Nền kinh tế thứ hai trên thế giới. ‘…Trung Quốc vẫn nhất định không từ bỏ mình ra khỏi danh sách các nước đang phát triển đã nói lên một điều: Chính quyền Trung Quốc hiện nay là một chính quyền thiếu liêm sỉ và không coi trọng danh dự, ngay cả trên trường quốc tế…’
J.B Nguyễn Hữu Vinh - (NV)|
Ngày 10 Tháng Hai, 2020, chính phủ Hoa Kỳ đã đưa một loạt nước ra khỏi danh sách các quốc gia đang được hưởng quy chế các nước đang phát triển. Trong danh sách này có hơn 20 quốc gia trong đó có Việt Nam, đứng đầu là Trung Quốc.
Việc này giúp Hoa Kỳ có thể mở các cuộc điều tra và trừng phạt các nước gia tăng trợ cấp hàng hóa xuất cảng, gây tổn hại cho thương mại Hoa Kỳ.
Việc chính quyền Hoa Kỳ đưa ra danh sách này là bước tiếp theo sau khi chính Tổng Thống Donald Trump đã nhiều lần thúc giục tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO) xem xét lại các tiêu chuẩn đánh giá để phân biệt các nước đang phát triển. Lý do là một số nước đang được hưởng quy chế “đang phát triển” không đúng thực chất, đã và đang được hưởng nhiều lợi ích và tạo sự bất công trong thương mại quốc tế.
Những nước này, đã lợi dụng vị thế của họ là các nền kinh tế đang phát triển theo quy định của WTO, cho phép họ duy trì mức thuế cao hơn và các rào cản thương mại khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong nước.
Trước đó, chính quyền Hoa Kỳ và nhất là Tổng Thống Trump đã nhiều lần thúc giục WTO thay đổi cách đánh giá tiêu chuẩn này, đồng thời kêu gọi “địa vị” nước đang phát triển của Trung Quốc.
Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 7 Tháng Sáu, 2019, đưa tin tại hội thảo liên quan đến vấn đề Trung Quốc do Hiệp Hội Chính Sách Đối Ngoại Mỹ tổ chức, ông Ted Yoho – chủ tịch Tiểu Ban Châu Á-Thái Bình Dương của Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Mỹ – nói rằng Quốc Hội đang cùng chính phủ nỗ lực thúc đẩy việc hủy bỏ địa vị quốc gia đang phát triển của Trung Quốc trong WTO. “Quốc gia này là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Họ đóng được năm hàng không mẫu hạm. Họ thông qua ‘Vành đai và con đường’ để đầu tư khắp nơi. Ngoài ra, họ còn có dự án nghiên cứu không gian. Đây làm sao có thể là một nước đang phát triển,” ông Ted Yoho nói,
Điều này không phải không có lý, bởi vì những quy định của WTO về tiêu chuẩn đánh giá các nước phát triển và đang phát triển đã tồn tại từ lâu và không còn đúng với thực tế. Tổng Thống Trump cho rằng WTO đang sử dụng “cách phân loại lỗi thời giữa nước phát triển và đang phát triển, cho phép một số thành viên có được những lợi thế không công bằng.”
Thế nhưng, để thay đổi được các tiêu chuẩn này của WTO là điều không dễ dàng khi mọi sự thay đổi cần có sự đồng ý của tất cả 164 nước thành viên.
Trong khi có nhiều quốc gia đã đồng ý chủ động từ bỏ các quyền lợi khi mình thuộc các nước đang phát triển tại các đàm phán thương mại quốc tế trong tương lai như Brazil, Singapore và Nam Hàn thì trái lại, Trung Quốc vẫn quyết giữ khư khư cái “danh hiệu” đầy những ưu tiên này.
Mặc dù Trung Quốc là một đất nước có nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, với tốc độ phát triển liên tục tăng nhiều năm, có nhiều khả năng và tiền bạc để đầu tư khắp nơi trên thế giới, đóng nhiều hàng không mẫu hạm, phát triển nhiều loại vũ khí tối tân để dọa dẫm, chiếm đoạt lãnh thổ, lãnh hải các nước nhỏ xung quanh và đàn áp người dân các sắc tộc trong nước. Trung Quốc cũng đã đạt nhiều thành quả lớn trong việc chinh phục vũ trụ, dẫn đầu thế giới một số mặt và sớm tỏ ra những khát vọng vươn lên làm bá chủ thế giới.
Động tác này của Trung Quốc làm người ta liên tưởng đến câu chuyện “hộ nghèo” tại Việt Nam hiện nay.
Tại Việt Nam, nhà nước phân biệt ra một loại dân được coi là “hộ nghèo” với những tiêu chí do nhà nước chỉ định. “Hộ nghèo” được hưởng nhiều ưu đãi của xã hội như hỗ trợ xây dựng nhà cửa, trợ cấp, bảo hiểm y tế, học phí con cái đi học và nhiều ưu đãi khác.
Việc nhà nước phân loại “hộ nghèo” và cho hưởng một số ưu đãi nhằm xoa dịu những uất ức và sự phản kháng của tầng lớp nhân dân “không có gì để mất,” dễ nổi loạn và sẵn sàng cho những cuộc đấu tranh “không có gì để mất mà được thì được tất cả” theo đúng lý thuyết của Cộng Sản đã sử dụng để lôi kéo tầng lớp bần cùng trong cuộc chiến cướp chính quyền của mình.
