Chống lãng phí: Có chống được không? (kỳ 4&5&6)

Nguyễn Thông

Tiếp nữa là Hội phụ nữ. Thế tôi lại hỏi các ông các bà, đàn ông có hội riêng không mà cứ phải lập riêng hội phụ nữ. Ra cái vẻ tôn trọng phụ nữ, đề cao phụ nữ. Cứ để bình thường thì mới thực là tôn trọng, chứ đã ưu tiên, đặc cách, chẳng qua chỉ là sự bố thí, xót xa, thương hại, mủi lòng. Mà nó cũng chả làm được trò quái gì ngoài việc lâu lâu múa may nhận tiền 8.3 hoặc 20.10. Hãy coi xem, khi bộ giáo dục ra cái dự thảo về sinh viên bán dâm, nó dám mở mồm lên tiếng được nửa nhời, thì tôi chớ kể. Khi cô gái ở chung cư tại thành phố Thuận An tỉnh Bình Dương bị nhà chức việc phá cửa phòng vào tận nhà túm điệu đi ngoáy mũi trong cơn dịch Covid, không hề thấy hội phụ nữ lên tiếng. Cho tới lúc này, nó vẫn câm nín chả bảo vệ gì được chị em đàn bà của nó. Để chỉ tốn cơm dân nuôi. Dẹp.

Đoàn thanh niên, công đoàn, hội nông dân, hội nghệ sĩ, hội nhà báo… đại loại đều thế cả. Xuân thu nhị kỳ chỉ thấy họp hành, bầu bán, cử người, chọn ghế, chứ cái đối tượng mà nó đại diện chẳng được nhờ vả gì. Đoàn thanh niên chẳng hạn, nếu có chăng, chỉ đảng được lợi, bởi đảng sinh ra nó để làm “cánh tay phải”, làm nguồn cung cấp lực lượng kế tiếp. Mà cũng lạ, chỉ nhắm tới mỗi đối tượng người trẻ (thanh niên), họ đẻ ra cả hội liên hiệp thanh niên lẫn đoàn thanh niên, có từ cấp trung ương tới địa phương cơ sở. Tốn kém ư, bày vẽ ư, dẫm chân lên nhau ư, kệ, cứ phải nhiều cho hoành tráng. Tôi đã từng tòng sự một tờ báo thuộc đám đoàn hội ấy, nhiều lúc cứ ngơ ngác tự hỏi vậy thì cơ quan đơn vị mình trực thuộc đứa nào. Có lần hỏi tổng biên tập, ổng bảo thuộc tất, cả đoàn lẫn hội, bởi thực ra chúng chỉ là một.

Mấy thứ đoàn hội ấy, nói chính xác, là sản phẩm của khối cộng sản, chủ nghĩa xã hội khi xưa. Liên Xô có cái gì, đàn em bắt chước thứ ấy. Khối XHCN tan rã, chúng bị chết theo hoặc tồn tại vật vờ ở vài nước "kiên định", chỉ làm vướng víu con đường đi lên của nhân dân, dân tộc. Sản phẩm nhất thời, lạc hậu, hết giá trị, thậm chí gây tốn kém, trở ngại, không mạnh dạn bỏ đi thì để làm gì cho tốn tiền nuôi.

Những hội đoàn, tổ chức xã hội vẫn cho tồn tại nhưng phải tự lo tài chính, không thể nuôi báo cô mãi được. Đừng lấy cớ đó là hệ thống chính trị mà tồn tại hoa lá cành. Thôi thì đảng cầm quyền đã đi một nhẽ, chứ đúng ra đảng cũng phải "độc lập TỰ LO hạnh phúc" như những nước dân chủ văn minh. Nước họ có đầy đảng, đảng nào cầm quyền cũng được, nhưng dân không phải nuôi, không tồn tại nhà nước "lưỡng đầu chế", song trùng, thậm chí tam tứ trùng như xứ này. Còn lại mấy cái đoàn hội nếu không giải tán được thì cũng để chúng tự lo, đừng bắt dân gánh mãi. Hãy dành số tiền khủng lâu nay nuôi mấy thứ trang trí ấy chi cho quốc phòng, nuôi lính, đảm bảo tốt cuộc sống và thân nhân của người lính, nhất là những người ngày đêm giữ biển đảo; nâng cao đời sống nhân dân, nhất là những người nghèo, vùng sâu vùng xa. Họ có vững vàng thì mới có sức mạnh chống ngoại xâm, kiến thiết đất nước, thúc đẩy sự phát triển, đem lại ấm no hạnh phúc cho dân.

