14.03.2020 nhớ Hải Chiến Trường Sa, nhớ 10 Năm Thê Húc

ngày 14 tháng 3 năm 2010, một số người đã công khai xuất hiện tại cầu Thê Húc

Ngoc Duc Nguyen|

Hôm nay 14/3, ngày kỷ niệm trận hải chiến Trường Sa năm 1988. Một trận chiến mà trước khi nổ súng, cả hai bên đều biết trước kết quả. Phía Trung Quốc tàu lớn, súng lớn, trang bị đầy đủ. Phía Việt Nam tàu nhỏ không võ trang. Binh lính chỉ có súng cá nhân để tự vệ. Gần như toàn bộ binh sĩ trên Gạc Ma đều gục ngã ở những giờ phút đầu tiên. Ba chiếc tàu bị loại khỏi vòng chiến. 64 chiến sĩ hy sinh.

Những người nằm xuống tại Trường Sa năm 1988, hay ở Hoàng Sa năm 1974, là lính của ai, thuộc chế độ nào, không là điều quan trọng. Quan trọng là họ đã kiên cường chiến đấu, không hèn nhát cầu hòa và anh dũng hy sinh để bảo vệ biển đảo của tổ quốc. Họ cần được mọi thế hệ Việt Nam biết đến và vinh danh.

Nhưng sau mật ước Thành Đô năm 1990, những ngày như 19/1 hay 14/3 cần được quên lãng. Mọi hình thức nhắc nhở, vinh danh bị cho là "nhạy cảm" và thường bị cấm đoán.

Vậy mà cách đây 10 năm, ngày 14 tháng 3 năm 2010, một số người đã công khai xuất hiện tại cầu Thê Húc, trên Hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội, để vinh danh những người đã hy sinh để bảo vệ biển đảo của tổ quốc. Lần đầu tiên người Việt Nam biết đến 6 chữ "HS.TS.VN". Sau đó vài tháng, 6 chữ này được vẽ ở khắp nơi, trở thành một phong trào bày tỏ lòng yêu nước, khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Anh Nguyễn Khanh của đài Á Châu Tự Do (RFA) hay anh Vũ Quí Hạo Nhiên của báo Người Việt đều bày tỏ sự thán phục việc làm này, nhưng có chung một nhận định là "vô cùng táo bạo và nguy hiểm".

Khi anh Nguyễn Khanh phỏng vấn trực tiếp một người đang làm chuyện "táo bạo và nguy hiểm" vào trưa ngày 14/3/2010, người này trả lời "chúng tôi là vài anh em Việt Tân, đang làm một việc rất bình thường và đơn giản, trong ôn hòa và trật tự. Đó là biếu tặng đồng bào một số mũ và áo có in hàng chữ HS-TS-VN, có nghĩa là Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam. Có nhiều người trong nước còn làm những chuyện gian nan, nguy khó hơn chúng tôi nhiều ".

Anh Nguyễn Khanh lo lắng cho anh em, hỏi "Lúc phân phát mũ và áo cho đồng bào, các bạn có thấy công an ở gần đó không ?". Người này trả lời " Có chứ anh. Có nhiều công an mặc đồng phục và thường phục xuất hiện ở đây. Nhưng tôi nghĩ công việc chúng tôi làm rất trật tự, không vi phạm luật pháp của Việt Nam. Chúng tôi gặp những người bảo vệ trật tự ở đây và giải thích chúng tôi muốn vinh danh 64 chiến sĩ đã hy sinh tại Trường Sa năm 1988, vinh danh tất cả những người con ưu tú đã nằm xuống, vì bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam".

ngày 14 tháng 3 năm 2010, một số người đã công khai xuất hiện tại cầu Thê Húc

Người trả lời anh Nguyễn Khanh là Vũ, một Việt Tân trẻ ở Thụy Sĩ. Vũ là người rất bình thường và đơn giản. Hành trang về Việt Nam chỉ vỏn vẹn có một bộ trên người, một bộ để thay và ít đồ dùng cá nhân. Tất cả nằm gọn trong một túi nhỏ. Nhưng về đến Hà Nội, Vũ được anh em trong nước "bàn giao" một cái túi rất lớn. Đó là áo mũ mà Vũ sẽ biếu tặng bà con trên cầu Thê Húc. Không chỉ Vũ, những anh em khác đều được giao cả trăm áo mũ làm hành trang cho cuộc xuất hành sáng ngày 14/3/2010.

