Cảnh sát bắt sinh viên biểu tình tại trường Đại Học Bách Khoa Hồng Kông vào tối Thứ Ba, 19 Tháng Mười Một, 2019. (Hình: Billy H.C. Kwok/Getty Images)
Ngô Nhân Dụng - Người Việt.com|
Cảnh sát chống bạo loạn đã vây Đại Học Bách Khoa Hồng Kông (Polytechnic University) từ ngày Chủ Nhật, 17 Tháng Mười Một, bắn lựu đạn hơi ngạt, đạn đầu cao su và vòi rồng phun nước tấn công những toán sinh viên, học sinh tính phá vòng vây thoát ra ngoài. Ai ra trình diện sẽ bị bắt.
Trong đêm tối, mấy sinh viên đã dùng dây thừng tuột từ trên cầu xuống mặt đường, được người chờ sẵn chở đi bằng xe gắn máy chạy trốn. Một người bị cảnh sát bắt được. Mấy bạn khác tính chui đường ống cống ra ngoài, nhưng lính cứu hỏa đã khuyên không nên làm, vì có thể chết ngạt. Có những em học sinh trung học mới 12, 13 tuổi.
Cảnh sát cho phép một số người vào trong trường: Thầy giáo và hiệu trưởng mấy trường trung học, người tình nguyện cứu thương, và các nhân viên sở xã hội. Ngày Thứ Hai, hai nghị viên thành phố đã vào trong thuyết phục các học sinh và sinh viên. Các sinh viên đã họp riêng bàn với nhau đề nghị của hai người.
Nghị Viên Eric Cheung bảo đảm các sinh viên nếu bị bắt sẽ được an toàn. Nghị Viên Jasper Tsang, thuộc phe thân Bắc Kinh, giải thích rằng các sinh viên rút lui không có nghĩa là đầu hàng. Nếu họ bị bắt ông hứa sẽ yêu cầu cảnh sát phải trưng ra bằng cớ đàng hoàng khi buộc tội, theo đúng luật.
Hôm sau, sáu trăm học sinh và sinh viên theo họ ra ra trình diện cảnh sát, ba trăm em được cha mẹ đưa về nhà vì nhỏ tuổi quá.
Bản chất cuộc tranh đấu của dân Hồng Kông đã thay đổi trong mấy tháng qua. Bắt đầu từ yêu cầu xóa bỏ dự luật dẫn độ mới, và chính quyền đã nhượng bộ, bây giờ đã tiến đến những hành vi bạo động, có hại cho chính người dân ở đó.
Từ năm 1997 khi họ phải sống dưới chế độ Cộng Sản, một niềm hãnh diện của dân Hồng Kông, là họ tôn trọng luật pháp và luật pháp tôn trọng họ. Hai bên đồng ý một bản “hợp đồng xã hội hiểu ngầm” với nhau, không ai muốn vi phạm.
Guồng máy nhà nước thi hành luật pháp. Dù người cầm đầu do Bắc Kinh chỉ định nhưng cả guồng máy vẫn mang tính chuyên nghiệp, từ cảnh sát đến quan tòa, họ làm đúng pháp luật, một di sản tinh thần mà người Anh để lại. Chế độ thuộc địa không có dân chủ nhưng bảo đảm tự do, vì có tự do kinh tế mới phát triển.
Trong mấy ngày qua, hợp đồng xã hội hiểu ngầm này dó nguy cơ bị phá vỡ, ít nhất giữa cảnh sát và những bạn trẻ biểu tình. Bạo động bắt đầu. Có người chết, có người bị đốt cháy, không thể kết tội một bên nào. Nhưng khi các bạn trẻ dùng bạo lực, họ đã bắt buộc cảnh sát phải mạnh tay.
Cảnh sát cho biết đã khám phá ra 3,900 bom xăng tự chế (molotov cocktails) tại một đại học khác mà sinh viên đã chiếm đóng tuần trước. Họ tin rằng trong trường Polytechnic trữ nhiều bom hơn.
Các cuộc biểu tình cũng gây lo sợ cho những sinh viên Trung Quốc trong lục địa đi học tại Hồng Kông. Họ phải tị nạn sang thành phố Thẩm Quyến. Bởi vì các sinh viên lục địa có thể gặp nguy hiểm nếu bị nhìn là công an chìm, như một nhà báo Trung Cộng đã bị. Nhưng sinh viên Đài Loan cũng có thể bị nhìn lầm.
