Quốc gia này sẽ bị suy thoái về đạo đức, lương tâm, và trách nhiệm khi mà sự kiềm soát tâm lý và xúc cảm xã hội tiếp tục được tiến hành bằng bộ máy cảnh sát, tòa án và nhà tù. Và chính cách ứng xử theo lối “bàn tay thép” này, sẽ tạo ra một nhóm người “tư tưởng thép”, những người với nhà tù là trường học về trách nhiệm và rèn giũa tư tưởng, những người sẽ tham gia, và tạo ra một sự thay đổi trong tương lai, tương tự như cái cách mà những người cộng sản đời đầu từng được rèn giũa, nơi đau thương trở thành động lực cho các hành động tiếp theo.
Nhà hoạt động, Lê Văn Sơn, trong chia sẻ trên Facebook ngày 4.8 cho biết.“Ngày 3/8/2015, tôi được về quê hướng sau 4 năm tù chung đủ. Tôi ra phần mộ Mẹ để thắp nhang và bái lạy. Mẹ tôi mất khi tôi bị cộng sản cầm tù 8 tháng, nhưng mãi tới gần hai năm sau tôi mới biết tin mẹ tôi qua đời”.
Nguyễn Nam Phong ngày ra tù
Mới đây, hình ảnh người lái xe chở đoàn khiếu kiện Formosa trở về sau 2 năm tù, khi một video ghi lại cho thấy, với khăn tang quàng trên cổ, anh Nguyễn Nam Phong đã khóc đau thương trước bàn thờ con gái (Maria Nguyễn Hải Giang), người đã mất vì ung thư xương khi anh còn đang chịu án tù.
Anh Phong cũng mất người cha trong giai đoạn này.
Facebooker Long Trần bày tỏ: “Mới thấy được cái đắng, cái chát họng của những người tù chính trị. Họ lựa chọn đấu tranh để rồi muôn vàn bất hạnh cay đắng đổ lên đầu. Những đọa đầy về thân xác, những mất mát giá nào trả nỗi cho những con người yêu nước?”.
Trước đó, vào năm 2012, bà Ðặng Thị Kim Liên, mẹ của blogger bất đồng chính kiến Tạ Phong Tần, đã mất sau khi tự thiêu tại khu hành chính Bạc Liêu, trong lúc blogger Tạ Phong Tần sắp bị đưa ra tòa xử về tội tuyên truyền chống phá nhà nước.
Có nhiều sự mất mát đã diễn ra, trong thời kỳ mà những nhà bất đồng chính kiến bị tạm giam và giam giữ, nỗi đau về bệnh tật và sự ra đi của người thân trong gia đình, cũng như những đánh đổi liên quan đến hạnh phúc gia đình cũng đã trở thành những góc cạnh khoét sâu vào trong tâm lý của chính họ.
Khi một người bất đồng chính kiến vào tù vì nói lên chính kiến của mình, họ đã thể hiện bản lĩnh gan dạ. Và khi ra khỏi tù sau thời gian dài, họ vẫn nở nụ cười, họ xứng đáng là anh hùng thực sự. Anh hùng của chiến thắng nghịch cảnh và khả năng đứng trên nghịch cảnh, với điểm tựa là lý tưởng của chính bản thân của mình.
Sự phát triển không ngừng của nhân quyền luôn gắn liền với chuỗi tù dài hạn dành cho các nhà hoạt động, và số lượng người “nhập kho” lớn hơn khi nhu cầu hít thở dân chủ, tự do trong chế độ độc tài cai trị ngày càng lan rộng. Do vậy, khi nhân quyền được tiến triển một chút một, thì trong đó có cả một sự hy sinh thầm lặng và lớn lao của những người như anh Sơn, chị Tần, anh Phong, chị Mẫn,… Ở họ, đều có một điểm chung, đó là thể hiện thái độ dứt khoát, lập trường tư tưởng vững vàng: tất cả vì nhân quyền, tất cả vì Tổ quốc.
Facebooker Ngọc Lan: “Họ [những nhà đấu tranh nhân quyền] đã không ngừng chiến đấu cho công lý, quyền con người. Không chỉ cho bản thân họ, mà cho cả chúng tôi!”.
Những tiếng nói bất đồng chính kiến đã buộc các nhà hoạt động phải lắng nghe tiếng nói của họ.
Quyết định “dừng chặt hạ cây xanh” vào năm 2015 không phải ngẫu nhiên.
500 triệu USD bồi thường mà Formosa bỏ ra vào năm 2016 không hề ngẫu nhiên.
Kiên Giang đề nghị tạm dừng quy hoạch đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế vào năm 2019 càng không phải là sự ngẫu nhiên.
Đó là những quyết định được nảy sinh và thúc đẩy bởi chính những nhà hoạt động trong nước, những người tạo ra các sự kiện và buộc chính quyền phải lắng nghe tiếng nói của nhân dân. Những sự kiện tập hợp hàng ngàn cho đến hàng triệu con người, với tinh thần đoàn kết, nhất trí cao.
Những sự kiện như thế được dẫn dắt bởi những con người con lương tri và trách nhiệm với quốc gia và rõ ràng, chúng ta cần phải biết ơn những con người đó, những con người đã phải trả giá tự do cá nhân để giữ đất, giữ nước, giữ cây cho thế hệ sau.
Mới đây, trên Nationalinterest có bài viết đề cập đến “một Trung Quốc độc đoán hơn”, theo đó, “Trung Quốc đã trở nên độc đoán hơn kể từ thời Tập Cận Bình nắm quyền. Đặc trưng bằng sự nghiêm túc trong nghiên cứu và tuân thủ học thuyết Marxist-Leninist.” Việt Nam cũng sao chép đặc trưng độc đoán của Bắc Kinh, và thời kỳ ông Nguyễn Phú Trọng, số lượng người bị bắt giam vì các hoạt động bất tuân dân sự, thực thi quyền dân sự – chính trị tăng lên đáng kể.
Những người biểu tình, phản đối, hay lên tiếng đại diện cho một thể trạng tâm lý xã hội, đó là họ chán ngấy những gì đã và đang xảy ra trong thể chế, nơi mà tính minh bạch và lắng nghe chưa bao giờ được hiện thực hóa một cách rõ ràng, nơi mà quyền lực độc tài – toàn trị luôn tìm cách kiếm soát, chi phối và uốn nắn xã hội từ trong quá khứ đến hiện tại. Quốc gia này sẽ bị suy thoái về đạo đức, lương tâm, và trách nhiệm khi mà sự kiềm soát tâm lý và xúc cảm xã hội tiếp tục được tiến hành bằng bộ máy cảnh sát, tòa án và nhà tù. Và chính cách ứng xử theo lối “bàn tay thép” này, sẽ tạo ra một nhóm người “tư tưởng thép”, những người với nhà tù là trường học về trách nhiệm và rèn giũa tư tưởng, những người sẽ tham gia, và tạo ra một sự thay đổi trong tương lai, tương tự như cái cách mà những người cộng sản đời đầu từng được rèn giũa, nơi đau thương trở thành động lực cho các hành động tiếp theo.
Vòng lặp lịch sử tiếp tục hiện diện./.