Lịch sử nước ta bắt đầu từ bao giờ ?

Hoàng Cơ Định|

Lịch sử của một quốc gia hay một dân tộc cũng như lý lịch của một con người, điều quan trọng nhất là phải trung thực, không thể nêu lên những chi tiết huyễn hoặc, hoang đường rồi tự nhận đó là lý lịch, là lịch sử, để tự đề cao hay hãnh diện. Con số 4 ngàn năm văn hiến mà người Việt vẫn quen tự nhận là điều cần phải được làm sáng tỏ vì trong số 4 ngàn năm này, có 2 ngàn năm đầu rất mù mờ, hoang đường và vô lý. Nếu chúng ta tự lừa dối để nhận bừa các sự tích hoang đường là khởi đầu của Việt sử thì có khác gì đồng lõa với việc bịa đặt các sự kiện ngày hôm nay để dối gạt các thế hệ sau này. Kết luận là người Việt cần dứt khoát không kể tới giai đoạn mấy ngàn năm, thường được gọi là Huyền Sử, vẫn được coi là khởi đầu của Việt sử.

Các sách Việt sử khi chép lại đoạn huyền sử này đều ghi rõ đó chỉ là những truyền tụng hoang đường, không minh danh ai là tác giả, không căn cứ vào bất cứ một chứng tích nào, nhưng vẫn cứ coi đó là bắt đầu của Việt sử, và tiếp tục duy trì một số chuyện vô lý, không có thật là nguồn cội của dân tộc chúng ta.

Trong tư duy của nhân loại văn minh, cần dẹp bỏ những niềm hãnh diện mơ hồ như "Con Rồng Cháu Tiên", 4.000 năm văn hiến để đón nhận Việt sử qua các chi tiết được ghi nhận rõ rệt với các chứng tích cụ thể lưu lại trên lãnh thổ nước ta. Đồng bào ta sẽ có nhiều người cảm thấy một niềm mất mát, nhưng xét cho cùng chúng ta chỉ mất những gì chúng ta chưa hề có. Nay, bảo vệ một di sản từ thời Vua Hùng dựng Nước cho xứng đáng cũng đã là một sứ mạng lịch sử vô cùng nặng nề và quan trọng.

Lịch sử Việt Nam chỉ thực sự khởi đâu vào thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên với 15 bộ tộc tại thung lũng sông Hông được Quốc Tổ Hùng Vương tập hợp lại, lập nên nước Văn Lang. Đây là chi tiết đã được ghi lại trong cuốn Việt sử đầu tiên dưới thời nhà Trần vào thế kỷ 13 có tên là Đại Việt Sử Lược. Không nên tiếp tục thụ động chấp nhận điều gọi là truyền thuyết vô lý và hoang đường về Họ Hồng Bàng, cho là Hùng Vương là cháu sáu đời của một ông vua Tàu, đã được cho sang làm vua nước Văn Lang.

Sau đây, xin đề cập lại nội dung câu chuyện về Họ Hồng Bàng để cùng thấy rõ các chi tiết phi lý phản khoa học và không có gì đáng hãnh diện để gắn vào lịch sử nước ta. Câu chuyện Họ Hồng Bàng chỉ giúp cho những ai muốn chứng minh rằng nước Việt vốn dĩ chỉ là một phần của nước Tàu.

TRUYỀN THUYẾT về HỌ HỒNG BÀNG

Theo truyền thuyết này thì có một vị vua Tàu tên là Đế Minh, khi đi tuần thú phương Nam đã gặp một Nàng Tiên và có một người con với bà Tiên, đặt tên là Lộc Tục. Vua Đế Minh vốn dĩ đã có một hoàng tử tên là Đế Nghi, nên đã chia nước làm hai phần, truyền ngôi cho Đế Nghi làm vua phương Bắc và Lộc Tục làm vua tại phương Nam, lãnh thổ này có tên là nước Xích Quỷ. Vua Đế Nghi có con là Đế Lai và vua Lộc Tục có con là Sùng Lãm.
Từ Đế Minh tới Sùng Lãm là một chuỗi chuyện bất thường và huyễn hoặc.

Tạm chấp nhận chi tiết vua Đế Minh kết duyên được với một Nàng Tiên, hay một người đàn bà đẹp như Tiên. Qua tới Lộc Tục, còn được gọi là Kinh Dương Vương thi ngài đã xuống được dưới đáy biển để lấy con gái vua Thủy Tề và sanh ra Sùng Lãm, thi đây thật là chuyện hoang đường. Vì chúa tể dưới biển thì phải là Rồng nên Sùng lãm tự cho mình có nguồn gốc Rồng, khi lên ngôi vua ngài lấy hiệu là Lạc Long Quân.

