Bài viết của Joshua Wong trên tạp chí Economist Anh Quốc.

Trọng Đức biên dịch - xuandienhannom.blogspot.com|

Joshua Wong: Chúng tôi khát khao một ngày Hồng Kông thoát khỏi độc tài

"Một làn sóng đàn áp chính trị đang diễn ra ở Hồng Kông, nơi nhân quyền và tự do của chúng tôi đang mấp mé trên bờ vực sụp đổ. Thế giới không thể tiếp tục im lặng.

Trong vòng 30 giờ đồng hồ, những kẻ côn đồ đã tấn công đội ngũ tổ chức biểu tình và cảnh sát tiến hành bắt giữ hàng loạt những nghị sĩ và các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ, bao gồm cả tôi. Quyền biểu tình của chúng tôi đã bị cùm lại, trong khi chính quyền cấm một buổi tập trung ôn hòa đã được lên kế hoạch vào ngày 31/8.

 Cùng lúc đó, chính phủ dường như muốn kiểm tra phản ứng của công luận về ý tưởng họ sẽ kích hoạt điều luật tình trạng khẩn cấp đã lạc hậu từ lâu. Việc này sẽ cho phép trưởng đặc khu quyền lực to lớn như kiểm duyệt báo chí, tiến hành bắt bớ quy mô lớn và ngay lập tức thiết quân luật một phần của thành phố này – tất cả chưa cần tới trợ giúp của Quân Giải phóng Nhân Dân Trung Quốc.

Trong khi đó, binh lính Trung Quốc và các phương tiện thiết giáp được di chuyển tới biên giới Hồng Kông, sẵn sàng tiến vào “trong vòng 10 phút”, theo đúng lời của quân đội Trung Quốc.

Tất cả những hành động này có mục đích là để đe dọa người Hồng Kông, khiến họ sợ hãi và quy phục. Nhưng có phải nhà cầm quyền thực sự nghĩ rằng chúng tôi sẽ ngậm miệng và giữ im lặng, hay chúng tôi sẽ đứng lên và chiến đấu?

Một làn sóng đàn áp chính trị đang diễn ra ở Hồng Kông, và nhân quyền cùng tự do của chúng tôi đang đứng trên bờ vực sụp đổ.

Chúng tôi hoàn toàn lên án chiến dịch độc ác của bạo lực này và những phát ngôn từ giáo điều từ thời Liên Xô dán nhãn chúng tôi là “những gián điệp ăn tiền của thế lực nước ngoài”. Ngày này qua ngày khác, chính quyền đang tiến gần hơn đến việc sử dụng quân bài cuối cùng của họ.

Nhưng người dân sẽ tiếp tục chiến đấu, bởi vì trận chiến này là vì tương lai của Hồng Kông. Chúng tôi không muốn thấy một Hồng Kông chỉ có tự do trên giấy, nơi mà địa vị tự trị chỉ là cái vỏ bọc của một nhà nước độc tài toàn trị.

Vì tương lai của chúng tôi mà những người trẻ sẵn sàng trả cái giá cuối cùng trong cuộc chiến của mình. Rất nhiều người biểu tình – những em thiếu niên, một số vẫn học trung học – bây giờ đang mang theo “di nguyện và chúc thư” trong cặp trước khi lao lên tuyến đầu của cuộc biểu tình. Nỗ lực vì hòa bình được viết bằng máu của họ. Một số đã tự tử, đã trở thành nạn nhân của sự độc ác của cảnh sát, thành mục tiêu của những cuộc tấn công của các băng nhóm côn đồ tàn bạo và bừa bãi.

Trưởng Đặc khu Hồng Kông Carrie Lam đã gạt ra bên lề những người trẻ bằng tuyên bố “họ không có đóng góp gì cho xã hội”. Về chúng tôi, chúng tôi xin hỏi lại bà rằng:

Ai là người không cho phép người trẻ có “đóng góp gì” cho xã hội?

Ai đã cấm người trẻ, những ứng viên được bầu chọn một cách dân chủ, tham gia vào chính trị?

Ai đã quyết định phớt lờ nguyện vọng của nhân dân và đưa ra dự luật dẫn độ bị ghét bỏ ngay từ đầu?

Câu trả lời là: một chính phủ được lựa chọn một cách phi dân chủ. Những người trẻ thay vì được coi là những cột trụ tương lai của xã hội, đã bị tước bỏ bất cứ tiếng nói nào khi một quyết định hệ trọng được đưa ra, bất chấp việc họ là những người sống lâu nhất với hậu quả từ những quyết định đó.

Cách duy nhất để ổn định trở lại Hồng Kông là Bắc Kinh phải trao cho chúng tôi quyền bầu cử tự do và công bằng tại thành phố này – đây là một trong 5 yêu cầu của phong trào chống luật dẫn độ. Họ phải đưa ra một chương trình cải tổ chính trị bao hàm việc cho chúng tôi quyền lựa chọn trưởng đặc khu và bầu chọn toàn bộ vị trí trong nghị viện thành phố, tức hội đồng lập pháp. Phổ thông đầu phiếu đã được hứa hẹn dưới nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” thiết lập trong sự kiện trao trả Hồng Kông năm 1997.

