Việt Nam tuy là nước có thu nhập thấp nhưng có chỉ số hạnh phúc cao thứ 5 thế giới. (Nguyễn Xuân Phúc)
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh vừa gửi đến cho độc giả một tin vui (lớn) từ quê hương, bản quán của ông:
“Đà Nẵng vừa tổ chức Lễ Khánh Thành Nhà Giam Quận Hải Châu, vào ngày 4 tháng 10 vừa qua… Phát biểu buổi lễ, Đại tá Lê Quốc Dân – Phó Giám Đốc Công An Thành Phố cho biết, đây là công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và công tác đảm bảo ANTT. Trong thời gian tới, nhiều Nhà tạm giam, tạm giữ khác theo tiêu chuẩn của Bộ Công an sẽ được tiến hành xây dựng ở các địa bàn khác để đáp ứng yêu cầu công tác.”
Lực lượng công an Đà Nẵng (nói riêng) và giới công nhân viên Việt Nam (nói chung) rất ưa đình đám & lễ lạt:
– Lễ Đón Nhận Danh Hiệu Anh Hùng
– Lễ Đón Nhận Danh Hiệu Đoạt Chuẩn Quốc Gia
– Lễ Trao Tặng Vinh Dự Nhà Nước
– Lễ Trao Tặng Dụng Cụ Cho Học Sinh Nghèo
– Lễ Trao Tặng Huy Hiệu Đảng
– Lễ Đón Nhận Bằng Khen
– Lễ Tôn Vinh Doanh Nghiệp Xuất Sắc & Doanh Nhân Tiêu Biểu
– Lễ Tôn Vinh Thương Hiệu Phát Triển Bền Vững
– Lễ Tiếp Nhận Cán Bộ Chuyên Trách Về Công Tác
– Lễ Tiếp Nhận Thiết Bị Phòng Thí Nghiệm
– Lễ Vinh Danh Các Doanh Nghiệp Du Lịch Hàng Đầu
– Lễ Vinh Danh Báo Cáo Thường Niên Tốt
Cách đây chưa lâu, L.S Lê Công Định còn cho biết thêm một thứ nghi lễ nữa, chưa từng có trong lịch sử: Lễ Trao Giấy Chứng Nhận Chấp Hành Xong Án Phạt Quản Chế.
Thiệt là quá đã và … quá đáng!
Thảo nào xứ sở lúc nào cũng vui như Tết và nơi nào cũng lễ lạt, tiệc tùng, chè chén tùm lum… Chả phải vô cớ mà ông Nguyễn Xuân Phúc đã mạnh miệng tuyên bố một câu chắc nịch: “Việt Nam tuy là nước có thu nhập thấp nhưng có chỉ số hạnh phúc cao thứ 5 thế giới.”
Nói vậy là còn khiêm tốn. Thiệt ra “chỉ số hạnh phúc’ của dân Việt nếu không nhất thì (giá chót) cũng phải nhì, chớ không thể thấp hơn vì họ rất dễ vui và thường xuyên hạnh phúc – nếu cứ theo như ngôn từ của giới truyền thông ở xứ sở này. Hồi anh em ông Đoàn Văn Vươn Đoàn Văn Quí mãn án tù, vào năm 2015, tất cả báo chí quốc doanh đều hớn hở loan tin:
– Pháp Luật: “Gia đình vỡ òa trong niềm vui khi nghe tin chính thức anh em ông Đoàn Văn Vươn được đặc xá trong đợt 2-9.”
– Tuổi Trẻ : “Niềm vui vỡ òa của người thân khi hai anh em ông Vươn bước ra khỏi cổng trại giam.”
– Người Đưa Tin: “Gia Đình Đoàn Văn Vương Vỡ Oà Hạnh Phúc.”
– Vietnamnet: “Chị Nguyễn Thị Thương, Nguyễn Thị Hiền, vợ của anh Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý mấy ngày gần đây đang lâng lâng trong niềm hạnh phúc.”
Coi: khi khổng khi không thì đất đai bị cưỡng chế, nhà cửa bị san bằng, thân mình bị giam cầm rồi (cái) chồng “vỡ oà niềm vui” và vợ thì “lâng lâng hạnh phúc” chỉ vì … mãn hạn tù. Niềm vui và hạnh phúc ở đâu (ra) mà dễ ẹc và lãng xẹt vậy – mấy cha?
Gia đình hai ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý, tuy thế, vẫn chưa vui sướng và hạnh phúc bằng gia đình của ông Trần Bê. Báo Khánh Hoà, số ra ngày 5 tháng 9 năm 2019, vừa hân hoan cho biết:
Tại UBND phường Ninh Giang (thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà), ông Trần Đình Hồng – Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh, đại diện cho cơ quan này, đã công khai xin lỗi, phục hồi danh dự cho ông Trần Bê (sinh năm 1957, trú Ninh Giang, Ninh Hoà, Khánh Hoà), người bị tạm giam oan về tội giết người cách đây 38 năm. Chứng kiến buổi xin lỗi có lãnh đạo cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh, đại diện UBND phường và người dân phường Ninh Giang.
Ông Hồng nêu, thời điểm đó, việc khởi tố, phê chuẩn bắt tạm giam đối với ông Bê là oan sai. VKSND tỉnh xin lỗi ông Bê và gia đình vì những oan sai mà VKSND tỉnh Phú Khánh gây ra. Ông Bê chấp nhận lời xin lỗi và yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần, vật chất mà ông phải gánh chịu suốt 38 năm qua. Tuy nhiên, ông Hồng cho biết, theo Luật Bồi thường nhà nước năm 2009, đã hết thời hiệu xem xét xin lỗi, cải chính công khai đối với 2 ông nên VKSND tỉnh Khánh Hòa không thực hiện được.
Vợ chồng ông Trần Bê hạnh phúc vì được giải oan sau 38 năm. Ảnh & chú thích: N.V, báo Khánh Hoà.
Cứ theo hình chụp thì bà Trần Bê, ngó bộ, không được vui vẻ hay hạnh phúc gì cho lắm. Vui gì nổi, hả Trời? Ông Bê vào tù khi vợ chồng đang ở lứa tuổi đôi mươi, và được minh oan khi đã ngoại lục tuần, chỉ với một lời xin lỗi xuông và hai bó hoa thôi, chứ không một cắc đền bù vì vụ án “đã quá thời hiệu theo luật bồi thường!”
Luật cái mả cha, định cái mả mẹ chúng mày gì mà đốn mạt đến thế? Cả một tập đoàn truyền thông cũng không đứa nào thử đặt ra một câu hỏi nhỏ: “Hai nạn nhân khốn khổ, khốn nạn của cái ngành tư pháp này sẽ sinh sống cách nào cho hết quãng đời (tàn) còn lại?”. Bán vé số hay đi ăn mày? Dù cách nào thì họ vẫn cứ được đám ký giả (hay kỹ giả – whorespondent) mô tả là những công dân hạnh phúc, loại hạnh phúc ma dzê in Việt Nam.
Tưởng Năng Tiến
10/2019