Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân|
Là thường trực Ban Bí Thư, ông Trần Quốc Vượng thay thế ông Nguyễn Phú Trọng giải quyết những công việc hàng ngày; trong trách vụ như vậy, ông Vượng đã ký khá nhiều chỉ thị mang nội dung “giật lùi” của những chính sách cách nay 20 năm.
Người ta còn nhớ cách đây không bao lâu, ông Vượng đã ký chỉ thị đẩy mạnh kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã làm dư luận quá ngạc nhiên, vì tính cách phản tiến hoá của nó trong đời sống kinh tế. Khoảng một tuần sau, ông Vượng ký tiếp chỉ thị thúc đẩy cán bộ và người dân tích cực mua báo đảng và đọc báo đảng, một điều mà ngay chính những tờ báo đảng mang theo cái đuôi “nhân dân” như báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân cũng không dám tin.
Không dừng lại ở đó, ngày 16 tháng Tư, 2020 vừa qua ông Vượng lại cho ra đời chỉ thị mang số 44, chỉ đạo các cấp uỷ đảng, bộ máy chính quyền, các cơ quan Mặt Trận Tổ Quốc về việc phải đổi mới, nâng cao chất lượng và nghiên cứu, học tập sách lý luận, sách chính trị. Ông cũng phê phán loại sách lý luận, chính trị còn ít, không có giá trị cao về lý luận và thực tiễn đời sống. Mặt khác đội ngũ nghiên cứu lý luận còn thiếu chuyên gia có trình độ cao về chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh để có thể biên soạn sách chính trị thật nhiều.
Ý của ông Vượng là các loại sách báo về lý luận, chính trị hiện nay còn quá nghèo nàn, thiếu lý luận sắc bén, viết nhảm nhí. Đó là lý do khiến đảng viên và quần chúng không mua, không đọc và sách bị ế hàng. Có thật như thế không?
Nói một cách tổng quát, ở Việt Nam tất cả các loại sách báo hay những bài viết lôi cuốn được nhiều người đọc, không do có lý luận chính trị Mác-Lê hay không. Độc giả chỉ chú trọng đến phần nội dung của quyển sách hay bài viết phục vụ gì, có đáp ứng được gì cho nguyện vọng quần chúng hay không thì người ta mới ham thích tìm đọc. Huống chi với loại sách lý luận, chính trị của đảng vừa khô khan vừa vô bổ thì còn ai muốn đọc? Vả chăng hàng ngày những chiếc loa phường vẫn ra rả bên tai “Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh muôn năm” thì đọc sách chính trị cũng hoá nhàm và nhảm.
Ai cũng biết, chủ nghĩa cộng sản ra đời ở Âu Châu vào giữa thế kỷ 19 để giải thích và đáp ứng sự thất vọng của giai cấp công nhân chưa thích ứng được với những thay đổi trong quan hệ sản xuất mới, khi nền công nghiệp Tây phương đang trên đà phát triển. Chủ thuyết ấy được Liên Xô, Trung Quốc và một số quốc gia Đông Âu lấy làm nền tảng tư tưởng cho phong trào cộng sản, tạo sự liên kết để tìm con đường phát triển đất nước một cách nhanh chóng, hầu đuổi kịp khối Tự Do.
Nhưng sau một thời gian dài được khai thác triệt để, lý thuyết cộng sản đã bộc lộ nhiều nhược điểm của một công trình chỉ có sức hấp dẫn quần chúng lúc đầu với những giá trị giả tạo, phi thực tế của con đường tiến lên xã hội phồn vinh, mệnh danh xã hội chủ nghĩa. Đó là lý do cắt nghĩa sự thoái trào và tan vỡ của chủ nghĩa cộng sản, đã giúp các quốc gia nêu trên nhìn lại kịp thời, tìm con đường phát triển cho riêng cho mình.
Việt Nam trước đây cũng như các quốc gia thuộc địa khác, trước hoàn cảnh khắc nghiệt của dân tộc, một số lãnh đạo chống Pháp đã nhập cảng chủ thuyết cộng sản, khoác lên chiếc áo chủ nghĩa yêu nước và lôi kéo được quần chúng về phía mình. Sau khi nắm được quyền lực, do nhu cầu tồn tại độc quyền và lâu dài, họ tiếp tục coi giáo điều cộng sản là chân lý, bất chấp sự kiện chủ nghĩa xã hội đã chết và giờ đây chỉ còn là một mớ lý thuyết bầy nhầy, hoang tưởng.