10 năm trước, Vũ còn trẻ lắm, đang thời kỳ yêu đương thắm thiết. Khi được hỏi ý về vụ cầu Thê Húc, Vũ nói tôi chờ 24 tiếng để Vũ thuyết phục người yêu. Ai ngờ vài tiếng sau, Vũ gọi tôi, giọng hớn hở "Trang gật đầu cái rụp". Tôi ấm lòng hỏi "Vậy em và Trang có muốn anh "đền đáp" gì không ?". Vũ nói đùa "Em chưa từng nếm thịt cầy. Kỳ này đi Hà Nội chắc không có cơ hội. Nếu em về bình an, phải đãi em ăn thịt cầy đó!".

Lời nói đùa này thành sự thật. Trong một lần đi làm thiện nguyện chung ở Á Châu, tôi cho Vũ và Trang nếm thịt cầy. Báo hại Trang phải móc miệng cho ói ra, vì lúc ăn tưởng là thịt thỏ rừng. Ngày nay, hai người đã là vợ chồng, thành bố mẹ, nhưng khi gặp nhau nhắc lại những kỷ niệm này, tôi vẫn tiếp tục bị Trang cho ăn đòn về vụ bị lừa ăn thịt cầy.

Trong số người tham gia, anh Hoàng lớn tuổi nhất. Khi anh em đề nghị anh Hoàng, tôi lưỡng lự vô cùng. Ngoài vấn đề tuổi tác, anh là người đang chèo chống công việc làm ăn của gia đình, nuôi sống cả nhà. Nhưng anh Hoàng đã thuyết phục tôi cho anh tham gia. Anh nói "Ông Thày, ông Võ Hoàng còn dám bỏ hết để dấn thân. Chuyện làm ăn của tôi nhỏ như hột mè. Có gì lo".

Nhiều năm gặp lại, hai anh em ngồi trên triền núi ngắm cảnh, nhắc lại kỷ niệm xưa. Tôi chưng hửng khi anh năn nỉ tôi "Có việc làm nào như vụ cầu Thê Húc không ? Nếu có, ông đừng quên tôi nha". Nhìn mái tóc bạc lưa thưa còn vài cọng và gương mặt già theo thời gian của anh, tôi bổng thấy thương anh em mình quá. Tất cả chỉ nghĩ đến chuyện chung. Bất kể tuổi tác, sức khỏe.

10 năm trước, công việc cầu Thế Húc không thể tiến hành nếu không có mũ áo trên đó có in "Hoàng Sa - Trường Sa – Việt Nam" và 6 chữ "HS.TS.VN". Ngày nay, việc in hay phổ biến những khẩu hiệu này không là vấn đề. Nhiều người không những dám in, dám mặc, mà còn có những biểu hiện lòng yêu nước táo bạo hơn. Đây là một sự tiến triển rất tích cực. Nhưng vào năm 2010, sự sợ hãi còn rất lớn, không ai dám in các mũ áo này vì sợ liên lụy.

Hẳn nhiên, làm mũ áo ở ngoài thì không thành vấn đề, nhưng làm sao chuyển đến Hà Nội với số lượng lớn, làm sao chuyển giao cho anh em làm công tác mà không bị bại lộ.

Nhắc đến vấn đề này, tôi không thể không nhớ đến "thằng cháu cửu vạn" của tôi. Tôi quen nó cũng vào một ngày tháng 3 và cũng nhờ nó mà phần lớn mũ áo đã được tải đến Hà Nôi.

****

Campuchia, tháng 3 năm 2008, tại một bến đò, tôi ngồi uống cà phê và thả khói, chờ thuyền đến. Bạn tôi ở Việt Nam sang bỏ hàng ở chợ Ô Xây, rồi mua dừa thốt nốt mang về bán. Mùa khô, từ bờ xuống nơi thuyền cặp bến là một con dốc dài. Tôi thấy bạn tôi từ dưới thuyền đi lên, theo sau là 2,3 thanh niên. Chung quanh người họ đầy kín hàng hóa. Tôi không hiểu sao họ có thể mang được một số lượng cồng kềnh, nặng nề như vậy để leo lên con dốc cao.

Tôi thán phục nhìn họ lên xuống vác đồ chất đầy hai xe tuk tuk. Khi xong, ai nấy mồ hôi như tắm, ngồi bên đường nghỉ mệt.

Một cậu trai đen như cột nhà cháy thấy tôi hút thuốc, đến hỏi "Chú cho con một điếu được không ?". Tôi lấy bao thuốc ra "Đây ! Anh đưa luôn cho mấy anh kia hút cho vui". Cả đám cùng nhau thả khói mịt trời. Cậu trai hỏi tôi "Chú ở nước ngoài về chơi lâu không ?". Tôi ngạc nhiên "Sao anh biết tôi ở nước ngoài ?". Anh ta cười "Thuốc của chú lạ quá, ở đây không thấy. Nên con đoán vậy".

