Trung Điền - Web VietTan.org|
Vụ lình xình xảy ra giữa thành phố Hà Nội với Tổ chức JEBO Nhật Bản liên quan đến việc giải quyết ô nhiễm ở sông Tô Lịch đang làm cho người ta nhớ đến vụ ông Nguyễn Hữu Chung từng đến xã Đồng Tâm, Mỹ Đức giải quyết vụ 38 con tin bị người dân ở đây bắt giữ, liên quan đến trường hợp 46 ha đất bị cưỡng chế phi lý hồi năm 2017. Cả hai vụ đều nêu bật sự bất tín hay nói đúng hơn là sự lật lọng của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội.
Những ý kiến trái chiều giữa thành phố Hà Nội với JEBO bắt đầu nổ ra công khai vào ngày 29 Tháng Mười Một khi ông Lê Văn Dục, Giám Đốc Sở Xây Dựng Hà Nội đã phát biểu trong phiên họp của thành phố rằng “kết quả thí điểm của công nghệ nano-bioreactor Nhật Bản để làm sạch sông Tô Lịch đã thất bại.” Liền sau đó, Tổ chức JEBO Nhật Bản đã ra thông báo đặt vấn đề rằng ông Lê Văn Dục đã dựa vào đâu mà cho rằng thí nghiệm trên sông Tô Lịch thất bại, trong khi kết luận đánh giá của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường đạt kết quả tốt.
Thông báo của JEBO đã viết như sau: “Kết quả phân tích của các cơ quan chuyên môn Việt Nam cho thấy chất lượng nước ở khu thả cá Koi trên sông Tô Lịch và Hồ Tây đã có 36/36 chỉ tiêu đạt QCVN 08-MT:2015/BTNMT; Mùi hôi thối sông Tô Lịch giảm 200 lần, Hồ Tây giảm 30 lần… bùn sông Tô Lịch (trong khu xử lý) giảm nhiều nhất 76,3cm – từ 91,3cm xuống còn 15cm, bùn Hồ Tây giảm nhiều nhất xuống 0cm. Ngoài ra, cá Koi và cá chép Việt Nam đã thả tại khu vực nước sau khi được xử lý tại khu thí điểm đều sống và sinh trưởng tốt sau gần 2 tháng cho đến ngày chuyển sang Hồ Tây…”
Thay vì trả lời những điều JEBO nêu ra, trong buổi tiếp xúc với cử tri quận Hoàn Kiếm vào ngày 6 Tháng Mười Hai, ông Nguyễn Đức Chung nói rằng JEBO đã vào thí nghiệm sông Tô Lịch mà không hề xin phép thành phố. Không những thế, ông Chung còn nói với cử tri Hà Nội rằng: “Theo tôi biết thì công nghệ này ở Nhật Bản chưa có một dự án nào để xử lý… Tôi dù không phải chuyên ngành về lĩnh vực này, nhưng dám khẳng định không có một công nghệ nào không thu gom đưa vào nhà máy xử lý mà xử lý được 180.000 mét khối nước thải xả vào sông Tô Lịch.”
Sáng ngày 7 Tháng Mười Hai, Tổ chức JEBO đã phản pháo lại phát biểu của ông Chung và cho rằng chủ tịch UBND TP. Hà Nội thông tin sai sự thật về việc JEBO tiến hành thử nghiệm công nghệ nano-bioreactor làm sạch sông Tô Lịch mà chưa xin phép. JEBO đã trưng ra văn thư được ký bởi Phó Chủ Tịch TP. Hà Nội là ông Nguyễn Thế Hùng cho phép Đoàn chuyên gia Nhật Bản và Tổ chức JEBO tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng nguồn tài trợ từ phía Nhật Bản.
Nhưng đến ngày 10 Tháng Mười Hai, Tổ chức JEBO ra thông báo đính chính là tổ chức này không chính thức xin phép thành phố Hà Nội đúng như ông Chung nói; nhưng Đoàn chuyên gia Nhật Bản mà những thành viên của JEBO đã phối hợp cùng với Công ty Môi Trường Việt Nhật (JVE) xin phép và được thành phố Hà Nội chấp thuận.
Nói cách khác dù không xin phép dưới danh nghĩa tổ chức JEBO, nhưng các chuyên gia của JEBO đã sang Hà Nội làm thí nghiệm sông Tô Lịch dưới dù của Công ty JVE. Đây có thể coi như là một sự đóng góp vào việc giải quyết ô nhiễm sông Tô Lịch bằng công nghệ nano-bioreactor Nhật Bản, nên việc JEBO có xin phép hay không, không quan trọng bằng sự đóng góp của các chuyên gia Nhật Bản cho việc cứu dòng sông Tô Lịch bị ô nhiễm trầm trọng cả 10 năm qua.
