Luân Lê|
Nếu quan chức hay cán bộ nào cũng biết liêm sỷ, trước sai phạm biết nhận lỗi và cúi đầu xin lỗi người mình đại diện cho (nhân dân), mà không tỏ ra trịch thượng hoặc cố tìm lý do kiểu buôn chổi đót hay chạy xe ôm mà có biệt thự hoặc tài sản khổng lồ so với thu nhập của mình, thì hẳn đất nước mới hy vọng có chút tương lai sáng sủa.
Vừa rồi, dân mạng cũng đưa lên bảng điểm của Phó chủ tịch quận vừa nhận chức, con của cựu Chủ tịch nước, tôi cũng không lấy gì làm bất ngờ bới bảng điểm dưới trung bình của anh ta.
Vì đơn giản, có hai lý do: đầu tiên, trong nền giáo dục này thì giáo sư hay tiến sỹ còn chứa bã đậu trong đầu, mua bán được thì nói gì tới mấy kết quả đại học hay phổ thông; thứ hai là trong nền chính trị này, những bảng điểm dù cao hay thấp, không có nghĩa lý gì khi nó không phải là thứ có giá trị. Một cô gội đầu vào văn phòng tỉnh uỷ hay một cô chân dài thăng chức chóng mặt vào Sở xây dựng hay một anh lái xe lên Chủ tịch Hội đồng khoa học một Bộ, thì một anh học hành lẹt đẹt mà lên Phó chủ tịch quận không phải là điều gì đặc biệt.
Con cháu các cựu quan chức đứng đầu Đảng hay Nhà nước chẳng phải vẫn đang đảm nhận những chức vụ cao cấp trong bộ máy hay sao. Có những tỉnh thành mà cả họ làm quan trong cả thập kỷ mà chẳng ai nhòm ngó tới. Nó cũng là một biểu hiện của những vấn đề của thể chế chính trị do độc quyền quyền lực mà nên.
Những dù gì, đây vẫn là vị đại biểu đầu tiên, sau một quan chức hành pháp là Phó chủ tịch quận, có đơn xin từ chức vì những việc đã làm hoặc không thể làm được. Điều này đáng hoan nghênh, nhưng chỉ là một hành động đơn lẻ và nó chỉ khiến dư luận được chút an ủi, vì không ai trong số dân chúng có thể tác động gì được vào vấn đề tổ chức nhân sự mà Đảng cộng sản nắm toàn quyền quyết định cả.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, hoàn toàn có thể hiểu được, với sức ép của dư luận trong việc đòi hỏi ông ta phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chống người thi hành công vụ và chống lại chính sách phòng, chống dịch đang được thiết chặt trên toàn quốc, nên ông ta lựa chọn điều mà ông ta có thể và cũng khiến ông ta có cơ hội tránh được khả năng bị khởi tố, nếu áp dụng đúng như với hai người dân đã vừa bị xét xử (tới 09 tháng và 12 tháng tù giam về cùng hành vi với ông ta).
Dù gì, ông ta cũng đã dùng đến liêm sỷ để cúi đầu nhận lỗi trước nhân dân, cũng là một tín hiệu đáng mừng.
*****
YÊU CẦU KHỞI TỐ NGAY PHÓ CHỦ TỊCH HUYỆN CHỐNG ĐỐI KIỂM TRA COVID-19
Mạng xã hội đang lan truyền video ông Lưu Văn Thanh, Phó Chủ tịch HĐND huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, chống đối việc đo thân nhiệt tại một chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19.
Theo nội dung trong video, ông Thanh cự cãi với các nhân viên trạm kiểm sát quân sự kiểm dịch. Khi được giải thích chốt kiểm soát có quyết định thành lập của cơ quan chức năng, ông Thanh vẫn không chấp hành, thậm chí còn bức xúc tới mức đập tay xuống bàn làm việc.
Hành động chống đối của vị Phó Chủ Tịch huyện đã gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Vào thời điểm dịch COVID-19 đang lây lan nhanh, đáng lẽ ông Thanh phải gương mẫu chấp hành việc phòng chống dịch.
Trước sức ép của dư luận và truyền thông, tối 12 Tháng Tư, 2020, Tỉnh ủy Bình Phước đã quyết định “tạm đình chỉ công tác” đối với ông Thanh. Tuy nhiên, dường như chưa làm yên lòng dư luận.
Trước đó, ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra chỉ thị yêu cầu cả nước phải “xử lý nghiêm, kể cả xử lý hình sự” các trường hợp “trốn tránh, chống đối” các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Hôm 4 Tháng Tư, một người đàn ông ở tỉnh Quảng Ninh cũng chống đối một tổ kiểm soát COVID-19, tuy nhiên đến ngày 10 Tháng Tư, người này đã bị tòa án địa phương xét xử, kết án 9 tháng tù. Tương tự, hai người ở tỉnh Bắc Ninh có hành vi chống đối các chốt kiểm soát COVID-19, nhưng chỉ 2 ngày sau họ đã bị khởi tố.
Như vậy, trong khi cùng hành vi vi phạm, dân thì bị khởi tố, phạt tù còn quan chức mới chỉ bị kiểm điểm và đình chỉ chức vụ. Phải chăng, luật pháp chỉ dành cho dân thường, còn các quan chức cộng sản thì nghiễm nhiên được hưởng đặc quyền, đặc lợi?
Yêu cầu cơ quan công an tỉnh Bình Phước cần khởi tố ngay ông Lưu Văn Thanh!
Ngô Đồng