(Mùa đại dịch, không được đi đâu. Xin gửi các bạn một bài viết về "những người hùng trong bóng tối của tôi". Đọc cho qua thời gian).
Họ chấp nhận rũi ro trong âm thầm, hy sinh trong bóng tối, để mong góp phần mang lại ánh sáng tự do cho đất nước. Tôi muốn vinh danh họ, nên hồi tưởng viết lại vài mẩu chuyện. Để bảo vệ họ, tôi điều chỉnh một chút về nội dung, tên gọi, địa danh. Nhưng người trong cuộc biết rõ tôi muốn nói đến ai, những người hùng trong bóng tối của tôi.
NGƯỜI THỔI SÁO BÊN BỜ SÔNG XANH.
" Hoàng Sa Việt Nam", "Trường Sa Việt Nam". Tiếng hô lúc đầu còn lác đác, nhưng mỗi lúc một lớn hơn, dồn dập hơn.
"Chạy, chị Nghi. Công an tới rồi. Chạy !". Dương kéo tay Nghi, xuyên đám đông để thoát thân. Tiếng giày, tiếng còi của công an đuổi theo rền vang khu phố.
Hôm đó 29/4/2008, Việt Nam tổ chức rầm rộ lễ rước đuốc Olympic. Đuốc này sẽ về đến Bắc Kinh tháng 8, để thắp sáng Thế Vận Hội 2008. Dương và Nghi chưa hề quen nhau. Nhưng lòng yêu nước đã cột họ trong cùng số mệnh vào tối ngày 29/4/2008.
Tôi quen Dương trước đó 1 năm, trong một chuyến vượt biên để trở về. (Xem https://www.facebook.com/100000298997773/posts/3020659281287342/). Sau khi qua biên giới, tôi được đưa đến một quán cà phê, để chờ xe đi tiếp. 4 giờ sáng, quán không có ai, ngoài tôi và đám muỗi. Tôi bị tụi nó tấn công kịch liệt, vì mùi da lạ. Chợt màn được vén lên. Một người đàn bà bước ra hỏi "Anh uống gì ?". Vài phút sau, bà mang cà phê tới, cầm theo một cái quạt máy. Bà cắm điện và nói "Muỗi ở đây dữ lắm. Thấy ai lạ là tụi nó ăn hiếp. Để tôi mở quạt cho anh". Tôi vừa gãi, vừa lí nhí cám ơn.
Uống cà phê và nhìn quanh, tôi hỏi bà "Sao vách quán của bác có một lằn đen chạy dài chung quanh vậy ?". Bà cười nói "Đó là lằn nước, anh không biết sao ?". Khi bà giải thích tôi mới vỡ lẽ.
Đây là một cái cù lao. Mùa khô nước rút, cù lao rộng mênh mông. Trẻ con tha hồ đánh trỏng, đá banh trên mặt đất nứt nẻ trải dài từ khu trung tâm đến mé sông. Mùa nước lên, cù lao còn chút xíu. Lằn đen này là mực nước lên năm ngoái. Tôi ngạc nhiên hỏi "Nước lên cao vậy, bác buôn bán ra sao ?". "Nước lên tới đâu, thì mình kê ván tới đó". Bà chỉ cho tôi những cái nẹp nhiều tầng đã được đóng chung quanh vách.
Nghe bà giải thích, dân thành phố như tôi phục lăn. Sàn nhà từng bước được nâng cao khi nước lên. Việc sinh sống, buôn bán vẫn diễn ra như thường.
"Anh cứ uống cà phê. Lát nữa con tôi về, sẽ chở anh đi". Thì ra người sẽ đưa tôi đi tiếp là con bà chủ quán. 30 phút sau, có tiếng xe, rồi một cậu trẻ bước vào "Xin lỗi anh, em bị trễ phà". Bà chủ bước ra, tay cầm cà phê "Con uống cà phê lẹ lên, rồi đưa anh đi. Ở thêm một lát, muỗi tha ảnh đi mất".
Cậu trẻ chở tôi rời quán. Chạy vòng vòng một lúc để tránh các chốt công an biên phòng, chúng tôi ra đường lớn. Xe tăng tốc phóng nhanh trên đường, gió thổi phần phật bên tai. Một giờ sau, chúng tôi ngừng ở một quán "võng" bên đường. Hai anh em vừa lắc lư, vừa uống cà phê. Tôi hỏi "Anh là Bình, em tên gì để mình tiện xưng hô ?". "Em tên là Dương". Tôi hỏi lại cho rõ "Dương hay là Vương ?".