Nói chung, mọi dạng đoàn thể, kể cả đảng, cứ việc hoạt động thoải mái, chỉ có điều tự lo chi phí hoạt động, đừng xà xẻo tiền thuế của dân, bắt dân phải nuôi. Còn không chịu được thì nên dẹp. 

Chống lãng phí: Có chống được không? (kỳ 5)

Điều thứ nhì, rất quan trọng trong công cuộc “chống lãng phí” là dẹp bệnh hình thức. Không thấy ông Tô Lâm nhắc tới.

Dân và doanh nghiệp làm ra tiền, nhà nước bán tài nguyên ra tiền, đem giao tiền ấy vào tay mấy ông miệng nói tiết kiệm, tay vung phung phí, khác nào gửi trứng cho ác.

Ở một nước còn nghèo, ngân sách eo hẹp cạn kiệt, phần lớn dân chúng dạng thu nhập thấp như xứ ta, thì tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy.
Quan chức nhà nước, bộ máy nhà nước phải làm gương tiết kiệm để trước hết không lãng phí ngân sách, thứ hai là để dân noi theo.

Bớt ngay, bớt triệt để tình trạng khẩu hiệu cờ quạt hoa hoét tràn lan. Đừng dẫm vào vết "Lọng cắm rợp trời quan sứ đến/Váy lê quét đất mụ đầm ra" như hồi xưa nữa, chướng mắt lắm. Băng rôn, cờ xí khẩu hiệu chăng đầy đường. Tôi hỏi các ông, có khi nào các ông vừa chạy xe vừa đọc nội dung những câu khẩu hiệu chăng ngang đường không. Loạng quạng, ngã bỏ mẹ. Tôi từng thấy một câu khẩu hiệu chăng ngang đường ở quận 8 (Sài Gòn), tò mò dừng xe lại đếm được 68 chữ, nhỏ lít nhít, nội dung hô hào dân chúng tiết kiệm. Chuyện như đùa. Tôi muốn hỏi ban tuyên giáo, ai đọc, chả hạn các ông đi qua đó có nghển cổ lên đọc xong rồi mới đi tiếp không?

Đó là chưa nói phố phường sặc sỡ trông như cái sân khấu, đẹp đâu chẳng thấy, chỉ thấy nhức mắt, mất vẻ mỹ quan. Tôi nhớ một người bạn tôi, anh Nguyễn Thế Khải (sếp công ty du lịch Hoàn Mỹ nổi tiếng) đi nước ngoài như đi chợ, từng đến trăm mấy chục nước, sinh thời (anh mất do dịch Covid năm 2021) có lần kể tôi nghe, rằng hầu như những nước anh đến, nhất là Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Canada khắp phố phường gần như không có cờ quạt, băng rôn, khẩu hiệu; chạy xe trên xa lộ cao tốc hàng nghìn cây số bói không ra câu khẩu hiệu, mà chỉ có những biển chỉ dẫn, chỉ đường.

Có một dạo, hơn chục năm trước, để dẹp bệnh hình thức, tránh tốn kém phiền phức, hoa hòe hoa sói, ông Nguyễn Phú Trọng khi mới nhậm chức tổng bí thư yêu cầu trong những cuộc đi thăm và làm việc của ông, nơi ông đến, nơi ông làm việc không được căng băng rôn khẩu hiệu, không đón rước cờ quạt, không hoa hoét. Ông Trọng cũng đề nghị các đồng chí của ông làm như vậy. Sự gương mẫu của ngài tổng diễn ra được một thời gian ngắn, rồi hình như chính ông cũng chán, cũng quên, mà cũng chẳng thấy đồng chí nào ủng hộ, làm theo. Vẫn băng rôn cờ phướn rợp trời, đón rước linh đình.

