Đôi điều về vụ án thầy Nguyễn Năng Tỉnh

Với kết quả y án sơ thẩm, vụ án xét xử thầy Nguyễn Năng Tĩnh đã khép lại với mức án kỷ lục đối với một tội danh “vạ miệng”, thường được gọi tắt là “Tội tuyên truyền chống Nhà nước” : 11 năm tù giam, 05 năm quản chế sau khi mãn hạn tù và 05 năm cấm đảm nhiệm vào các chức vụ dân cử, chính quyền và lực lượng vũ trang.

Như nhiều vụ án hình sự phúc thẩm thông thường khác đã từng diễn ra trên xứ sở này, phiên tòa xét xử thân phận pháp lý một con người diễn ra chóng vánh, chỉ khoảng hơn hai tiếng đồng hồ để tái khẳng định mức hình phạt dài dằng dặc đến hơn cả chục năm tù.

Trao đổi với các luật sư, thầy Tĩnh cho biết đã tuyệt thực 46 ngày, từ ngày 03/03 đến ngày 17/04 để yêu cầu được thực hiện các quyền về tín ngưỡng, bao gồm cả việc yêu cầu gặp một linh mục công giáo. Nhưng đã không được chấp nhận. Thầy sẽ tiếp tục tuyệt thực sau phiên tòa phúc thẩm.

Trong phiên tòa xét xử mình, thầy Tĩnh đã có đến hai lời nói cuối. Một theo quy định, trước khi hội đồng xét xử vào nghị án, thầy khẳng định : “Tôi vô tội”. Và một, từ sự phẫn uất sau khi nghe dứt lời tuyên án : “Một lũ bất nhân tạo ra một phiên tòa bất nhân”. Dĩ nhiên, cả phiên tòa, từng thành viên hội đồng xét xử, công tố viên, các nhân viên an ninh và chúng tôi … phải “nuốt” trọn lời nói cuối đó của thầy trong câm lặng.

Tuy không ngạc nhiên về kết quả vụ án, nhưng rời phiên tòa, chúng tôi vẫn thấy lòng mình trĩu nặng về mức hình phạt quá hà khắc cho một công dân lương thiện, người thầy giáo mực thước vốn chỉ mong muốn điều tốt lành cho dân tộc, sự hùng cường cho xứ sở.

Tạm biệt vội ông bà thân sinh của thầy và cả vị linh mục đang an ủi cho con chiên, tôi và LS.Nguyễn Văn Miếng sắp hành lý lên xe để rời Vinh. Rời nơi mà "ai đó" đã rất quan tâm đến sinh mạng của chúng tôi khi "ân cần" gởi lời nhắn tin từ ngay trước phiên xử : “Bọn mày là luật sư cho thằng Tĩnh à. Bọn mày xuống Nghi Phú, Yên Đại đây ông giết”[1], để lại xuôi dọc con đường quốc lộ dài 1.500km về Sài Gòn trong tâm trạng ngổn ngang.

Về ngang dòng sông Bến Hải, nơi còn lưu giữ chiếc cầu Hiền Lương, biểu tượng chia cắt với hai màu sơn khác nhau. Với thế giới, chiếc cầu chỉ là một vạch vĩ tuyến 17 để đáp ứng toan tính chính trị, nhưng với dân tộc này, đã là một sự chia cắt lòng người, không chỉ 20 năm nội chiến mà đến tận 45 năm sau thống nhất, cho dù chiếc cầu đã nối lại, nhưng lòng người vẫn chưa hề thống nhất. Đến mức, chỉ để yêu nước, mà sao vẫn quá khó khăn để thể hiện nếu khác chính kiến với chế độ …

Chuyến đi khứ hồi dài 3.000 km của một tay lái không chuyên, di chuyển qua 14 tỉnh thành, trong suốt gần một tuần lễ của những ngày giãn cách xã hội đã kết thúc an toàn vào lúc nửa đêm ngày 22/04. Tất cả, là nhờ vào lời chúc lành, cầu nguyện lặng lẽ của các linh mục, sư thầy, nhiều anh chị em quan tâm và cả lời cầu nguyện của chúng tôi khi dự lễ trực tuyến lúc xe đang băng ngang Khu kinh tế Vũng Ánh, thuộc thị trấn Kỳ Anh, Hà Tĩnh …

Cảm ơn tất cả và xin chúc lành cho nhau và nhất là cho thầy Tĩnh, người tù nhân lương thiện !

Sài Gòn, ngày 24/04/2020
Đặng Đình Mạnh, luật sư thực thụ
-------//-------
P/s : Chúng tôi sẽ sớm có ý kiến phân tích về một số điểm pháp lý về vụ án để làm cơ sở yêu cầu xem xét giám đốc thẩm vụ án

[1] Nghi Phú, Yên Đại là nơi có khách sạn mà các luật sư thường lưu trú khi công tác ở Vinh