Hôm 20 Tháng Hai 2020 tại một cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao Mekong - Lan Thương (đoạn sông Mekong tại Trung Quốc) lần thứ 5 ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố sẽ xả nước các đập thủy điện của Trung Quốc trên sông Mekong để giúp đỡ các quốc gia láng giềng đối phó với khô hạn. Tưởng chừng như Trung Quốc là một cường quốc có tâm biết nghĩ đến những nước láng giềng ở hạ nguồn đang chịu ảnh hưởng nặng nề vì quá nhiều đập thủy điện của Trung Quốc được xây trên dòng sông Mekong. Sự thật ra sao?
Vào ngày 1 Tháng Tám 2019, trong cuộc họp với các ngoại trưởng ASEAN ở Bangkok Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh việc Trung Quốc xây đập "vô tội vạ" trên thượng nguồn sông Mekong là nhằm "kiểm soát" dòng chảy hạ lưu, đẩy sinh kế của hàng triệu người vào tình cảnh khó khăn.
Tương tự như lời phát biểu trên của ông Mike Pompeo, nhiều bài nghiên cứu của Ủy ban sông Mekong (MR) cũng dự đoán tình trạng ảm đạm của 5 nước thuộc lưu vực sông (Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Việt Nam). Các hoạt động khai thác thủy sản và trồng trọt bị thiệt hại nặng nề đưa đến tình trạng phải nhập khẩu lương thực.
Xây đập thủy điện tại thượng nguồn Mekong có thể xem như Bắc Kinh đạt mục đích đặt vòng kim cô lên 5 nước thuộc hạ nguồn. Nạn hạn hán, thiếu nước ở hạ nguồn là do các đập ở thượng nguồn gây ra. Thế nhưng Bắc Kinh làm như ban ơn cho các nước hạ nguồn khi tuyên bố xả đập.
Facebooker Thach Vu có một status tố cáo sự khuynh loát của Bắc Kinh trong việc cho xây đập trên dòng Mekong:
"Vẫn cùng thủ thuật suốt từ thời Lênin, Stalin, ... dài cho đến nay tại các nước chuyên chính vô sản.
Đó là cứ bóp cổ nạn nhân cho tới mức lè lưỡi, gần chết rồi nới tay ra một chút. Thế là nạn nhân mừng rỡ hết lòng cám ơn, thề trung thành, và quên luôn tại sao mình bị bóp cổ.
Và nay, ai dám chỉ ra kẻ đang bóp cổ đồng bằng sông Cửu Long sẽ lập tức trở thành "những kẻ phản động muốn phá hoại tình hữu nghị Việt Trung", và sẽ bị chính lãnh đạo ta ... bóp cổ!"
Ngọc Thu