Ông Minh Tuệ đi tu, không phải đi đến Ấn Độ. Con đường của ông là đi tìm chân lý và giác ngộ chân lý, không phải tìm kiếm thành công theo lối nghĩ của thế tục, vì thế đừng quan trọng gì cả. Ông đến hay không đến được (Ấn Độ), điều ấy gần như vô nghĩa; thuận lợi hay chướng ngại, bình an hay gian khổ, sống hay chết, chỉ là những chuyện bên lề, là chuyện thời tiết. Ông Minh Tuệ có thể không đạt được sở nguyện của mình trong đời này, là giác ngộ chân lý, nhưng điều ấy là thường. Ông còn vô lượng kiếp nữa trong tương lai để làm việc ấy (theo niềm tin giáo pháp của ông). Hãy mặc kệ ông đi.
Tôi từng lo lắng cho ông trên những bước đường ở Việt Nam khi ông bị quá nhiều người đeo bám và có quá nhiều kẻ thù, và tôi đã lên tiếng, nhưng rồi tôi hiểu ra và im lặng đã khoảng dăm tháng nay. Chúng ta thích bận tâm thì cứ bận tâm, nhưng đừng lo lắng hay nghĩ rằng mình phải bảo vệ ông. Với tôi, điều gì đến với ông trên đường tu cũng là điều phải đến, nên đến và tốt đẹp. Với tư cách là một công dân, tôi chỉ quan tâm đến một chuyện ngoài cá nhân Minh Tuệ: Tự do tôn giáo (và cũng là tự do tư tưởng) trong một xã hội.
Đoàn Văn Báu là người không đáng tin. Có rất nhiều biểu hiện để không tin được, tôi chỉ nói một điểm thôi và cũng chỉ một ví dụ gần nhất cho điểm ấy: Ông ta không trung thực. Khi đến chào Minh Tuệ để ra về, ông đã nói/ hứa là từ nay ông và hai người về cùng sẽ không nhắc gì đến đoàn nữa, nhưng ông không giữ được lời, mới sáng nay thôi, ông lên mạng công khai nói, vẫn như một trưởng đoàn và vẫn giọng chỉ đạo. Tất nhiên, nhiều người sẽ nói rằng vì Báu lo lắng cho đoàn. Không, tôi chỉ thấy rằng Báu đang nói dối trắng trợn.
Hào quang mà ông Báu có được là từ ánh sáng Minh Tuệ (gọi là drama Minh Tuệ cũng được), và cả từ việc giành lấy ánh sáng ấy một cách không chính đáng. Ông Báu sẽ không thể “rời” đoàn, ông sẽ vẫn luôn nói về Minh Tuệ và đoàn người tu này, vì ông “ra đời” từ đó, và “sống” cũng nhờ đó. Đoạn tuyệt với Minh Tuệ đồng nghĩa với việc tự dập tắt hào quang đã tiếm giữ được. Ông Báu sẽ vẫn nghiện ngập, nghiện sự tung hô, tung hô là một người tốt và một người hùng. Ông không cai được đâu.
Rất khó để đánh giá một con người, và cũng không nên đánh giá, nhưng nếu muốn chọn bạn mà chơi, ta chỉ cần xem người đó có trung thực hay không. Một người nói dối, nói láo, nói hai lời, người đó không đáng tin, và không thể tin cậy.
Những ồn ào, những náo loạn, những rắc rối của đoàn người tu, đó là lẽ đương nhiên, không cách gì tránh được nữa. Vì thế, không nên khuyên hay “hiến kế” gì cả. Ông Minh Tuệ vẫn cứ đi, và ai hỏi thì ông sẽ vẫn cứ nói thôi. Ông không có lựa chọn khác đâu. Đố ông Minh Tuệ trốn thoát được khỏi những người đeo bám. Trả lời hay không họ vẫn đeo bám. Nói thì thiên hạ bảo là thu hút, không nói thì quy kết là khinh mạn, nói dối thì phạm giới… Vả lại, hạnh nguyện của ông là tùy duyên và gieo duyên, ông cứ đi trên đường và để cho mọi thứ diễn ra tự nhiên. Ông không né tránh cuộc đời, ông sẽ đi xuyên qua nó. Ông đã chấp nhận tất cả thì còn toan tính gì nữa, vì bản thân sự chấp nhận là một mục tiêu của rèn luyện tâm trí. Ông biết rõ mục đích của mình, là tu tâm, chứ không phải lựa chọn hay tạo nên hoàn cảnh để đáp ứng cho cái tâm ấy.
Thêm nữa, Minh Tuệ đã nguyện hiến thân cho con đường tìm cầu chân lý và trả ơn chúng sinh, ông sẽ không khước từ đâu. Ông nói, đại ý, khi mình đói, họ cho mình ăn thì mình vui vẻ, sao giờ họ đi theo hay hỏi chuyện thì mình lại cự tuyệt, như thế là không tốt. Điều giản dị này ở Minh Tuệ không phải ai cũng hiểu được, bởi người ta dùng một lối tính toán khác.
Tóm lại, nếu quan tâm thì chỉ cần ngồi xem/ dõi theo đoàn người ấy, như xem một bộ phim dài kỳ. Vui buồn, hồi hộp, giận dữ, lo lắng… Tùy, nhưng cần nhớ rằng mình chỉ là một khán giả. Người tĩnh trí vẫn xem nhưng xem để học được cái gì đó có ích cho cuộc sống của bản thân chứ không phải để đánh mất mình trong những nhân vật hay tình tiết của bộ phim.
Tôi nghĩ, khả năng rất cao là ông Minh Tuệ vẫn đang xem một bộ phim mà trong đó ông vô tình bị biến thành nhân vật chính. Nhưng dù bất luận thế nào, ông vẫn không đồng hóa mình với nhân vật, ông vừa là nhân vật, vừa là khán giả, một khán giả “niêm hoa vi tiếu” trước chính mình.