“Xuất khẩu” coronavirus từ nước mình và tiếp tục khiến thế giới thất điên bát đảo, Bắc Kinh đang biến trận đại dịch thành chiến lược ngoại giao tấn công nhiều nước. Đối phó cúm Vũ Hán xem ra còn dễ hơn so với việc phòng thủ trước cuộc tấn công vào cơ thể chính trị các quốc gia mà Trung Quốc đang thực hiện, đặc biệt với châu Âu.
Một mặt tuyên truyền dịch bệnh đã được khống chế trong nước, Bắc Kinh, mặt khác, đang ra sức đẩy mạnh chiến dịch khuyếch đại hình ảnh “hào hiệp” của mình. Nhiều nước châu Âu, trong khi tiếp tục oằn mình với cúm Vũ Hán, giờ nhiễm thêm trận cúm khác bởi “virus Bắc Kinh”. Ý là quốc gia bị nhiễm nặng nhất cả hai loại virus. Bất luận gần đây Trung Quốc tung chiến dịch tin giả rằng coronavirus xuất phát từ Ý, Chính phủ Ý vẫn tin Trung Quốc hết mực.
Với Ý, Trung Quốc đã “thả” “con virus chính trị” vào đúng đối tượng cần nhắm đến: đảng Phong trào Năm sao (Five Star Movement). Hiện nằm trong liên minh chính phủ cầm quyền, đảng này có khuynh hướng nghi ngờ châu Âu (Euroskeptic) cùng lúc ủng hộ Trung Quốc. Họ kêu gọi thắt chặt bang giao Rome-Bắc Kinh trong khi làm nhẹ quan hệ truyền thống liên Đại Tây Dương. Chẳng phải tự nhiên mà năm ngoái, Ý là nước G-7 đầu tiên gia nhập Sáng kiến Vành Đai-Con đường của Trung Quốc. Ý là trường hợp điển hình cho thấy một bệnh nhân có “sức đề kháng chính trị” yếu sẽ dễ bị tấn công như thế nào.
Thủ tướng Hungaria Viktor Orban đã đích thân ra phi trường đón chuyến bay chở gần 70 tấn thiết bị y tế từ Trung Quốc. Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic thậm chí hôn cờ Trung Quốc khi giang tay chào đón nhóm bác sĩ Trung Quốc hạ cánh ở Belgrade. Cách hành xử một số nhân vật chính trị châu Âu không “bình thường” đến mức, Lucrezia Poggetti, nhà phân tích thuộc Viện nghiên cứu Mercator chuyên về Trung Quốc học, nhận xét rằng “có những kẻ ngu ngốc hữu dụng đang tiếp sức cho chính sách tuyên truyền Trung Quốc”, rằng những người như (ngoại trưởng Ý) Luigi di Maio “vừa không nhận thức được điều mình làm, vừa nhằm cố kiếm phiếu cho đảng Phong trào Năm sao”.
“Nghĩa cử” của Trung Quốc luôn được cân nhắc và thực hiện bằng lợi ích chính trị lẫn mức độ “tín nhiệm” trong bang giao. Không ngạc nhiên chút nào khi Thụy Điển không được Trung Quốc “giúp”. Thụy Điển từng khiến Bắc Kinh nổi giận khi trao giải Tucholsky cho nhà bất đồng chính kiến Quế Mẫn Hải (Gui Minhai); và quan hệ hai nước cũng căng thẳng cách đây không lâu khi đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển, Quế Tòng Hữu (Gui Congyou), chỉ trích Chính phủ Thụy Điển nặng đến mức cả ba đảng chính trị tại nước này đòi tống cổ họ Quế ra khỏi quốc gia họ.
Trong vài trường hợp, “nghĩa cử” được thể hiện sao cho có thể thấy được “dấu ấn” Trung Quốc. Dù có thể chuyển nhanh lô hàng cho Tây Ban Nha bằng máy bay, nơi đang bị nhiễm dịch bệnh nặng nhất châu Âu nếu không kể Ý, Bắc Kinh vẫn chở bằng đường hỏa xa, đi theo tuyến xe lửa Vành đai-Con đường. Một hành trình mất đến 17 ngày. Thế nhưng, Đài Trung Quốc CGTN vẫn tự hào viết, lô hàng từ thiện trên có giá đến… 49.325 USD!
Trong khi đó, hàng mà Trung Quốc bán thì lại là hàng lỗi. Trong số hàng y tế trị giá khoảng 473 triệu USD mà Tây Ban Nha mua từ Trung Quốc, có các bộ thử bị lỗi không dùng được; tương tự phân nửa trong 1,3 triệu khẩu trang mà Hà Lan cũng mua từ tay gian thương này. Còn nữa, sự hào phóng của tập đoàn Hoa Vi (Huawei) khi tặng Hà Lan 800.000 khẩu trang chẳng xuất phát từ sự tử tế gì cả. Tháng 6-2020, Hà Lan sẽ tổ chức đấu thầu nhà cung cấp mạng điện thoại 5G. Với Hy Lạp, nơi Trung Quốc tặng 500.000 khẩu trang, có thể hiểu đó là sự “đáp trả” cho thái độ công khai ủng hộ Bắc Kinh từ nhiều năm qua của nước này.
Trung Quốc, trong thực tế, đã từng bước “tách” châu Âu bằng cái gọi là tổ chức Sáng kiến hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Trung Âu và Đông Âu. Chiến lược ngoại giao vĩ mô của Trung Quốc là phá vỡ sự đoàn kết của các tổ chức thế giới đồng thời khai thác tối đa sự mất đoàn kết nếu có. Đó là cách Trung Quốc làm ở châu Á (với khối ASEAN) cũng như ở châu Âu (với khối EU và thậm chí NATO). Không phải đợi đến trận đại dịch người ta mới thấy tình trạng ngày càng lỏng lẻo của các tổ chức như vậy – một thực tế mà có lẽ nhiều người dân thường đều có thể nhận ra. Foreign Policy (25-3-2020) cho biết, chỉ 1/5 người Ý hiện tin rằng tư cách thành viên EU là có ích cho quốc gia họ; trong khi 2/3 nói rằng điều đó chỉ mang lại bất lợi. Nếu có một cuộc thăm dò tại các nước thành viên ASEAN, e rằng người dân không ít quốc gia ASEAN hẳn có nhận định tương tự.
Dù vậy, vấn đề không hẳn chỉ nằm ở yếu tố gắn kết giữa các thành viên trong một tổ chức. Nó nằm ở sức mạnh đề kháng của từng quốc gia trước sự đe dọa hoặc tấn công của virus Bắc Kinh. Làm thế nào để tạo ra hệ miễn dịch đủ mạnh và luôn có sẵn vaccine đối phó cuộc tấn công của virus Bắc Kinh có lẽ là điều quan trọng hàng đầu. Để được như vậy, điều kiện tối thiểu hẳn là “cơ thể” chính trị quốc gia phải được đặt trong tay những người lãnh đạo không để lợi ích đảng phái chi phối lợi ích quốc gia. Nó nhất thiết không thể nằm trong tay những kẻ “ngu ngốc hữu dụng” luôn hèn nhược trước Trung Quốc./.