Chính phủ Đài Bắc cũng xếp đặt các chuyến máy bay để chuyên chở sinh viên đang du học tại Hương Cảng về nước. Cả hai nhóm sinh viên này đều chỉ sử dụng ngôn ngữ chính thức, Trung Cộng gọi là tiếng Phổ Thông, Trung Hoa Quốc Gia gọi là Quốc Ngữ. Họ không nói tiếng Quảng Đông như dân Hồng Kông, ra đường ai cũng thấy.
Một niềm hãnh diện khác của dân Hồng Kông là kinh tế phát triển.
Những cảnh bạo loạn gần đây đã khiến kinh tế đi xuống trong hai quý; tình trạng liên tiếp xuống này là định nghĩa của suy thoái kinh tế. Một triệu chứng là giá trị các khu thương mại và cửa hàng đang xuống thấp. Nhân viên Bộ Tài Chánh của Hồng Kông tiên đoán suy thoái còn tiếp tục đến sang năm.
Hồi Tháng Sáu vừa qua, có lúc hai triệu người đi biểu tình một cách hòa bình, đưa ra những đề nghị cụ thể. Họ đấu tranh phản kháng một dự luật dẫn độ có thể tước đoạt các quyền tự do của họ vì có thể đưa họ vào lục địa để xử trong hệ thống pháp luật Cộng Sản. Phong trào trào này đã biến thể, đưa ra các yêu cầu đòi cuộc sống tự do dân chủ hơn.
Những sinh viên dẫn đầu những cuộc bạo động gần đây cũng nhắm vào một mục đích đòi dân chủ tự do nhưng họ đã sử dụng bạo động, một điều tai hại cho chính mục tiêu mà họ nhắm vào.
Bắc Kinh không chắc đã muốn giải quyết cơn khủng hoảng ở Hồng Kông, khi cảnh sát và sinh viên đối đầu. Trung Cộng có thể muốn đổ thêm dầu vào lửa.
Bởi vì nếu việc biểu tình đòi dân chủ biến thành bạo loạn thì Trung Cộng càng có lý do để từ chối không cởi trói cho dân Hồng Kông một ly, một tấc nào cả. Phong trào sẽ bị mất đà, không biết bao giờ mới gây lại được. Vì một biến cố như các cuộc biểu tình hồi Tháng Sáu rất hiếm hoi, còn lâu mới xảy ra lần nữa.
Hơn nữa, nếu cuộc tranh đấu của dân Hồng Kông biến thành bạo loạn và đổ máu, thì Trung Cộng sẽ khai thác bài học đó trên tivi, báo chí, nhét vào tai, vào mắt vào đầu dân Trung Quốc nỗi sợ hãi, kinh hoàng, nếu sau này có người vận động đòi dân chủ!
Cho nên cần giải quyết cảnh đối đầu ở Đại Học Polytechnic một cách hòa bình, công khai, trước mắt cả thế giới, và bảo đảm luật pháp vẫn được tôn trọng.
Khi nào người dân Hồng Kông tôn trọng luật pháp và luật pháp tôn trọng họ, thì bản hợp đồng xã hội hiểu ngầm giữa dân và guồng máy nhà nước vẫn được bảo vệ. Đó sẽ là ánh đuốc nuôi hy vọng cho hơn một tỷ người trong lục địa có ngày sẽ được sống tự do, trong pháp luật do chính lập ra.
Một điều đáng chú ý là trong tuần qua các đài truyền hình Trung Cộng loan tin thường xuyên về Hồng Kông, lên án những người phản kháng, dẫn lời các quan lớn trong đảng; nhưng một số tin tức lại không hề xuất hiện. Không chiếu cảnh sinh viên đốt các ngôi hàng do người trong lục địa làm chủ hoặc liên can tới chế độ Trung Cộng. Không cho thấy cảnh sinh viên Trung Cộng đi tị nạn ở Thẩm Quyến.
Người ta đoán rằng Bắc Kinh kiểm duyệt những cảnh đó vì sợ dân trong nước sẽ trả đũa, đi tấn công các người dân Hồng Kông và cửa hàng của họ ở trong lục địa.
Nhà nước Cộng Sản có lòng tử tế bảo vệ cho dân Hương Cảng an toàn chăng?
Không chắc.
Lý do họ không muốn để dân Hồng Kông bị hại, chính vì kinh tế Trung Cộng vẫn rất cần Hồng Kông. Hồng Kông phát triển trong hàng trăm năm là nhờ chế độ kinh tế tự do. Họ làm chủ những “sức mạnh mềm” Trung Cộng rất muốn sử dụng, là các mạng lưới tài chánh, những hiểu biết về thương mại và đường dây tiếp liệu quốc tế của dân Hương Cảng, không thể nào thay thế ngay được.
(Ngô Nhân Dụng)