Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh 10 năm tù, vì cùng học sinh hát bài "Trả Lại Cho Dân" https://www.facebook.com/phamminh.hoang.351/videos/10212293394169200/?t=9
Phạm Minh Hoàng|
Vào ngày 15/11/2019, tòa án cộng sản tỉnh Nghệ An đã tuyên án 10 năm tù giam và và 5 năm quản chế thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Lần chót gặp Tĩnh tại Sàigòn, anh em chúng tôi mắc võng dưới giàn mướp và trao đổi với nhau về nghề nghiệp cũng như về thời sự. Tĩnh kể vừa đi một vòng để thăm anh em bạn bè và có vẻ em coi nhẹ những hiểm nguy đang rình rập những người đấu tranh, thậm chí trong khi các thầy cô đang lo sốt vó về việc lương lậu cũng như tái gia hạn hợp đồng, Tĩnh có vẻ rất bình thản và hình như em sẵn sàng chấp nhận những gì xảy đến với mình, bắt đầu là chuyện bị nhà nước cho nghỉ việc.
Hôm ấy, vì nguyên tắc an ninh cố hữu, tôi không hỏi Tĩnh về những sinh hoạt đấu tranh trong khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh. Cho đến ngày bị trục xuất tôi mới ân hận đã không trao đổi nhiều hơn với em và với bản án như vầy thì còn lâu lắm chúng tôi mới có dịp nối lại câu chuyện ngày xưa còn dang dở.
Không còn dịp để nói chuyện với nhau thì ngày hôm nay tôi đem chuyện của em để kể cho người khác.
Ngày 14/11/2019, trước phiên xử một ngày, tôi có dịp đến trường trung học Thomas Daquin của thành phố Flers nằm cách Paris hơn 300 km về hướng đông để nói về thực trạng nhân quyền tại VN. Người Pháp nói riêng và các nước Tây Âu nói chung, họ thường cho học sinh biết về khái niệm nhân quyền, thậm chí khi còn ở cấp tiểu học. Buổi sinh hoạt hôm nay được bắt đầu bằng việc chiếu phim “Mẹ vắng nhà” kể lại cuộc sống của gia đình chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) khi chị còn ở trong tù, tiếp theo là phần trao đổi về thực trạng nhân quyền tại VN.
Trước một cử tọa là các em học sinh lớp 10, tôi đã kể lại cuộc đời và những gian truân của những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền VN phải chịu đựng. Buổi trao đổi kéo dài chừng một tiếng trong một không khí cực kỳ căng thẳng. Đơn thuần là vì các em đã được nghe, được xem những gì mà có lẽ muôn đời các em sẽ không hề nghe nói đến, cho dù tôi đã mào đầu bằng câu nói như sau :”Tôi có nói với các em suốt một tuần, các em cũng chẳng tưởng tượng ra những gì đã và đang xảy ra trên đất nước VN”. Các thành viên của Ban Tổ chức và các giáo viên đều đánh giá rằng “người ta có thể nghe tiếng con ruồi bay trong phòng” trong khi ở các buổi sinh hoạt này các em ồn ào như vỡ chợ.
Sau những dịp này, các thầy cô thường hay hỏi tôi “bí quyết” để thôi miên đám trẻ, nhưng các thành viên của Ban Tổ chức − vốn đã quá quen với những lần sinh hoạt này đã trả lời :”chẳng có gì bí quyết cả, Thầy Hoàng chỉ nói từ tim óc ông ấy ra thôi”. Trong 10 năm dạy học, tôi đánh giá đây là những lời khen ý nghĩa hơn cả.
Những lời khen tặng của thầy cô và các em trường trung học Thomas Daquin tôi xin dành tặng em, Nguyễn Năng Tĩnh. Tôi cũng xin dành tặng cho tất cả các thầy cô đã cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cho việc đấu tranh cho nhân quyền. Theo những con số chưa đầy đủ thì trên 300 tù nhân lương tâm và những người đấu tranh, thì giáo chức có khoảng một phần mười và chiếm đa số, thậm chí có người còn bỏ lại mạng sống mình. Tôi muốn nhắc đến thầy Đinh Đăng Định. Đây là niềm tự hào cho các thầy cô − đặc biệt sắp tới cái gọi là “Ngày Nhà giáo Việt Nam”.
Để kết thúc, tôi xin chép lại lời nói sau cùng của thầy Nguyễn Năng Tĩnh trước khi tòa tuyên án :
− Tôi khao khát một đất nước tự do, dân chủ.
− Tôi lo lắng cho vận mệnh đất nước và dân tộc; lo lắng cho môi trường sống của nhân dân bị đầu độc.
− Tôi không thể vô cảm và cam tâm trước nguy cơ mất chủ quyền quốc gia, trước mối đe doạ xâm lăng của Trung Quốc.
− Dù mức án có cao đến đâu, 10 năm, 20 năm, kể cả tử hình, tôi cũng không thay đổi chính kiến