Thế nhưng, trong khi nhiều người cảm thấy xấu hổ cho danh dự gia đình, vì liêm sỉ cũng như nhiều lý do khác, nhiều gia đình người dân đã từ chối “danh hiệu” này khi được liệt vào danh sách “hộ nghèo” và từ bỏ những ưu đãi dành cho mình, thì ngược lại, cán bộ và người nhà cán bộ, những kẻ có chức quyền lại đua nhau gian lận tự nhận là “hộ nghèo” dù đời sống của họ rất đầy đủ và sung túc.
Nhiều bà vợ của lãnh đạo xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, “đi lạc” vào sổ “hộ nghèo” của người dân để trục lợi. (Hình: Phúc Tuấn/Giao Thông)
Báo chí Việt Nam đã nói rất nhiều đến hiện tượng này tại các tỉnh khắp cả nước.
Báo Pháp Luật Plus ngày 17 Tháng Năm, 2019, đưa tin, cha ruột ông Nguyễn Duyên Hiệp – phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình – là ông Nguyễn Duyên Hóa, cán bộ quân đội hưởng lương hưu 12 triệu đồng ($518)/tháng, nhưng vẫn được xét hỗ trợ 40 triệu đồng ($1,727), hiện tại đã xây ngôi nhà vườn hai tầng khang trang. Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng – phó bí thư Đảng Ủy xã – đang ở căn nhà hai tầng khang trang nhưng vẫn được ưu tiên xét duyệt nhận 20 triệu đồng ($863) để sửa nền nhà.
Trong khi đó, cũng ngay ở xã này, nhiều người dân sống lay lắt trong những căn nhà lụp xụp, không có thu nhập thì lại cứ chờ dài cổ mà không được hưởng bất cứ một chính sách ưu đãi hoặc hỗ trợ nào.
Không chỉ ở Thái Bình, tại xã Hoàn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, chỉ từ năm 2011 đến 2013, toàn xã có 153 người không nghèo được “ghép nhầm” vào “hộ nghèo” để được hưởng các chính sách từ sự hỗ trợ của nhà nước. Những người này hầu hết đều là người thân, bà con của lãnh đạo, cán bộ xã.
Có thể kể rất nhiều trường hợp như thế ở khắpcác tỉnh, thành phố Việt Nam mà báo chí đã nêu đích danh.
Những người cậy có chức, có quyền, có tài sản và đời sống sung túc lại tự nhận và xếp hạng chính mình và người thân của mình vào “hộ nghèo” để được hưởng những chính sách ưu đãi của nhà nước không thể nói gì hơn là sự lạm dụng chức vụ để tham nhũng, đồng thời nói lên tư cách của những con người, những cán bộ đảng viên này là thiếu liêm sỉ.
Trở lại việc Hoa Kỳ loại hơn 20 quốc gia ra khỏi danh sách các nước đang phát triển, đứng đầu là Trung Quốc, phía Trung Quốc đã ngay lập tức phản ứng mạnh mẽ. Trung Quốc chỉ trích hành động này của Hoa Kỳ là đơn phương, gây tổn hại cho các cơ chế đa phương.
Tờ China Daily dẫn lời ông Xue Rongjiu – phó giám đốc Trung Tâm Trung Quốc Về Nghiên Cứu WTO – nói rằng thông báo hôm 10 Tháng Hai của Hoa Kỳ đã làm suy yếu quyền lực của hệ thống thương mại đa phương. Rằng: “Những hành động đơn phương và bảo hộ như vậy đã đang gây tổn hại cho lợi ích của Trung Quốc và của các thành viên khác trong WTO.” Và “Trung Quốc đã luôn kiên quyết bảo vệ các hệ thống đa phương. Các mối quan hệ thương mại và kinh tế của Trung Quốc với các đối tác của cả các nền kinh tế phát triển và các nước đang phát triển đã chứng minh rằng cơ chế đàm phán đa phương có hiệu quả, và nó đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới.”
Thực ra, ai cũng biết Trung Quốc sẽ cố gắng bằng mọi cách để giữ danh hiệu nước “đang phát triển” nhằm được thụ hưởng những ưu đãi của quốc tế theo kiểu nhà nước Việt Nam ưu đãi “hộ nghèo.”
Trên bình diện quốc tế, Trung Quốc là một nước đã đạt nhiều thành tựu lớn về kinh tế mấy chục năm qua, đang vươn lên vị trí soán ngôi nước đứng đầu thế giới là Hoa Kỳ. Thậm chí Trung Quốc còn là “chủ nợ” của Hòa Kỳ với con số nợ đến hàng ngàn tỷ đô la.
Nhưng Trung Quốc vẫn nhất định không từ bỏ mình ra khỏi danh sách các nước đang phát triển đã nói lên một điều: Chính quyền Trung Quốc hiện nay là một chính quyền thiếu liêm sỉ và không coi trọng danh dự, ngay cả trên trường quốc tế.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
nguoi-viet.com/binh-luan/chinh-sach-cua-wto-va-ho-ngheo-o-viet-nam/