Cho một người vừa chết, cho một người mỏi mòn

Ảnh thầy giáo Đào Quang Thực (trái) - TNLT Hồ Đức Hòa (phải)

|

Đám tang của thầy Đào Quang Thực tại quê nhà của ông, tỉnh Hòa Bình, giống như một lễ dựng mộ gió của người chết mất xác trên biển miền Trung. Gia đình và bạn bè của ông đứng quanh một bàn hương án, có tấm băng-rôn ghi tên và ngày chết của ông, chứ không có thi thể. Ở đâu đó, heo hút và khắc nghiệt của thời tiết và của cả trại giam số 6 Nghệ An, thầy Đào Quang Thực bị vùi ở đó theo luật của nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với lý do đơn giản là việc giao thi thể về nhà sẽ gây mất an ninh.

Theo thông báo, 3 năm sau khi thầy Thực qua đời (tuổi 59), gia đình mới có thể lên trại giam số 6, Nghệ An để làm đơn xin cải táng.

Thầy Đào Quang Thực bị kết án 13 năm tù, một mức án nặng đến ngạc nhiên dành cho một thầy giáo đau yếu và hay cười nói. Công an tỉnh Hoà Bình đặt tên cho thầy Thực là “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, một tên gọi tự nhiên và đầy tính viễn tượng, như kiểu cha mẹ chọn cho con mình một cái tên thằng tèo, con tí, ngẫu hứng và may rủi.

Nhưng thầy Thực là một đứa con không may mắn trên đất Việt. Từ khi tạm giam, ông đã bị đánh, bị bỏ đói và khi đưa đi cấp cứu, ông cũng bị ngăn không được gặp gia đình. Và rồi, cuối cùng thì 3 năm sau, người hoạt động lật đổ chính quyền bằng nụ cười ấy, qua đời trong một trại giam nổi tiếng tàn ác từ trong đến ngoài trại. Tưởng chừng như ông được giải thoát trước 10 năm giam cầm của mình, nhưng không, thầy Thực vẫn phải chịu biệt giam cùng bùn đất nơi bãi chôn của trại giam số 6 Nghệ An thêm 3 năm nữa: Điều nhân đạo nhất mà một chế độ có thể làm được.

Đã đến lúc chúng ta cần nhớ đến những người đã đi qua giam cầm, đi qua những án tù quái lạ và chết nối, linh thiêng vào đời tự do mà họ mơ ước. Tôi nhớ những người như anh Huỳnh Anh Trí, thầy Đinh Đăng Định, ông Trương Văn Sương, tu sĩ Cao Đài Trần Hữu Cảnh, tu sĩ Đoàn Đình Nam, những thầy tu Phật Giáo, những linh mục Công giáo… danh sách thật dài, không kể xiết kể từ 1975 đến nay. Tôi không nghe thấy sự thù hận, chỉ có nỗi buồn và sự cao thượng tỏa lan. Tôi nhớ những giờ phút thầy Đinh Đăng Định yếu lã, lời dặn của ông với những người chung quanh là đừng để hận thù chiếm lấy trái tim, mà hãy tha thứ. Họ nối nhau ra đi, và trở thành những bằng chứng sáng lòa về một đất nước còn đầy những oan nghiệt.

Còn nữa hay không, những người con của nước Việt như vậy sẽ ra đi, chỉ vì ước mơ nhìn thấy một quê hương đổi thay tốt đẹp hơn, ước mơ nhìn thấy một chính quyền thật sự vì tổ quốc và dân tộc? Danh sách đã dài lắm chưa trong tim bạn?

Tháng 12 này, gia đình của anh Hồ Đức Hòa đi thăm nuôi về, và lặng đi khi thấy anh Hòa đã mang thêm chứng tê bại, có thể dẫn đến liệt người. Đây là điều dễ thấy nhất, trong số những chứng bệnh về đại tràng, trĩ, huyết áp cao, gan chai… mà anh đã chịu đựng suốt 8 năm qua.

Hồ Đức Hòa là người chịu án nặng nhất trong số những người bị kết án trong vụ 14 thanh niên Công giáo và Tin Lành vào năm 2013. Trong số đó, có 6 người tuyên bố không nhận tội do tòa án phán quyết, bao gồm Hồ Đức Hòa, Lê Văn Sơn, Đặng Xuân Diệu, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Hồ Văn Oanh, Trần Minh Nhật. Riêng Hồ Đức Hòa bị án nặng nhất là 13 năm tù và 5 năm quản chế, bị coi là người đứng đầu trong nhóm. Con số 13, như định mệnh chung cho cả thầy Thực và anh Hòa.

Sức khỏe của tù nhân Hồ Đức Hòa ngày càng suy sụp. Và lúc này thì càng ngày càng thấy rõ hơn, khi có nghi vấn là anh mắc bệnh ung thư gan thời kỳ đầu. Gia đình của anh Hồ Đức Hòa cho biết, vốn là một người can trường và thường giấu nhẹm tình cảnh khó khăn của mình để mẹ già không lo lắng, nhưng đến nay, anh bật nói ra với người nhà trong lần thăm nuôi mới vừa rồi, cho thấy anh không còn đủ sức chịu đựng như trước.

Từ năm 2016, anh Hồ Đức Hòa không còn được nhận đồ thăm nuôi của gia đình, kể cả những loại thực phẩm trợ giúp cho các chứng bệnh của anh, thậm chí cả thuốc men. Trại giam Ba Sao, lừng danh với sự khắc nghiệt không kém trại 6 Nghệ An, chỉ cho gia đình gửi tiền vào lưu ký trong trại giam, để mua thức ăn hay nhu yếu phẩm của trại bằng giá đắt đỏ nhưng không kiểm soát được phẩm chất. Lý do trừng phạt là anh Hồ Đức Hòa có tư tưởng cải tạo không tốt. Gia đình cũng nhận được thư của trại giam, yêu cầu phải thúc đẩy anh Hòa nhận sự giáo dục tư tưởng của trại.

Tù nhân ở Việt Nam trải qua 2 lần tù như vậy. Sau khi bị kết án và bị giam giữ, họ còn phải bị tra tấn tinh thần suốt thời gian thụ án, bằng cách phải xác nhận ăn năn và ra mặt cầu xin sự khoan hồng của đảng và nhà nước. Tù nhân Hồ Đức Hòa đã đi qua 8 năm với 2 lần tù tinh thần và thể xác như vậy.

Không như thầy Đào Quang Thực phải qua đời trong im lặng. Hay như thầy Đinh Đăng Định, ra đi trong sự chứng kiến đầy bất lực của mọi người chung quanh, anh Hồ Đức Hòa là một thực thể sống và đang mỏi mòn. Vì Hồ Đức Hòa là một hình ảnh rõ nét của ý chí tự do, đầy nhân cách của một người tự do. Anh cần hơn hết sự quan tâm của mọi người, của công luận vào lúc này. Những người tù đã ra đi và được nhớ đến, là lý do để anh Hồ Đức Hòa cần được nhớ nhiều hơn hôm nay.

Đừng để những danh sách đau thương ấy dài hơn, đáng nhớ hơn. Sự sống của mỗi con người bất cứ nơi nào đó trên đất Việt, không phải chỉ để nhớ đến, mà để hành động.