Sự tức giận của chúng tôi không chỉ là vì dự luật dẫn độ; sự phẫn nộ này là vì một chính quyền phi dân chủ ngày càng phớt lờ nguyện vọng của người dân.

Cộng đồng quốc tế có thể giúp đỡ người Hồng Kông.

Đầu tiên, chúng tôi thúc giục các bạn gây áp lực để Bắc Kinh rút về quân đội đang đặt dọc biên giới Hồng Kông. Hành động làm bộ này của các lực lượng quân sự Trung Quốc khiến căng thẳng leo thang không đáng có .

Trung Quốc sẽ gặt hái được một cơ lốc những lời lên án nếu họ cho xe tăng vào thành phố chúng tôi. Nó sẽ khiến người ta hoài nghi thiện chí tuân thủ các thỏa thuận song phương của Bắc Kinh. Nó cũng có thể dẫn đến việc Mỹ rút lại quy chế đặc biệt cho Hồng Kông theo luật Mỹ.

Có một số những người trung thành với Bắc Kinh ở trong thành phố này, những người mà vì lòng tôn sùng mù quáng đối với chế độ độc tài Trung Quốc đã ủng hộ việc đưa binh lính vào dập tắt phong trào của chúng tôi. Rõ ràng là họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro giết chết trung tâm tài chính Châu Á này.

Thứ hai, các nhà lãnh đạo quốc tế tại Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cần lên tiếng rõ ràng rằng chính phủ Trung Quốc phải tuân thủ đầy đủ các điều khoản và tinh thần của Tuyên bố chung Trung-Anh năm 1984, văn kiện mở đường cho sự kiện trao trả năm 1997: Hồng Kông rời Anh Quốc. Chúng tôi hoan nghênh các lãnh đạo G7 vì đã ủng hộ nền tự trị của chúng tôi trong một thời kỳ đầy thử thách như thế này và thúc giục họ tiếp tục lên tiếng.

Thứ ba, chúng tôi đề nghị tất cả mọi người ủng hộ những lời kêu gọi chính phủ Hồng Kông tiến hành một cuộc điều tra độc lập đối với việc cảnh sát sử dụng vũ lực thái quá. Chúng tôi cũng kêu gọi chấm dứt bán các thiết bị kiểm soát đám đông cho cảnh sát Hồng Kông, những người mà trong vài tháng gần đây đã cho thấy thiên hướng khát máu và bạo lực trong các hành động cảnh sát của mình.

Cuối cùng, chúng tôi thúc giục các chính trị gia ở Mỹ ủng hộ và thông qua Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông càng sớm càng tốt, để theo dõi chặt chẽ những kẻ vi phạm nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” và trừng phạt những kẻ tước đoạt khỏi người Hồng Kông những quyền lợi chính đáng của họ.

Lần này tôi không phải là gương mặt của cuộc biểu tình ở Hồng Kông. Phong trào chống luật dẫn độ lớn hơn và có tổ chức hơn nhiều Phong trào Ô dù 2014.

Việc bắt bớ sẽ không ngăn được quyết tâm của chúng tôi. Trước mặt chúng tôi là rất nhiều tháng dài nữa của nước mắt và đau khổ, trong khi bóng đen của cuộc thanh trừng đe dọa không chỉ những ai đổ ra đường phố, mà còn trên khắp các ngành kinh tế, giáo dục, y tế và giao thông của Hồng Kông.

Toàn bộ thành phố này đang đứng trên một mặt trận thống nhất chống lại chính phủ, nhưng mỗi ngày chính quyền của bà Lâm lại tiếp tục thêm dầu vào lửa bằng những lời đe dọa. Nỗ lực của bà trong cái gọi là “đối thoại” không thuyết phục được ai.

Ở trong bất kỳ một nền dân chủ nào, mức độ đối kháng kéo dài trong một thời gian lâu như thế này đã phải đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của một lãnh đạo giống như bà Lâm. Nhưng bởi vì chúng tôi không sống trong một chế độ dân chủ, bà ta có thể ngắm nhìn chiến trường từ trong tòa tháp kính của mình, và chế độ của bà ta – dưới sự chỉ đạo của Bắc Kinh – tiếp tục ngấu nghiến những đứa con của Hồng Kông.

Thành phố của chúng tôi đang oằn mình trong một vị thế không mấy dễ chịu: ở mặt trật giữa tự do và độc tài. Nhưng chúng tôi đã bị dồn đến chân tường và nếu bây giờ chúng tôi run sợ, sẽ không còn cơ hội thứ hai để lên tiếng. Đằng sau những hàng rào chắn, chúng tôi khát khao một Hồng Kông thoát khỏi ách độc tài và chính phủ bù nhìn.

Chúng tôi khát khao có một một quê hương nơi tự do dân sự được tôn trọng, nơi con cái của chúng tôi không phải là đối tượng bị giám sát toàn diện, bị tước đoạt nhân quyền, kiểm duyệt chính trị và bắt bớ bừa bãi. Chúng tôi đang đứng lên cùng tất cả những dân tộc tự do trên thế giới và hy vọng các bạn sẽ đứng cùng chúng tôi trong cuộc chiến tìm kiếm công lý và hòa bình này.”
 

Bài viết của Joshua Wong (Huỳnh Chi Phong), đăng trên tạp chí Economist của Anh Quốc.
Trọng Đức biên dịch