"Em là Dương, là đại dương, là biển đó ! Chứ không phải là Dương là Dua đâu". Tôi cười ha hả, vì cái "dọng" miền Nam "chính hiệu con cào cào" của Dương. Tôi cũng là dân miền Nam, nhưng lớn lên ở Sài Gòn và khi đi học, bạn bè toàn là dân Bắc 54, nên không đến nỗi không phân biệt được "dê" với "vê". Còn Dương, lớn lên trên sông nước miền Nam, đi học trường làng với đám bạn tắm sông hàng ngày, cô giáo cũng là dân "miệt vườn", nên đối với Dương, "Dương" hay "Vương" cũng giống nhau thôi.
Chúng tôi quen nhau từ đó. Nhà nghèo, Dương bỏ học phụ má kiếm tiền lo hai em. Dương làm đủ nghề. Khuân vác, phụ lơ, xe ôm,... Dương lanh lẹ, rành đường, nên thỉnh thoảng được thuê chở người, trong các dịch vụ qua biên giới. Dương sôi nổi, nhiệt thành và yêu nước. Khi đó, vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, Ải Nam Quan, Vịnh Bắc Bộ nổ ra, được dư luận chú ý. Dương thường bày tỏ sự bực mình, có lúc buột miệng "Đ.M. tụi TQ", rồi bụm miệng nhìn tôi cười, xin lỗi.
Không bao lâu, tôi được tin Dương bỏ quê, lên Sài Gòn kiếm sống. Dương chạy xe ôm và làm phụ bếp nhà hàng. Trong một chuyến trở về, Dương đưa tôi đi ăn, rồi hóng mát bên Bờ Sông Xanh.
Hôm đó trăng sáng. Dương lấy ra một cây sáo tre. Tôi vô cùng ngạc nhiên, không ngờ Dương biết thổi sáo và thổi rất hay. Dương thổi bài "Lòng Mẹ". Tiếng sáo là đà trên mặt sông lóng lánh ánh trăng. Tiếng sáo bay bay lên ngọn dừa rung rinh trong gió. Tôi nhắm mắt lại. Hình ảnh mẹ tôi hiện về trong tâm thức.
Tôi "vắt chanh" tài thổi sáo của Dương, yêu cầu hết bản này, đến bản khác. Cho tới khi miệng của Dương cứng đơ, không thổi nổi, tôi mới chịu buông tha. Đó là lần duy nhất trong đời, tôi được thưởng thức tiếng sáo tre tuyệt vời, bên bờ sông Sài Gòn.
Dương trở thành "xe ôm riêng" của tôi trong một thời gian, cho đến khi vụ rước đuốc Olympic diễn ra tại Sài Gòn. Dương gọi tôi "mình phải làm gì chứ anh ? Tụi nó ăn hiếp mình quá, bây giờ còn bày đặt rước đuốc, rước điết nữa.".
Để phản đối Bắc Kinh chà đạp nhân quyền, Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF – Reporters Sans Frontières) làm một mẫu áo biến những chiếc vòng biểu tượng olympic thành 5 cái còng tay. Mẫu áo đó là đồ "quốc cấm" ở Việt Nam.
10 ngày trước khi rước đuốc, công an bắt anh blogger Điếu Cày, vì trước đó nhiều lần anh mặc áo 5 còng biểu tình phản đối Trung Quốc. Không khí khủng bố bao trùm Sài Gòn vào cuối tháng 4/2008. Công an được lệnh bắt tất cả những ai mặc áo 5 còng vào ngày rước đuốc olympic.
Nhiều anh em phẫn nộ về vụ anh Điếu Cày bị bắt. Chúng tôi quyết định lên kế hoạch phản đối trong ngày rước đuốc Olympic. Kế hoạch này được sự hưởng ứng của một số sinh viên và công nhân. Anh em từ nước ngoài cũng về tham gia. Nghi từ Paris về, mang theo áo 5 còng chính hiệu của RSF tặng.
Tôi sắp xếp Dương và Nghi gặp nhau. Hai chị em đi khắp Sài Gòn, chụp hình với chiếc áo 5 còng trên người. Sau này, hình ảnh Nghi với áo 5 còng trên đường phố Sài Gòn được phổ biến rộng rãi trên mạng.
Chiều 29/4, Dương chở Nghi đến một điểm hẹn. Đó là một ngôi chùa giữa trung tâm Sài Gòn . Tại đây, Dương và Nghi gặp thêm một số anh em khác.