Qua tới Lạc Long Quân, chuyện hoang đường đã được nâng cấp thêm nhiều bậc. Huyền sử kể là Lạc Long Quân có tài biến hóa thành người khác. Trong khi ngài vắng mặt thì vua Đế Lai (anh con chú con bác với Lạc Long Quân) chiếm nước Xích Quỷ. Trở về ngài lấy lại nước và lấy luôn bà Âu Cơ, con gái của vua Đế Lai, làm vợ. Như vậy là Lạc Long Quân đã lấy người cháu kêu bằng chú, con của ông anh cùng họ. Lạc Long Quân và Âu Cơ đã sinh được 100 con trong một cái bọc, thế là thêm 1 chuyện hoang đường nữa. Nhưng chuyện vô lý nhất là khi Lạc Long Quân không muốn tiếp tục chung sống với bà Âu Cơ, ngài lấy cớ là dòng giống Rồng, bảo bà Âu Cơ là dòng dõi Tiên nên không thể chung sống, chia đôi 100 người con, 50 theo cha xuống biển và 50 theo mẹ lên núi.

Nếu Lạc Long Quân tự nhận là dòng giống Rồng thì cũng tạm được vì thân mẫu của ngài là con của vua Thủy Tề, nhưng bảo Âu Cơ là dòng dõi Tiên thì không đúng.

Bà Âu Cơ là con vua Đế Lai, cháu nội vua Đế Nghi. Vua Đế Nghi là vị hoàng tử trần tục của vua Đế Minh, trước khi vua Đế Minh đi tuần thú phương Nam. Nếu quả thật bà thứ phi xinh đẹp của vua Đế Minh là một nàng Tiên thì chỉ có Kinh Dương Vương là 1/2 Tiên và Lạc Long Quân là 1/4 Tiên. Lạc Long Quân yêu cầu Âu Cơ đưa 50 con lên núi vi bà là dòng dõi Tiên là điều không hợp lý và bất công.

Điều vô lý sau chót trong câu chuyện Họ Hồng Bàng là sự việc Lạc Long Quân đã cho người con cả là Hùng Vương sang làm vua nước Văn Lang. Ta tự hỏi trong số 100 con từ cùng một bọc, ai sẽ là "con cả", và trong 2 nhóm 50 con lên núi, 50 con xuống biển, nhóm nào ... thiếu một người ? Chưa kể trong các di tích về Hùng Vương tuyệt đối không có di tích nào liên hệ tới 99 vị hoàng tử anh em cùng một bọc. Di tích về Hùng Vương có ghi lại là Quốc Tổ của người Lạc Việt lên ngôi vào khoảng năm 700 Trước Công Nguyên trong khi câu chuyện về Kinh Dương Vương xẩy ra vào năm 2879 Trước Công Nguyên, một khoảng cách thời gian hơn 2000 năm về trước.

Về cốt lõi, câu chuyện về Họ Hồng Bàng cho thấy nước Văn Lang chỉ là một chư hầu của Tàu và vua Tàu đã cho con cháu qua cai trị nước này. Như vậy liệu câu chuyện huyền sử Họ Hồng Bàng có thể nào là điều chắp nhặt truyền miệng từ mấy ngàn năm hay chỉ là câu chuyện do quan Tàu đặt ra để dễ dàng cai trị người Việt trong thời nước ta bị Bắc thuộc.

Điều cần lưu ý là bộ Việt sử đầu tiên của nước ta soạn dưới thời nhà Trần vào thế kỷ 13 không ghi phần về Họ Hồng Bàng, đoạn huyền sử này chỉ được thêm vào trong bộ Việt sử soạn ra vào thế kỷ 15, sau thời kỳ nước ta bị Bắc thuộc lần thứ 4 bởi nhà Minh. Trong giai đoạn Bắc thuộc này, Minh triều đã triệt để thi hành chủ trương đồng hóa người Việt bằng nhiều thủ đoạn, tàn độc hơn cả ngăn cấm mọi phong tục, bắt dân chúng phục sức như người Tàu và thiêu hủy mọi sách vở, chữ viết của người Việt. Vì vậy có nhiều xác suất truyền thuyết về Họ Hồng Bàng đã được tạo dựng ra trong giai đoạn này và người Việt đã chấp nhận câu chuyện vô lý hoang đường "Họ Hồng Bàng" là phần mở đầu của Việt sử.

Vì sự trung thực là yếu tố quan trọng nhất của lịch sử, người Việt không nên tiếp tục nhận sằng những truyền thuyết hoang đường để có niềm kiêu hãnh vu vơ như "Dòng dõi Con Rồng Cháu Tiên", hoặc thêm vào lịch sử dân tộc một đoạn trống 2000 năm để tăng thêm bề dài ... văn hiến.

Tổ tiên chúng ta đã để lại không thiếu gi những trang sử oai hùng để con cháu hãnh diện va noi gương, không nên tiếp tục dùng câu chuyện hoang đường Họ Hồng Bàng để mở đầu cho Việt sử. Lịch sử Việt Nam chỉ thực sự khởi đầu vào thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên với 15 bộ tộc tại thung lũng sông Hồng được Quốc Tổ Hùng Vương tập hợp lại, lập nên nước Văn Lang.  
 
Hoàng Cơ Định
Nhân ngày kỷ niệm Quốc Tổ 10 tháng 3 Âm Lịch (Ngày Dương Lịch năm nay là: 2/4/2020)