Khó có thể biết chính xác Trung Quốc khống chế được dịch bệnh chưa vì những con số của họ đưa ra không thể kiểm chứng độc lập nhưng Bắc Kinh đang khai thác tối đa điều này để thực hiện một chiến dịch mới nhằm biến hình ảnh họ từ một kẻ gieo rắc thảm họa cho nhân loại trở thành nạn nhân rồi bây giờ là người hùng cứu thế giới!
Khi Mỹ đang tối tăm mặt mũi với việc chống trận dịch và Liên minh châu Âu (EU) hỗn loạn bởi coronavirus, Trung Quốc đã nhanh chân “điền vào chỗ trống”. Chiến dịch truyền thông “Trung Quốc chiến thắng trận dịch” bắt đầu tăng mạnh từ sau chuyến kinh lý của Tập Cận Bình đến Vũ Hán ngày 10-3-2020, được thực hiện cùng lúc với chiến dịch tuyên truyền biến Trung Quốc từ “thủ phạm” thành “nạn nhân”, rằng nguồn gốc trận đại dịch không phải bắt nguồn từ nước họ và “cho dù như vậy đi nữa” thì Trung Quốc vẫn sẵn sàng giúp thế giới.
Trong khi không quốc gia nào thuộc EU đáp lại lời khẩn cầu của Rome thì Trung Quốc tuyên bố gửi đến Ý 1.000 máy thở, hai triệu khẩu trang, 100.000 mặt nạ phòng chống độc, 20.000 trang phục bảo hộ và 50.000 bộ xét nghiệm. Cùng ngày loan bố hứa giúp Ý, Trung Quốc gửi 2.000 bộ xét nghiệm nhanh đến Philippines. Đồng thời, Bắc Kinh đưa chuyên gia y tế và gửi 250.000 khẩu trang đến Iran; chuyển hàng viện trợ đến Serbia, nơi Tổng thống nước này, Aleksandar Vučić, nói rằng sự đoàn kết EU chỉ là “một chuyện cổ tích” và rằng “quốc gia duy nhất giúp chúng tôi là Trung Quốc”. Người đồng sáng lập tập đoàn Alibabab, Jack Ma (Mã Vân), cũng hứa gửi nhiều bộ xét nghiệm và khẩu trang tặng Mỹ, và gửi 20.000 bộ xét nghiệm và 100.000 khẩu trang cho mỗi nước trong tất cả 54 quốc gia châu Phi (Foreign Affairs 18-3-2020).
Hàng viện trợ y tế Trung Quốc nhập cảng Rome (Italian Red Cross Press Office, via Shutterstock)
Chiến dịch “ngoại giao coronavirus” đang tăng tốc dữ dội. Trung Quốc tổ chức liên tục các hội thảo trực tuyến để chia sẻ kinh nghiệm chống dịch với hàng chục quốc gia. Có điều, như chính sách và chiến lược ngoại giao lâu nay của họ, Trung Quốc chỉ “trao đổi” và “chia sẻ” với những quốc gia thuộc “phe ta” - chủ yếu với những nước Trung và Đông Âu qua cơ chế “17+1” (17 quốc gia khu vực trên và Trung Quốc), qua Tổ chức hợp tác Thượng Hải, và với những nước nằm trên chuỗi “Nhất đới Nhất lộ”. Tin tức và hình ảnh chiến dịch “ngoại giao coronavirus” được phát rầm rộ trên các phương tiện truyền thông trong nước, tạo ra hình ảnh một Trung Quốc đang đứng tuyến đầu với vị trí lãnh đạo toàn cầu, giúp người dân “phấn chấn”, giúp dư luận bớt chỉ trích chính quyền và đặc biệt giúp Tập giữ thăng bằng lại cái ghế quyền lực chao đảo trên thượng tầng Trung Nam Hải kể từ khi vụ dịch bùng nổ.
Bởi sự bưng bít thông tin nước ngoài nên người Trung Quốc có thể chỉ thấy được sự hào phóng của Trung Quốc đối với thế giới mà không biết rằng sự “tử tế” trong việc gửi tặng khẩu trang cho nhiều nước đã đến sau một sự láu cá khác: chỉ trong tuần đầu tiên sau khi Vũ Hán bị phong tỏa vào tháng 1-2020, Trung Quốc đã nhập 56 triệu mặt nạ và khẩu trang để tích trữ. Ngày 30-1-2020, chỉ trong vòng 24 tiếng, Trung Quốc nhập 20 triệu mặt nạ và khẩu trang y tế. Không phải tự nhiên mà thế giới bỗng khan hiếm khẩu trang đến mức bây giờ thế giới lại cần Trung Quốc giúp viện trợ khẩu trang.
UPS chuyển hai triệu khẩu trang đến Trung Quốc (UPS)
Dân chúng Trung Quốc cũng chỉ thấy sự “hào phóng” và “nhân đạo” từ những gì báo chí tuyên truyền mô tả mà nhiều chi tiết liên quan chiến dịch trợ giúp Trung Quốc trước đó của thế giới đã được cố tình làm mờ nhạt. Chẳng hạn chuyện công ty Honeywell của Mỹ tặng nửa triệu mặt nạ phòng chống độc N95; công ty 3M cũng tặng số mặt nạ-khẩu trang tương tự. Bristol Myers Squibb tặng 220.000 mặt nạ N95 cho bác sĩ-y tá Vũ Hán. Tổng cộng, hai tổ chức phi chính phủ của Mỹ - MAP International và MedShare - đã tặng Trung Quốc hơn hai triệu mặt nạ, 11.000 trang phục bảo hộ và 280.000 găng tay. Bây giờ, Trung Quốc “xua” lực lượng dư luận viên trong nước lên các diễn đàn mạng xã hội cười cợt rằng một nước như Mỹ mà không sản xuất được khẩu trang và phải cần Trung Quốc hỗ trợ những thiết bị y tế căn bản.
Dĩ nhiên truyền thông Trung Quốc nói chung cũng lờ đi việc hồi tháng 2-2020, Mỹ đã gửi đến Vũ Hán 17 tấn hàng viện trợ. Đó là chưa kể số hàng trị giá 1,4 triệu USD mà Hiệp hội bóng rổ quốc gia Hoa Kỳ (NBA) tặng tỉnh Hồ Bắc cùng một thiết bị y tế hiện đại trị giá 285.000 USD dùng cho Bệnh viện thứ tư Vũ Hán (Vũ Hán thị đệ tứ y viện). Đó là chưa kể các tập đoàn khổng lồ của Mỹ như Microsoft, Dell, Boeing và L’Oreal cũng tặng tổ chức Hồng Thập Tự Trung Quốc và tỉnh Hồ Bắc 1,4 triệu USD bằng hiện vật lẫn hiện kim…
Tận dụng cơ hội và khai thác tối đa yếu tố thời điểm để chứng tỏ vị trí xứng đáng lãnh đạo thế giới là điều mà Bắc Kinh luôn khao khát và bằng mọi giá thực hiện. Một thế giới đang phân mảnh và rối ren đã giúp họ dễ dàng thủ đắc điều này. Một thế giới hỗn loạn với việc đối phó dịch bệnh trong nước dường như cũng dễ dàng quên đi nguồn gốc trận dịch đến từ đâu và sự bùng phát của nó là từ Bắc Kinh chứ không phải Vũ Hán, rằng tấm thảm kịch nhân loại đang hứng chịu là hậu quả từ chính sách bưng bít và dối trá của một đảng cai trị chứ không phải từ sai lầm riêng của một quốc gia./.