Người dân xếp hàng nhận khẩu trang miễn phí ở Hà Nội hôm 8/2/2020.
Đông Phong - RFA|
Những ngày vừa qua, đại dịch viêm đường hô hấp xuất phát từ Vũ Hán do virus Corona gây ra đã làm cho người dân Việt Nam lo lắng và hoang mang đến tột độ. Thế nhưng, nhà cầm quyền Việt Nam lại đang loay hoay và gần như không thể tự đóng được cửa biên giới với Trung Quốc để ngăn chặn đại dịch, vì cần phải có sự chấp thuận từ phía nhà cầm quyền Trung Quốc.
Điều đó vô tình gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh, rằng Việt Nam liệu hoàn toàn độc lập sau ngần ấy năm chiến tranh, mồ hôi, nước mắt và xương máu của cả dân tộc đã đổ xuống.
Con số người nhiễm bệnh tại Việt Nam ngày một tăng, và có thể trở thành một ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc. Vậy nếu khi để xảy ra hậu quả như thế thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Hay sau đó cũng chỉ là một vài cá nhân đăng đàn với những lời tự phê bình và rút kinh nghiệm đầy sáo rỗng, mà người dân dường như đã quá chán ngán đến khinh miệt.
Bất công xã hội vẫn đang lan rộng, và không còn là vấn đề giữa người dân với đảng viên, cán bộ nhà nước, mà nay còn là của những viên chức với nhau. Khi người không năng lực được dọn đường để thăng quan tiến chức một cách dể dàng, thần tốc, còn người có năng lực, có tài thì cho dù suốt đời phấn đấu cũng không thể lột xác để thoát ra khỏi một anh viên chức quèn, mạt hạng. Trong cùng một hệ thống giữa những đồng chí với nhau, khi “kẻ ăn không hết người lần chẳng ra”. Đó là một bất công lớn đã và đang tồn tại.
Vấn nạn môi trường đang dần đẩy dân tộc đến chỗ suy kiệt và diệt vong, khi đâu đâu cũng xả thải, đâu đâu cũng ô nhiễm, thức ăn, nước uống đầy độc, bụi mịn bao trùm... Sức khỏe và mạng sống của người dân ngày một bị đe doạ nghiêm trọng, nhưng những cơ quan chức năng thì luôn tỏ ra vô can.
Tham nhũng do bà mẹ cơ chế độc đảng sinh ra đã trở thành một quốc nạn, mà ngày nay chỉ có đốt hết cả cánh rừng mới mong dọn sạch được lượng củi cần đốt ấy. Đó là một quốc nạn mà lịch sử Việt Nam chưa có triều đại nào để xảy ra nhiều với mức độ thiệt hại nghiêm trọng và rộng khắp đến vậy.
Và hàng nghìn loại ung nhọt khác đang phát tán trên khắp "cơ thể" của guồng máy, một guồng máy đã hoàn toàn mất đi khả năng đề kháng để tự bảo vệ mình, một "cơ thể" đang rệu rã chỉ chờ đến ngày cáo chung.
Lên tiếng và bắt bớ
Nhìn lại nhiều năm trước, khi những vụ án mang tính chính trị một thời từng gây chấn động dư luận, như vào năm 2007 vụ của luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân; Năm 2009 vụ án của những người yêu nước gồm: Doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, luật sư Lê Công Định, thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung, hay vụ "2 bao cao su" vào năm 2010 của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ...
Chấn động không phải vì mức độ quy mô, sự nguy hiểm hay hậu quả của nó để lại, mà chấn động ở đây đơn giản chỉ vì tại thời điểm đó không có mấy ai dám tiếng hoặc dám hành động.
Thế rồi liên tiếp những vụ án tương tự trong ngần ấy năm, từ đó cho mãi đến hôm nay, đã có hàng loạt người đấu tranh bị bắt bớ tù tội, người này ra người kia vào, dần dần làm cho độ hot của những vụ án chính trị ấy cũng không còn nữa, bởi có quá nhiều người bị bắt, bị tù đày.
Điều đó đã lặp đi lặp lại một cách liên tục và ngày càng trẻ hoá dần những con người bị tù đày đến độ không thể không cảm thấy bình thường nhất có thể.