Rất nhiều lần coi tivi tôi thấy ông Trọng tiếp khách, trong phòng tiếp vẫn trên giời dưới hoa, khiếp. Đừng bảo nghi lễ quốc gia, quan hệ quốc tế, sự mến khách, hoặc tạo đầu ra cho người trồng hoa, v.v.. thì phải vậy. Nói thẳng là đốt tiền, còn người trồng hoa "không mợ thì chợ vẫn đông", lo gì đầu ra cho sản phẩm mà cứ phải đốt vào trò hình thức lòe loẹt.

Cứ coi nơi quan chức đảng, nhà nước tiếp khách mà xem. Hoa hoét xanh đỏ tím vàng bày ngập tràn từ trên xuống dưới. Dường như cái bệnh hình thức lòe loẹt đã ăn thâm căn cố đế vào máu của họ rồi. Chả biết những vị khách nước ngoài được họ tiếp có sung sướng không hay lại cười thầm, chê cái thói trưởng giả học làm sang.

Nước người ta có tiếp tổng thống hoặc thủ tướng chả có món hoa hòe hoa sói thâm căn cố đế kiểu xứ này. Tôi nhận thấy, khi tiếp khách, dù là quốc khách, rất giản dị. Chính tivi ta phát chứ không phải thế lực thù địch dựng chuyện để so sánh nói xấu ta. Chỉ cái bàn với mấy cái ghế bình thường, ngồi trao đổi đại sự, cấm có hoa hoét cờ xí gì. Chả nhẽ cứ phải cờ đèn kèn trống hoa hoét cho nhiều thì mới là lịch sự, trang trọng hiếu khách? Xem những tấm ảnh, đoạn phim về nguyên thủ, lãnh đạo xứ người tiếp khách mà thấy ngược hẳn với mình. Còn nơi đâu giàu như Mỹ như Nhật, Na Uy, Thụy Điển, vậy mà cái bàn cái ghế cũng hết sức giản dị bình thường, chả cần hoa này bông nọ. Họ cốt ở cái thực chất, đâu màng tới phù hoa giả tạo. Cái tên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Hội chợ phù hoa" của nhà văn người Anh William Thackeray nhẽ ra phải dành cho xứ An Nam này.

Nước nghèo, dân đói, nhưng sự xa hoa có thừa. Tôi không cực đoan đến mức xem thường bộ mặt quốc gia. Tiếp khách, nghi lễ, hội hè kỷ niệm, họp hành, tất nhiên cũng phải đạt sự đàng hoàng, long trọng nhất định. Còn quan trên trông xuống người ta trông vào nữa chứ. Nhưng các nhà cai trị xứ ta mắc cái bệnh thích ném tiền qua cửa sổ. Nói một đằng làm một nẻo. Miệng xoen xoét hô hào tiết kiệm, "tiết kiệm là quốc sách" nhưng xài tiền thì vô tội vạ. Ông nào cũng đòi nhà to sở đẹp, xe sang tiền tỉ, đến cái ghế ngồi cũng phải nhung lụa, phượng múa rồng bay. Hơn cả hoàng đế Trung Hoa. Năm nao cũng vận động học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, sơ kết, tổng kết, tìm gương điển hình, nhưng chính các ông bà ấy lại khăng khăng không học cụ. Cụ là điển hình về tiết kiệm, giản dị, không bày vẽ, từ căn nhà ở, chỗ ăn chỗ ngủ, nơi làm việc, cái ghế ngồi… Còn con cháu cụ bây giờ cứ làm ngược lại. Vậy thì học cụ ở chỗ nào? 

Chống lãng phí: Có chống được không? (kỳ 6)

Một nước luôn phải lo đối phó với kẻ ngoại bang xâm lược, phải chuẩn bị đối phó chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào bởi dã tâm của "bạn" lộ rất rõ, mà biện pháp cây tre chỉ mang tính nhất thời, phập phù, thì việc tăng cường quân đội, trang bị vũ khí, chi phí tối đa cho quốc phòng để bảo vệ đất nước là cần thiết.

