Chu Trong Hiep|
Liên tiếp nhiều công văn hướng dẫn của Bộ Y tế, sở Y tế làm các bác sĩ thêm quay cuồng trong cơn bão dịch bệnh vì đa phần các bác sĩ không xoay xở đủ khi chỉ lãnh lương ở bệnh viện, rồi những gia đình khi cả vợ lẫn chồng đều trong ngành Y, cả gia đình họ sẽ tất bật lo cho xã hội đôi khi bỏ bê cả gia đình nhỏ của mình!
Khi lệnh cấm xe khách liên tỉnh vào thành phố nhiều bệnh nhân của tôi trở nặng mà không biết xoay xở ra sao, nếu như đến bệnh viện địa phương thì các bác sĩ sẽ mất rất nhiều thời gian để nắm bắt được bệnh lý của người bệnh rồi thăm dò loại thuốc, liều thuốc, theo dõi tác dụng ngoại ý, rồi canh chỉnh liều rất mất thời gian, đôi khi không thành công do người bệnh không đủ kiên nhẫn !
Hôm trước, con một bệnh nhân ở Long An gọi điện " Bác ơi, má đi rồi! " Trước mắt tôi hiện ra một hình ảnh của một bà cụ gần 80 gầy gò, nông dân chính gốc Long An, bác K.T.B bị hở van hai lá nặng, rung nhĩ , suy tim độ III, bác uống rất nhiều thuốc từ hơn 10 năm nay, tuân thủ điều trị , vì khó khăn nên mỗi lần đi khám bác đi bằng xe đò, lên đến bến xe miền tây rồi bắt xe ôm qua phòng mạch, bữa giờ cấm xe khách, bác chịu trận ở nhà, cầm toa đi ra tiệm thuốc tây mua uống đỡ vài hôm thì sinh chuyện! Tim tôi đau thắt khi nghe con gái bác nói " Theo thuốc bác hơn 10 năm hổng sao, giờ uống có mấy liều thuốc bên ngoài mà má đi không kịp nói gì với tụi em ! "
" Bệnh tim nó vậy đó em, nhiều khi trong bệnh viện , khi bệnh nhân trở nặng, tụi anh cũng không thể làm gì được! "
Lệnh cách ly toàn xã hội đã được ban hành, điều này là sống còn khi chống dịch, nhưng sao tôi vẫn thấy xót xa cho những người bệnh tim mạch nghèo cần theo dõi ở một người thầy thuốc điều trị mình lâu năm, rồi họ sẽ ra sao khi không được điều chỉnh thuốc, rồi hậu quả là họ phải gánh khi dùng thuốc không phù hợp.
Khi làm việc ở Bệnh viện cũng vậy, rất lo khi bệnh nhân đến từ những vùng có dịch, chỉ sợ họ dương tính với SARS COVID 19 thì mình bị cách ly oan mạng, những y bác sĩ bị cách ly kéo theo hệ lụy rất lớn là nguồn nhân lực và uy tín của bệnh viện bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bệnh viện tư nhân với nguồn nhân lực vừa đủ, chỉ cần một người nghỉ làm là cả ê kíp phải gồng gánh, huống chi cả một khoa phòng bị cách ly thì mọi việc sẽ bị rối đến đâu!
Sáng đầu tuần đi làm, vào nhà xe thấy toàn là xe của nhân viên, xe của bệnh nhân và thân nhân rất ít, lượng bệnh nội trú và ngoại trú giảm. Khi lượng bệnh giảm sẽ ảnh hưởng mạnh đến tài chính, do nguồn thu giảm bệnh viện sẽ cắt giảm chi phí, tiết kiệm tối đa để không bị sụp, điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến nhân viên, đặc biệt là điều dưỡng và hộ lý, những người với thu nhập khiêm tốn, họ sẽ bị tổn thương đầu tiên mặc dù họ là những người tiếp cận với nguy cơ lây nhiễm cao nhất!
Ở Trung Quốc, Ý , Tây Ban Nha, Mỹ... không ít bác sĩ đã ra đi khi điều trị cho bệnh nhân nhiễm dịch viêm phổi, bởi vậy khi dịch lan tràn ở Việt Nam thì cánh bác sĩ vô cùng lo lắng, cầu mong dịch không lan rộng vì trang thiết bị của mình còn thiếu thốn, đội ngũ hồi sức cấp cứu còn rất mỏng, số nhân viên sử dụng thành thạo máy thở không nhiều, khi xảy ra dịch sẽ là lúc xảy ra nhiều sai sót khi bác sĩ không chuyên khoa phải điều trị trong phòng hồi sức tích cực và phải làm việc với máy thở, máy ECMO, máy lọc thận liên tục...
Bầu trời hôm nay thật xanh và trong!
Nhìn những người thân yêu xung quanh, những người bạn, đồng nghiệp, những người bệnh nhân sao mà yêu mọi người nhiều đến như vậy, dù sau này dịch bệnh có cướp một trong những chúng tôi đi cũng không cướp đi được tình yêu thương này, hy vọng tất cả rồi sẽ qua và mong mọi người được bình an.
Ngày cuối tháng 3, năm 2020
Bs Chu Trọng Hiệp