Những nhà tranh đấu - mà mười mấy năm về trước bị bỏ tù còn là một hiện tượng kinh động xã hội, khiến mọi người sợ sệt xa lánh - nhưng nay họ là lớp lớp những người yêu nước dũng cảm. Xung quanh họ giờ đã có cả trăm, cả nghìn người dự bị và luôn dám cất lên tiếng nói của chính mình và sẵn sàng chịu cảnh tù tội.
Trước đây việc ngồi chém gió vỉa hè, hay lên các trang mạng bàn về chính trị hay phê phán chính phủ được xem là một hành vi "ghê gớm" và động trời lắm, nhưng giờ gần như ai ai cũng có thể dám "xổ toạc" nơi đông người. Chính tôi, đôi khi còn bụm miệng không kịp cho những cậu đảng viên ngồi cạnh đang mắng đảng không một câu thương tiếc.
Điều đó đánh dấu một sự thay đổi rất lớn trong nhận thức và tâm tư của nhiều người dân, trong dòng chảy chung của sự thay đổi tất yếu và điều này đang diễn ra âm thầm từng ngày từng giờ trong lòng xã hội mà không một ai có thể ngăn cản được.
Dòng người xuống đường
Tôi nhớ vào năm 2011, khi sự kiện tàu Bình Minh 02 của Việt Nam bị các tàu Hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò, những người bất bình đã xuống đường, khi ấy đa số họ đều mặt áo đỏ, một số người trên tay cầm lá cờ đỏ sao vàng, và số lượng của dòng người ấy không quá 200.
Rồi sau đó khi hàng loạt sự kiện xuống đường khác của người dân như: Phản đối vụ hạ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vào năm 2014; Phản đối Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam vào năm 2015; Bảo vệ cây xanh tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn, thì hình ảnh chiếc áo và lá cờ đỏ ấy cũng thưa dần theo năm tháng, tỷ lệ thuận với mức độ đàn áp của nhà cầm quyền, nhưng lại tỷ lệ nghịch với số lượng người tham gia ngày một tăng lên, mà đỉnh điểm của nó là sự kiện xuống đường phản đối Formosa (sự kiện cá chết) từ Bắc chí Nam vào năm 2016. Người ta đã không còn trông thấy bóng dáng của những chiếc áo và lá cờ đỏ ấy trong dòng người khổng lồ xuống đường.
Đến năm 2018, một dấu mốc đã được tô lên, khi dòng người ấy lại bước xuống đường để lần đầu tiên phản đối một chính sách của nhà cầm quyền, cụ thể là dự Luật đặc khu. Khi ấy quy mô, số người tham gia và sự đồng nhất từ Bắc đến Nam đáng để cho nhà cầm quyền phải lạnh gáy, và chắc chắn tại những thành phố lớn như Sài Gòn và Hà Nội, người ta đã hoàn toàn không nhìn thấy hình ảnh của lá cờ đỏ hay chiếc áo in hình cờ đỏ len lỏi vào dòng người kia.
Suối nguồn bất tận
Lịch sử của nhân loại luôn được vận hành theo đúng quy luật nhất định của nó, với từng giai đoạn lịch sử mà loài người phải trải qua: Thời kỳ nguyên thuỷ; Chiếm hữu nô lệ; Phong kiến; Tư bản... Mà Việt Nam trong giai đoạn nửa phong kiến nửa tư bản ấy chắc chắn cũng không thể có một ngoại lệ.
Nếu quan sát xã hội Việt Nam ở góc độ vĩ mô thì những người có kiến thức thông thường cũng có thể dể dàng nhận thấy rất rõ trong lòng xã hội đang có một sự chuyển dịch, một dòng chảy âm thầm, như một quy luật tất yếu của lịch sử, đó là dòng chảy của dân chủ.
Và khi nhìn lại những sự kiện đấu tranh liên tiếp của người dân trong mười mấy năm qua có thể nhận định, dù vui hay buồn, muốn hay không muốn thì tiến trình tự dân chủ hóa ấy vẫn đang diễn ra một cách nhanh chóng và mạnh mẽ. Bởi nó là sự vận động của lịch sử, của toàn xã hội mà không một thế lực nào có thể ngăn cản hay thay đổi được, đó là sự vận động của dòng chảy dân chủ tất yếu, một suối nguồn bất tận.
Tác giả Đông Phong (Luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP HCM)