Aung San Suu Kyi: Biểu tượng sụp đổ

"Nhà tù thực sự duy nhất là sự sợ hãi, và tự do thực sự duy nhất là tự do khỏi sự sợ hãi". Aung San Suu Kyi, lãnh đạo phong trào dân chủ Myanmar, lãnh đạo đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đã viết câu nói đầy triết lý ấy.

Người phụ nữ gây guộc mà can đảm này từng là nguồn cảm hứng vô tận cho bao người đấu tranh cho dân chủ và tự do, không chỉ tại đất nước của bà mà còn trên toàn thế giới.

Là con gái của tướng Aung San, anh hùng dân tộc của Myanmar, bà thừa hưởng từ cha danh tiếng và di sản chưa hoàn thành – đó là bổn phận làm những điều lớn lao cho đất nước. 

Với thân thế đó, bà được dẫn dắt bởi một chuỗi các sự kiện và biến cố để trở thành một chính trị gia và một biểu tượng quốc tế về sự dấn thân bền bỉ và mạnh mẽ cho tự do và dân chủ.

Sinh ra vào năm 1945, hơn 2 năm sau, Aung San Suu Kyi mất cha vì ông bị ám sát. Bà trải qua những năm tháng tuổi thơ tại nhiều quốc gia trên thế giới dưới sự chăm sóc của mẹ là một nhân viên ngoại giao. 

Năm 1964, Aung San Suu Kyi đến Đại học Oxford để học chính trị, kinh tế và triết học. Tại đây, bà gặp Michael Aris, người về sau đã ngỏ lời cầu hôn và nhận được câu trả lời đồng ý từ bà với một điều kiện: nếu đất nước cần, bà sẽ phải đi. 

Năm 1988, bà về nước để thăm người mẹ bị đột quỵ. Chuyến đi được dự kiến diễn ra trong một tuần trở thành dài đằng đẵng bắt đầu từ việc bà miễn cưỡng đáp ứng lời đề nghị của một nhóm trí thức, rằng bà sẽ dẫn dắt phong trào dân chủ Myanmar.

Từ đó, bà cùng cộng sự thành lập NLD, tập hợp lực lượng, kêu gọi cải cách dân chủ và bầu cử tự do, và nhận được ủng hộ rộng rãi bởi dân chúng. Tiếng tăm của bà vang dội, và hình ảnh của bà trở nên quen thuộc trong đời sống chính trị Myanmar. 

Không thể chấp nhận các hoạt động cùng ảnh hưởng của bà, chính quyền quân sự đã quản thúc bà tại gia vào năm 1989 và bắt giữ nhiều thành viên của NLD. Lo ngại người vợ bị hãm hại, Michael đã thực hiện một chiến dịch cấp cao để xây dựng hình ảnh của bà như một biểu tượng quốc tế.

Năm 1990, để đạt được tính chính danh, chính quyền quân sự tổ chức bầu cử toàn quốc. NLD thắng lợi nhưng bị chính quyền khước từ chuyển giao quyền lực. Aung San Suu Kyi tiếp tục bị quản thúc tại gia trong chuỗi tháng ngày cô đơn.

Năm 1991, với ảnh hưởng của mình và nỗ lực thầm lặng của Michael, bà đoạt giải Nobel Hòa bình vì những hoạt động đấu tranh, và vì là "một tấm gương tiêu biểu về quyền lực của người không quyền lực".[1]

Năm 2010, chính quyền quân sự của Thein Sein đã chính thức trả tự do cho bà và bắt đầu tiến hành cải cách. Điều này mở đường cho một cuộc bầu cử công khai và cạnh tranh vào tháng 11/2015 mà NLD giành thắng lợi áp đảo.

Tuy không thể trở thành tổng thống vì giới hạn trong Hiến pháp (đối với người có vợ/chồng và con là người nước ngoài), bà giữ cương vị cố vấn quốc gia và hi vọng có thể lèo lái đất nước thông qua tổng thống là người phụ tá thân cận của mình trước kia.

Tưởng như Myanmar từ đây đã bước sang một thời kỳ đầy hứa hẹn, với người lãnh đạo tinh thần Aung San Suu Kyi, người được dân chúng kính ngưỡng, thậm chí tôn thờ, nhưng nền dân chủ của Myanmar lại rơi vào tình trạng bấp bênh.

Kể từ khi nắm quyền lực, bà bị phê phán là chuyên chế, tự phụ, thích cho mình là trung tâm,[2] chỉ xây dựng liên minh với những người đồng chính kiến và gạt ra bên ngoài những người mà bà không ưa. 

Không những thế, điều khiến cộng đồng quốc tế hụt hẫng là bà đã im lặng trước cuộc đàn áp đẫm máu của quân đội Myanmar đối với người Hồi giáo Rohingya khiến hàng ngàn người Rohingya thiệt mạng. Bà cũng đã im lặng trước bản án 7 năm tù dành cho hai nhà báo Myanmar làm việc cho Reuters vì đã điều tra cuộc đàn áp.[3]

Các vấn đề đã cho thấy rõ ràng rằng Aung San Suu Kyi đã rất khác trước. Đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những người từng tôn vinh bà và lấy bà làm hình mẫu, bà đã phản bội các giá trị mà bà từng đấu tranh cho.


Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence lên án Myanmar đã “đàn áp” người Hồi giáo Rohingya khi gặp bà Aung San Suu Kyi hôm 14/11/2018.

Vì lẽ đó, nhiều địa phương, tổ chức trên thế giới từng vinh danh bà bằng các giải thưởng cao quý đã thu hồi các giải tưởng ấy, trong đó có các thành phố Dublin, Oxford của Anh, Bảo tàng Tưởng niệm Diệt chủng Do Thái của Mỹ, và gần đây nhất là Tổ chức Ân xá Quốc tế vào ngày 13/11 vừa qua.[4]

Có người nói sở dĩ các giá trị từng được bà đề cao giờ đây bị bà hạ thấp là vì sự ham muốn quyền lực đã làm bà mờ mắt. Và nói theo cách mà bà đã viết về tự do khỏi sự sợ hãi, thì chính sự sợ hãi mất quyền lực đã khiến bà mất tự do. 

Biểu tượng của nền dân chủ Myanmar đã thực sự sụp đổ. Có hai điều người ta có thể rút ra từ câu chuyện của Aung San Suu Kyi: thứ nhất, để không quá phụ thuộc vào biểu tượng duy nhất, phong trào đấu tranh cần xây dựng nhiều hơn một biểu tượng, và thứ hai, khi nắm quyền lực, một người có thể xa rời lý tưởng, dù người đó trước kia tốt đẹp thế nào đi chăng nữa. 

Chú thích:

[1] Dẫn lời của Chủ tịch Ủy ban Nobel

[2] Miến Điện vỡ mộng sau hai năm Aung San Suu Kyi cầm quyền 
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180906-mien-dien-aung-san-suu-kyi-cam-quyen

[3] Như [2]

[4] Tổ chức Ân xá Quốc tế tước giải thưởng của bà Suu Kyi
https://www.voatiengviet.com/a/to-chuc-an-xa-quoc-te-tuoc-giai-thuong-cu...

Nguồn: NguyenTrangNhung's blog