Vì thế, việc ông Nguyễn Đức Chung lấy lý cớ Tổ chức JEBO không xin phép để từ đó kết luận JEBO đã thất bại và tùy tiện là một sự lât lọng. Điều này cũng giống như Nguyễn Đức Chung đã từng lật lọng đối với bà con tại Đồng Tâm, Mỹ Đức khi ông Chung đến năn nỉ bà con thả 38 con tin với lời hứa là sẽ không truy tố về tội hình sự; nhưng sau khi ra về thì ông Chung lại để Sở Công An TP. Hà Nội ra quyết định truy tố người dân về tội đã bắt giữ 38 cán bộ, binh lính đến cưỡng chế đất tại xã Đồng Tâm, dù người dân đã giam giữ họ một cách tử tế.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Đoàn chuyên gia của JEBO Nhật Bản đến giúp làm sạch sông Tô Lịch dựa trên sự đóng góp từ phía Nhật Bản mà ông Nguyễn Đức Chung và lãnh đạo thành phố Hà Nội lại xua đuổi họ một cách lố bịch, với một số phát ngôn hoàn toàn phi lý như “không để cho JEBO làm trò cười cho thiên hạ”?
Phải chăng tất cả chỉ là vì quyền và tiền chứ không phải vì bảo vệ quyền lợi cho đất nước hay người dân sống trong vùng?
Thứ nhất, Nguyễn Đức Chung và lãnh đạo Thành Phố nghĩ rằng đoàn chuyên gia của Tổ chức JEBO vào giúp giải quyết ô nhiễm ở sông Tô Lịch thì thế nào cũng vận động được nguồn tài chánh từ Nhật Bản, và như vậy Thành Phố phải có một số tiền nào đó từ dự án này. Thế nhưng Đoàn chuyên gia JEBO tiến hành thí điểm một cách độc lập, không qua sự giám sát của Thành Phố. Họ cũng công khai các số liệu thí nghiệm trực tiếp cho báo chí mà không thông qua Thành Phố. Điều này không chỉ va chạm tự ái của lãnh đạo Thành Phố vốn là những ông trời con ở Thủ Đô, mà lại không kiếm được một xu nào từ Nhật Bản. Ăn không được, bè nhóm Nguyễn Đức Chung phải phá hoại.
Dẫn chứng cho sự phá hoại này là vào Tháng Bảy, 2019 trong khi JEBO thí nghiệm thấy mùi hôi thối đã giảm, nước trở nên trong trẻo chỉ chờ nghiệm thu, thì Công ty Thoát Nước Hà Nội đột nhiên xả hơn nửa triệu mét khối nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch. Lượng nuớc quá lớn này đã giết sạch những sinh vật mà JEBO gầy dựng để tái tạo môi trường sạch cho nước sông Tô Lịch, hầu chứng minh cho thành phố Hà Nội và người dân thấy rằng không cần dùng những hóa chất để tẩy rửa sông Tô Lịch khiến cho môi trường càng thêm ô nhiễm và gây tác hại lâu dài.
Thứ hai, sau khi loại bỏ công nghệ của JEBO, Nguyễn Đức Chung và lãnh đạo thành phố Hà Nội lại ủy thác cho hai công ty Watch Water và Công ty Nordic Water dùng hóa chất RedOxy-3C của công ty Arktic để giải quyết ô nhiễm nước ở sông Tô Lịch. Ngoài ra, thành phố Hà Nội còn dự định bỏ ra hơn 100 tỷ đồng để bơm nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch sau khi dùng hóa chất tẩy rửa. Với dự án này, thành phố Hà Nội sẽ phải chi ra hàng trăm tỷ đồng để trả cho hai công ty nói trên và nhất là chi các công đoạn bơm nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch.
Khi thấy rõ kế hoạch dùng hai công ty Watch Water và công ty Nordic Water làm sạch sông Tô Lịch, người ta mới thấy rõ tại sao Sở Xây Dựng Hà Nội đã dựng lên một bản báo cáo sai trái về các kết quả thí nghiệm của Tổ chức JEBO để cho đó là thất bại, và ông Chung còn khẳng định “không thể để cho họ làm trò cười thiên hạ.” Sự tráo trở và lật lọng của thành phố Hà Nội đã khiến cho Tiến Sĩ Tadashi Yamamura, Chủ Tịch JEBO, đã phải nói rằng: “Chúng tôi không hiểu động cơ, mục đích là gì, căn cứ vào Kết luận đánh giá của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường hay UBND thành phố mà ông Giám Đốc Sở Xây Dựng Hà Nội lại có thể vượt thẩm quyền và phát ngôn đánh giá rằng kết quả Dự án chúng tôi là thất bại?”
Qua sự kiện nói trên cho thấy là kế hoạch đốt lò chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng không mấy tác dụng. Lò của ông Trọng chỉ đốt những thanh củi mục, củi đã mất quyền lực, và cũng chỉ có thể đốt trong lúc ông Trọng còn nắm quyền. Đầu năm 2021 sau Đại hội 13, ông Trọng sẽ ra đi và lò sẽ tắt. Trong khi đó, những kẻ như Nguyễn Đức Chung đang và sẽ còn nắm quyền lực trong tay ít nhất là 5 năm nữa, sợ gì mà không thu tóm lợi ích cho phe nhóm. Vì thế, vụ lình xình giữa phe Nguyễn Đức Chung với JEBO cho thấy là những dự án nào dù có lợi cho người dân, mà không cho lãnh đạo hưởng lợi ích thì sẽ bị dẹp ngay. Đó là bản chất của những chế độ độc tài: Tham nhũng, độc ác, chuyên quyền, nói có thành không và tham lam vô độ!
Trung Điền