Sự tô vẽ cái gọi là “tư tưởng Hồ Chí Minh” như đảng CSVN rao giảng hiện nay là chuyện hài hước, vì chính ông Hồ Chí Minh đã tự nhận không có tư tưởng gì khác, ngoài tư tưởng Mác-Lênin. Nhưng chuyện hài hước ấy vẫn được đảng đề cao, nhằm giúp các đảng viên như một thứ bùa ngải để bám víu vào đó, tiếp tục biện minh cho sự độc tôn quyền lực chính trị lẫn kinh tế, bóp chết các quyền tự do của người dân.
Thật ra, sách báo lý thuyết, chính trị của đảng sản xuất từ trước đến nay cũng không phải là ít. Ngoài những cây bút ăn lương tháng của các cơ quan như Tạp Chí Cộng Sản, Hội Đồng Lý Luận Trung Ương, Ban Tuyên Giáo Trung Ương, ngày đêm nặn óc viết những cuốn sách theo ý đảng, người ta còn thấy những công trình đồ sộ về lý luận Mác-Lênin khác.
Điển hình như Lê Duẩn Tuyển Tập, Hồ Chí Minh Toàn Tập hay sách dịch Lênin Toàn Tập của nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia. Ngay cả một tổng bí thư xuất thân ngành lâm nghiệp cũng đóng góp vào sự nghiệp lý luận của đảng bằng “Nông Đức Mạnh Tuyển Tập” gồm 4 cuốn dầy cộm. Tác giả của chúng là những nhân vật một thời là lãnh đạo cao cấp trong đảng, nên khả năng viện dẫn kinh điển Mác-Lê rất hùng hồn, vẽ ra con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa đầy vinh quang để ru ngủ quần chúng.
Cần nhìn nhận một sự thật là đại đa số các đảng viên cộng sản chẳng mấy ai “dám đọc” qua những tuyển tập và toàn tập này, ngoại trừ bị nhồi nhét trong những lớp học gọi là “bồi dưỡng chính trị.” Lẽ dĩ nhiên người dân thì đâu ai thèm đọc những mớ lý luận hoang tưởng hoàn toàn vô bổ đó, vì nó quá xa rời thực tiễn đời sống xã hội và nhất là đã lỗi thời.
Cái mà người dân cần đọc là những trào lưu tư tưởng mới mẻ, phong phú, những bài viết, sách báo phát huy dân chủ trong đời sống công dân, phát huy tính nhân bản trong giáo dục và quyền làm người, quyền được sống trong một môi trường xã hội công bằng, lành mạnh. Đó là nhu cầu thiết yếu của một đất nước tiến bộ mà bất cứ nhà cầm quyền nào cũng phải hiểu thấu hầu cai trị một cách thành công.
Nhưng những điều này ở Việt Nam chẳng những không có mà còn bị cấm đoán, thậm chí nếu có người truyền đạt hay phổ biến lập tức bị chế độ bắt và cầm tù. Chính vì thế mặc dù nắm độc quyền viết, xuất bản, phổ biến nhưng những sách báo tuyên truyền của chế độ cũng chỉ in ra để làm cây kiểng trên giá sách. Với những lý luận một chiều nhằm mục tiêu tô vẽ hình ảnh đảng Cộng Sản được lập đi lập lại càng làm lộ rõ sự lỗi thời, bế tắc nên người đọc và ngay cả đảng viên cũng chẳng ai quan tâm.
Do đó Chỉ Thị 44 của Thường Trực Ban Bí Thư Trần Quốc Vượng ngoài việc giúp thêm công ăn việc làm cho đám văn nô của đảng sống còn trong thời buổi kinh tế thị trường, nhưng quan trọng hơn là ông Vượng muốn làm an lòng nội bộ đảng là sẽ tiếp tục đi theo con đường “hồng hơn chuyên” sau khi thay thế Nguyễn Phú Trọng.
Phạm Nhật Bình