Sau khi bàn bạc, anh em chia nhóm ra để tham dự các sinh hoạt khác nhau ở Sài Gòn. Để phô trương thanh thế, Bắc Kinh đưa sang Sài Gòn nhiều đoàn nghệ sĩ, vận động viên, tổ chức nhiều sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật ở khắp đường phố. Không khí nhộn nhịp như ngày Tết. Sài Gòn gần như biến thành một thành phố của Trung Quốc !
Khoảng 20g, trên đường Thống Nhất, một lực sĩ cầm đuốc Olympic chạy trước. Một rừng người chạy theo. Hai bên đường, người xem như kiến, tiếng vỗ tay vang trời.
Bổng có ai đó hô "Hoàng Sa". Vài người trả lời "Việt Nam". Lại có tiếng hô "Trường Sa". Tiếng trả lời lớn hơn, đông hơn "Việt Nam". Người hô, người trả lời mỗi lúc một nhiều hơn, dồn dập hơn. Nhưng không đầy 1 phút, có tiếng giày, tiếng còi đang rẽ đám đông chạy tới. "Công an, công an". Mọi người báo động cho nhau. Tiếng hô tắt ngúm. Đám đông hổn loạn, mạnh ai nấy chạy.
Dương kéo tay Nghi chạy và trấn an "Chị đừng lo, theo em". Hai chị em cắt được đuôi, chạy đến một công viên khá vắng. lác đác vài người đang ngồi chơi trên ghế đá. Hai chị em đi chậm lại. "mình thoát rồi, chị ngồi đây nghĩ mệt một chút". Cả hai ngồi xuống, thở dốc, những phút căng thẳng coi như đã qua.
Hai thanh niên ngồi đối diện đứng lên, thả bộ rời khỏi công viên. Khi đi ngang qua, chợt họ nhảy xô tới chụp lấy Nghi. Dương phản ứng rất nhanh, đứng bật dậy, lao tới đánh đá liên tục, để cố giải vây cho Nghi."chạy đi, chị chạy đi". Dương vừa la, vừa cố kéo hai người này, để Nghi có cơ hội thoát thân.
Nhưng quá muộn. Công an chìm nổi ập tới đè cả hai xuống đất. "Đ.M. mày ngon hả? Dám chống cự hả?". Hai thanh niên và đám công an đánh đá liên tục vào đầu, vào hông của Dương. Nghi khóc la "Đừng đánh nữa, đừng đánh nữa".
Chiều 30 tháng 4, Nghi bị giải ra phi trường và trục xuất về Pháp. Xe công an chở Nghi đi qua các đường phố quen thuộc, mà mới hôm qua, còn đứng đây với Dương. Mới hôm qua, ở ngã tư này, áo 5 còng trên người, Nghi hồi hộp chờ Dương chụp hình xong, rồi nhảy lên xe, chạy đi nơi khác. Thấy Nghi lo lắng, Dương nói đùa để trấn an "Chị dân tây, em dân ta. Chị bị chộp, nó giam vài ngày, rồi ra phi trường về tây. Khỏe re. Còn em mà bị chộp, thì đời tàn trong ngõ hẹp".
Bổng Dương cất tiếng hát "Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ. Tuổi ấu thơ đã mang nhiều âu lo"... Ca xong, nó nhe răng cười hỏi Nghi "Em làm ca sĩ được không?".
Câu "em mà bị thì đời tàn trong ngõ hẹp" ám ảnh Nghi suốt nhiều tháng, khi về đến Pháp. Lần nào gặp tôi hỏi thăm tin tức, Nghi cũng khóc, khi thấy tôi lắc đầu. Không ai có tin tức gì về Dương, kể cả má của Dương. Tôi buồn vô hạn, đoán Dương "lành ít, dữ nhiều".
***
Hai năm sau, tháng 4 năm 2010. skype của tôi bỗng hiện một tin nhắn lạ "Người thổi sáo bên Bờ Sông Xanh đây, anh Bình có đó không ?". Tim tôi đập rộn ràng. Vì tôi tin chắc đó là Dương. Không ai biết chúng tôi đã có những giây phút tuyệt vời bên bờ sông ngày nào.
Tôi gọi skype ngay và nhận ra giọng miền Nam "chính hiệu con cào cào" của Dương "Em là Dương, là đại dương đây".
Dương bình an ! Những chuyện khác đối với tôi, không còn quan trọng nữa.
Tháng 4/2020,
Nguyễn Ngọc Đức.