Đỗ Ngà - Van Nga Do|
"Anh có quyền im lặng, những gì anh nói sẽ là bằng chứng chống lại anh trước Toà" là câu cửa miệng của nhân viên điều tra khi họ bắt giữ tội phạm ở các nước dân chủ. Đây là nghĩa vụ của nhân viên điều tra, luật pháp trao cho bị can quyền im lặng và cũng “khuyến mãi” luôn quyền được biết cho họ. Luật người ta nhân bản thế đấy. Chưa hết, ngoài quyền im lặng và quyền được biết, nghi phạm còn được luật pháp trao cho họ quyền được có luật sư ngay từ đầu.
Như ta biết, khi mới bị bắt, vì hoảng loạn hoặc vì mất bình tĩnh mà nghi phạm có thể nói bừa hay nói ngang kiểu thách thức lực lượng bắt giữ. Thực tế rất nhiều người hay phạm vào khuyết điểm này. Mà hầu hết người dân thì lại không hiểu hết luật pháp, họ cũng không thấu hiểu hết quy trình tố tụng nên lúc mới bị bắt, họ rất dễ bị sa vào bẫy của chính lời nói chính mình. Chính vì lẽ đó mà quyền im lặng được ra đời.
Để trám vào sự thiếu hiểu biết về pháp luật của của các phạm nhân, thì luật pháp cũng đã trao cho họ quyền được có luật sư ngay từ đầu. Chỉ có luật sư mới biết thân chủ của họ nên nói những gì và nên im lặng những gì. Theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì tất nhiên nghi phạm, bị can, hay bị cáo đều được xem chưa phải là tội phạm nếu tòa chưa tuyên án. Biết đâu người mà bị lực lượng chấp pháp bắt ấy là vô tội thì sao? Nên luật pháp đã trao cho mọi bị can đều có quyền có luật sư ngay từ đầu là vậy. Thế mới thấy cách làm luật của những nước dân chủ họ không những chặt chẽ mà còn rất nhân bản.
Thực tế, quyền giữ im lặng và quyền có luật sư ngay từ đầu nó là 2 chiếc đũa trong một đôi đũa, nếu thiếu một trong hai thì tất có những kẻ hở pháp lý, và chính kẽ hở này mà dẫn đến buộc tội oan. Nếu thiếu quyền im lặng, thì nhân viên điều tra có thể dễ dàng khai thác lời khai của nghi phạm trong lúc hoảng loạn, nếu thiếu quyền có luật sư từ đầu thì sẽ tạo ra khoảng trống để nhân viên điều tra ép cung, thậm chí nhục hình để vu oan giáng họa cho bị can. Đó là lý do vì sao quyền im lặng và quyền có luật sư ngay từ đầu phải được quy định song hành.
Những luật pháp có tính bảo vệ bị can như vậy tất nhiên nó không thể có được trong một nền chính trị độc tài toàn trị CS được, bởi vì với 96% là đảng viên ĐCS trong Quốc hội, thì rõ ràng không ai là đại diện cho dân thực sự cả. Mà tệ hại hơn, những người trong ngành công an, như các giám đốc sở công an các tỉnh thành hay những qua chức công an cấp bộ lại làm đại biểu quốc hội. Họ vừa muốn điều tra nhanh, họ muốn nhục hình ép cung để khoe “thành tích phá án giỏi” để mị dân thì làm sao họ có thể viết ra thứ luật vì người dân được? Họ không đứng về phía người dân thì làm sao họ có thể đứng trên quan điểm “suy đoán vô tội” mà làm luật được? Vậy nên trong luật pháp Việt Nam không đầy đủ 2 luật quy định quyền im lặng và quyền có luật sư từ đầu là vậy.
