hư hỏng nghiêm trọng!”
Ông Bin đã nêu ra nguyên nhân: “Phải nhìn thẳng vào sự thật và gọi đúng tên con bệnh!
Rõ ràng là hệ thống chính trị, chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng đang ra sức xây dựng và kiên trì bảo vệ đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng!
Còn về đối ngoại thì, biến động mới nhất, nổi bật nhất, nghiêm trọng nhất là cuộc chiến tranh xâm lược cực kỳ man rợ của Liên bang Nga, một thành viên sáng lập, ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chống lại Ukraine, một quốc gia láng giềng độc lập, có chủ quyền, cũng là thành viên Liên hiệp quốc. Đây là một tiền lệ vô cùng nguy hiểm, chà đạp thô bạo các chuẩn mực cơ bản luật pháp quốc tế hiện hành và đạo lý phổ cập, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh, kinh tế và luật pháp quốc tế, đi ngược lại dòng chủ lưu lịch sử loài người hiện đại”.
Rõ ràng, nhiều người ở Việt Nam đều biết căn nguyên của vấn đề, vì sao Việt Nam đắm chìm trong tham nhũng, và mặc dù ông Trọng đã trải qua gần 3 nhiệm kỳ để cố gắng “nhốt quyền lực trong một cái lồng” nhưng vấn đề quan trọng nhất là người giữ chìa khoá của cái lồng quyền lực đó lại chưa phải là nhân dân, cho nên tệ nạn tham nhũng sẽ không bao giờ giải quyết được. Tuy gần như ai ở Việt Nam cũng đều biết điều ấy, thế nhưng, ông Bin là một người dũng cảm khi công khai những vấn đề đó. Những kinh nghiệm quý báu của một đời làm ngoại giao cùng với những kiến thức tích luỹ qua quá trình học tập và làm việc của mình đã được ông Nguyễn Đình Bin chắt lọc trong các bài viết này của mình.
Có lẽ, chỉ nay mai thôi, hàng loạt “đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi” sẽ ùa vào tấn công và đấu tố ông Bin, hòng “vú cả lấp miệng em”, nhưng những chân lý thì mãi mãi không thể phai mờ, cho dù nhà cầm quyền có dùng bạo lực nhằm đổi trắng thay đen, thì cũng sẽ không khuất phục được những giá trị mà cả nhân loại cùng theo đuổi, đó là tự do, dân chủ và nhân quyền./.