Tôi học thêm một bài học. Không chỉ cách ăn mặc, cử chỉ, diện mạo mà người khác có thể đoán ra gốc gác của mình, mà còn cả thuốc lá, dầu bôi tóc,... Tôi cười gật đầu "Anh đoán đúng. Đây là thuốc Stuyvesant, dân Âu Châu thích loại này".

Bạn tôi đến "Bộ hai chú cháu quen nhau sao ?". Tôi cười "Mới quen qua điếu thuốc này". Bạn giới thiệu "Cậu này là Sóc Khum. Dân xóm cầu Sài Gòn. Nó thứ hai, nên tôi thường gọi nó thằng hai cho dễ. Còn đây là anh Đức, từ Âu Châu về chơi". Tôi chìa tay ra "Rất vui làm quen với anh". Sóc Khum bắt tay tôi "Chú gọi con là thằng Hai đi. Con mới 20. Đáng tuổi con chú mà". Bạn tôi gật đầu "Ông coi nó như con cháu đi. Tôi biết ba nó mà. Tội nghiệp lắm. Nhà nó nghèo. Nó lưu lạc trên xứ Chùa Tháp này từ năm 10 tuổi. Sống một mình, làm nghề cửu vạn để nuôi thân".

Qua lời kể của bạn, tôi biết thêm về Sóc Khum. Nó là người Khơ-me Krom, sinh đẻ ở Việt Nam. Nhà nghèo, đông anh em, ba má nó lo không nổi. Nên khi nó 10 tuổi, ba nó dẫn qua Campuchia giao cho một người chú. Ông chú nó cũng nghèo, sống bằng nghề cửu vạn. Đây là nghề bốc vác hàng hóa ở các bến cảng, bến đò. Nói nôm na là dùng sức nuôi miệng trong công việc khiêng thuê, vác mướn.

Từ năm 10 tuổi, Sóc Khum đã cùng chú khiêng vác ở bến đò. Hai chú cháu làm đến tối mịt mới về. Họ ở trong cái chòi dựng tạm trong khu ổ chuột dưới chân cầu Sài Gòn. Năm 16 tuổi, chú nó bệnh chết. Nó trở thành "chủ" cái chòi ọp ẹp và tiếp tục "khuếch trương nghề cửu vạn" do ông chú để lại.

Chúng tôi trở thành chú cháu từ đó. Trong vụ cầu Thê Húc, Sóc Khum đã chứng tỏ tài "cửu vạn" của mình, giúp tôi tải phần lớn áo mũ in từ ngoài chuyển đến Hà Nội. Ngày nay giống như Vũ, Sóc Khum có vợ, sinh con và một mái gia đình hạnh phúc.

***

Người xưa nói đúng. Thời gian như vó câu qua cửa sổ. "10 năm Thê Húc" chỉ là một cái chớp mắt. Hôm nay nhớ lại, tôi phải ca ngợi tất cả anh em đã tham gia công việc này. Vũ, Trinh, Hoàng, Tự, Khởi, Hải, Tùy, Ti, Sóc Khum và những anh em mà tôi không thể kể tên đều là những "anh hùng của tôi". Vì lúc đó, nhiều người vẫn cho rằng hành động của họ là "táo bạo và nguy hiểm".

Tuy nhiên, táo bạo và nguy hiểm vẫn còn tùy theo góc nhìn của mỗi người. Quan trọng là người làm chuyện đó biết rõ tại sao phải làm, đâu là những rủi ro và sau khi lượng định kỹ lưỡng, đã làm bằng sự tự nguyện của mình. Qua lời Vũ, anh em tham gia công việc tại cầu Thê Húc cho đây chỉ là những công việc bình thường và đơn giản để biểu hiện lòng yêu nước.

Theo tôi, dân tộc nào có nhiều người làm những việc bình thường và đơn giản như Vũ, Trinh, Hoàng, Tự, Khởi, Hải, Tùy, Ti, Sóc Khum,... đã làm, dân tộc đó sẽ có một dòng lịch sử kéo dài bất tận.

14 tháng 3 năm 2020
Nguyễn Ngọc Đức

Các bạn có thể xem lại đoạn video tóm lược vụ phát áo mũ HS-TS-VN tại cầu Thê Húc trên Hồ Hoàn Kiếm ngày 14/3/2010 : https://youtu.be/wU9otU6iFM4