Tôi không còn ngạc nhiên khi đọc những tuyên ngôn ủng hộ Trump của nhiều người bất đồng chính kiến Việt Nam nữa. Tôi cũng không còn ham muốn tranh cãi gì, vì cảm giác bất lực của tôi hiện nay cũng y như cảm giác bất lực khi tranh cãi với những người bạn năm xưa về cộng sản. Khi quan điểm chính trị biến thành niềm tin/đức tin thì không còn chỗ nào để tranh luận nữa.
Tôi đã nói điều này nhiều lần, và nay nói lại: kẻ thù lớn nhất của Việt Nam không phải Đảng Cộng sản, cũng không phải Trung Quốc, mà là cái căn tính gia trưởng, độc đoán đã ăn sâu vào văn hoá nước ta. Nó ở trong mỗi chúng ta, trong người thân của chúng ta chứ không ở đâu xa lạ. Bàn tay của gã võ sư hôm nọ tát vợ, thực ra cũng là bàn tay của chúng ta. Ta thích những kẻ mạnh và độc đoán.
Chính cái văn hoá gia trưởng này đã đưa cộng sản lên nắm quyền và giúp cộng sản giữ được quyền lực hơn 70 năm qua chứ không phải cái gì khác. Nay nhân danh chống cộng sản mà ôm ấp cái căn tính gia trưởng đó thì chỉ là chữa bệnh ngoài da, lợi bất cập hại. Vứt bỏ những giá trị dân chủ để nhờ một kẻ độc đoán đánh Trung Quốc hộ thì chẳng khác nào đãi thóc giống ra ăn.
Nhưng cũng chính vì nó ở trong mỗi chúng ta, trong người thân của chúng ta, mà nó khó chống hơn cả. Khó chống vì ít ai tự nhận có một kẻ độc tài trong bản thân mình, vì ngại va chạm với người thân của mình, sợ mất lòng, sợ mất sự ủng hộ.
Phong trào dân chủ Việt Nam sở dĩ không được thế giới quan tâm nhiều, một phần đáng kể là ta không hoà mình được vào những giá trị chung của thế giới, không quan tâm đúng mức đến những gì thế giới quan tâm. Khi thế giới văn minh lên án những kẻ như Trump thì ta ủng hộ hoặc làm ngơ, miễn là có ai đó đánh Trung Quốc hộ chúng ta. Bản thân người trong nước cũng có ít lý do hơn để đánh giá cao phong trào này.
Với riêng trường hợp của Trump, những người Việt yêu Trump hiện giờ là những người đi nhờ (free-riders). Nhờ Trump chống Trung Quốc hộ mình, bất kể Trump có gây hại gì cho nước Mỹ và cho thế giới nói chung hay không, bất kể Trump đang mời gọi ác quỷ khắp nơi trỗi dậy thế nào, bất kể Trump đang trực tiếp và gián tiếp gây hại tới môi trường tự nhiên ra sao. Ta không phải nạn nhân trực tiếp của Trump. Ai đó ở đâu đó đang phải trả giá, thậm chí bằng mạng sống, cho chúng ta hưởng lợi (hoặc chúng ta tưởng là sẽ được hưởng lợi).
.Trịnh Hữu Long
*****
Trong lập luận của em đều mang sự mâu thuẫn nguỵ biện, đơn giản nhé: Long kết luận những người khác là độc đoán thì bản thân nó đang có xu hướng độc đoán về quan điểm; hơn nữa, em bị bẫy lập luận - khi thế giới văn minh lên án Trump...có mấy vấn đề lỗi ở đây: Thế giới văn minh là những ai? Ai lên tiếng ủng hộ Trump là văn minh và không ủng hộ là thiếu/kém/không có văn minh?
Việc người ta lên án chính trị gia là bình thường, nhất là ở Mỹ. Reagan bị biểu tình ầm ầm. Mà tại sao em không chiểu theo luật Mỹ để nói và bàn, khi Trump nếu phạm vào đạo đức Tổng thống hoặc là luật ở Mỹ, sẽ không có cơ chế để bỏ qua cho “những sự độc tài của Trump” - chính thể Mỹ đâu có chỗ cho sự lạm quyền - ông ta phải thuê tới 6 luật sư tư vấn trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống.
Việc cứ cho là cá nhân có chút độc tài, nhưng thể chế Mỹ lại không dung dưỡng cái này - Nghị viện hoặc Toà án và báo chí, các đối thủ chính trị, và ngay cả những người không ưa Trump như em, chẳng lẽ lại ngu dốt mà bỏ qua những sai phạm lớn khi tên độc tài kia làm Tổng thống hay sao? Hơn 300 triệu dân Mỹ và nền dân trị Mỹ đã trở nên vô dụng và dung dưỡng một kẻ độc tài rồi sao?
Với các hành động chính trị, kinh tế và ngoại giao, anh chưa thấy sự tổn hại nào cho nước Mỹ, ít nhất là các kết quả quan sát được. Còn nhiều thứ nữa anh chưa bàn tới trong lỗi lập luận của em.