May thay vì có mạng internet, nên những điều luật văn minh ở xứ tự do cũng được các nhà chuyên môn đem lên mạng xã hội thảo luận để soi rõ bộ mặt man rợ của luật pháp Cộng sản. Đứng trước sức ép như vậy, Quốc hội bù nhìn CS cũng được bộ chính trị bật đèn xanh cho thông qua “quyền im lặng”. Và ngày 1 tháng 1 năm 2018 luật này đã trở thành một tu chính án bổ sung vào bộ Luật Tố Tụng Hình Sự năm 2015. Nói chung, sự bổ sung luật đơn điệu này là cách làm miễn cưỡng để cho có chứ thực sự trong quá trình tố tụng, nó không được phát huy. Như đã nói, quyền im lặng nó phải đi kèm quyền có luật sư từ đầu, như vậy CS chỉ thông qua luật về Quyền im lặng, thì xem như luật này được làm ra là chỉ để làm cảnh thôi, không hơn không kém.
Trên thực tế, khi công an CS khi bắt người họ không bao giờ thông báo cho bị can biết là bị can có quyền giữ im lặng cho đến khi có luật sư đại diện. Thêm vào nữa là năm 2011, Bộ Công an cũng đã ra một văn bản dưới luật để tước đoạt quyền có luật sư từ đầu của bị can, đó chính là thông tư Thông tư 70/2011/TT-BCA. Trong điều 5 của Thông tư này có quy định, chỉ khi nào được cơ quan tố tụng cấp giấy chứng nhận bào chữa thì luật sư mới được quyền đại diện cho bị can. Cái bệnh hoạn của luật pháp CS là văn bản dưới luật lại loại bỏ những điều khoản trong luật pháp, những điều khoản trong luật pháp có thể loại bỏ những điều khoản trong hiến pháp. Cho nên nếu có luật mới quy định quyền có luật sư ngay từ đầu thì cũng bị thông tư này hoá giải.
Không nhắc nghi phạm quyền giữ im lặng và ra thông tư hạn chế quyền mời luật sư của phạm nhân phải nói là một chiêu trò gian xảo. Chính nó cho thấy Công an CS cố tình tạo khoảng trống do thiếu vắng luật sư để ép cung nhục hình phạm nhân, và từ đó họ mới dễ dàng nặn ra những bản án “hoàn hảo” và nhanh chóng để kết thúc điều tra sớm. Vậy nên mới nói, việc ép cung nhục hình nó được xây dựng bài bản từ ý đồ làm luật và từ quy định quái đản về quá trình tố tụng, cho nên mọi người đừng nghĩ nhục hình bức cung chỉ là “sai sót”, mà phải hiểu nó là ý đồ mang tính hệ thống của ĐCS.
Để dọn đường cho quá trình ép cung, Cộng Sản đã làm như thế đó. Bản chất CS là muốn tất cả mọi người phải thừa nhận những gì đảng muốn, nên tất họ phải tạo ra những thứ luật pháp rừng rú như vậy. Việc Hồ Duy Hải bị oan chỉ là một trong vô số vụ án oan như vậy mà thôi. Cũng bởi có mạng xã hội, cũng bởi Hải có một bà mẹ vĩ đại và những người thân tuyệt vời, cũng bởi còn đó những luật sư có tâm luôn sát cánh cùng gia đình Hải nên mới có phiên tòa giám đốc thẩm. Chỉ có vụ án nào có lực khui quá mạnh như thế thì dân mới biết, còn vô số những vụ án không có lực khui đủ mạnh thì rõ ràng những nạn nhân ấy phải chấp nhận xanh cỏ cùng với nỗi oan không bao giờ giải do thứ “pháp quyền” khốn nạn này mang đến.
Đào sâu để chúng ta thấy, việc vu cáo giáng họa bằng cách ép cung nhục hình nó là thủ đoạn mang tính hệ thống chứ không phải là sai sót. Mục đích của nó là để trám đi lỗ hổng nghiệp vụ kém cỏi của ngành công an CS, và cũng đồng thời nhằm mục đích gieo rắc sự kinh hãi với nhân dân để đạt mục đích cai trị. CS muốn dân hiểu rằng “Dù vô tội, dù sống theo hiến pháp và pháp luật thì cũng chẳng thể an toàn nếu tao muốn chúng mầy có tội. Đừng có dại mà làm phật ý đảng!”. Bản chất là như vậy, nên sẽ không bao giờ có luật công minh và một nền tư pháp vì công lý được. Không bao giờ!
-Đỗ Ngà-