Để có tiền làm điều đó, đừng chỉ nghĩ đến chuyện tăng thêm các sắc thuế, tận thu nguồn lực từ dân chúng, doanh nghiệp, bán tài nguyên cạn kiệt... mà còn phải giảm bớt triệt để những chi phí lãng phí, vô bổ, chặn đứng tình trạng tiền nghìn tỉ lọt vào túi bọn tham nhũng, tiêu xài hoang phí.

Điều cần làm ngay là siết lại chi phí cho bộ máy cầm quyền đang quá rườm rà, quá to nhưng ít hiệu quả. Hệ thống lưỡng đầu chế thời Lê - Trịnh ít ra còn có hiệu quả, chứ kiểu song trùng, tam trùng, tứ trùng thời nay rõ ràng là thứ gánh nặng cho dân, cho đất nước. Đảng có thể nhận tất quyền lãnh đạo và thực hiện, chứ kiểu chia mâm bát, ghế này ban nọ tồn tại song song với chính quyền thì dân nào gánh nổi bộ máy hoành tráng cồng kềnh ấy.
Ai cũng có thể nhận ra sự tồn tại dẫm đạp lên nhau đó ở mọi cấp, mọi lĩnh vực. Có trung ương đảng bên cạnh nhà nước/chính phủ/quốc hội; có ban tuyên giáo bên bộ thông tin/bộ giáo dục; có ban kinh tế bên các bộ về kinh tế; ban đối ngoại bên bộ ngoại giao; ban nội chính và ủy ban kiểm tra trung ương bên bộ công an, viện kiểm sát, tòa án; ban tổ chức trong khi đã có bộ nội vụ; ban dân vận trong khi đã có bộ lao động-xã hội... Mà phải nói rằng bộ máy, nhân sự của các ban chả thua kém gì bộ máy của hành pháp, thậm chí còn khủng hơn, hoành tráng hơn, trụ sở bề thế hơn, chi phí tốn kém hơn, và dĩ nhiên quyền to hơn.

Trung ương thế nào thì các cấp địa phương đều vậy. Cấp ủy, ủy ban, hội đồng nhân dân, mặt trận, hội đoàn... đều cùng tồn tại, từ tỉnh/thành tới tận xã. Không chỉ ăn vào ngân sách, còn chiếm bao trụ sở, nhà to cửa rộng, xe cộ xăng dầu, người phục vụ. Tiền đâu chịu nổi. Điều này ai cũng thấy.
Cần cắt phăng, giảm ngay những cán bộ (từ trên xuống dưới) của đủ mọi ban bệ, ngành, tổ chức chỉ đủng đỉnh hằng tháng lĩnh lương, hội hè đàn đúm, họp hành liên miên mà không làm được bao nhiêu cho dân cho nước, cho xã hội. Loại này, theo tôi, chiếm đến 1/3 trong bộ máy cai trị từ trung ương xuống địa phương.

Để có cán bộ tất nhiên có lựa chọn và bầu cử. Nhưng bầu bán ở xứ nay bao năm nay rất hình thức, vẽ vời. Đảng cầm quyền, lãnh đạo, chỉ đạo, quyết định mọi việc, nhất là về nhân sự. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành trung ương, Đại hội toàn quốc đã thông qua, đã quyết rồi, ai làm gì, ai ghế nào… thì cứ thế mà thực hiện. Tại sao lại còn bầu bán? Đã có cuộc bầu nào dám trái ý đảng chưa. Chưa. Đừng lấy lý do làm thế để thực hiện dân chủ, đúng quy trình. Cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp cao, đã được chọn rồi, chắc như đinh đóng cột rồi, thì dân chủ, quy trình cũng là thừa, bệnh hình thức, gây "lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân" (lời cụ Hồ). (còn tiếp)

Nguyễn Thông
Kỳ 1 - 5: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02duKUKyGQC6qDP1gEym4w7SteAjTwgASTVobyNMpwXG2rGB8Umv5Cd8CnpbeCK4yKl&id=100024722048900