Đức cha A. Nguyễn Hữu Long chụp hình chung với cán bộ Đảng cộng sản tại một Văn phòng Đảng ủy tại Nghệ An.
Luật sư Lê Quốc Quân (tag) gửi trong Facebook cho tôi một bài viết về Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long. Trong bài có tấm hình ngài đi thăm Cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi đoán vậy vì hình chỉ có cờ búa liềm là cờ Đảng mà không có cờ tổ quốc việt Nam là cờ đỏ sao vàng.
Bình luận trong bài này độc giả Hung Tran viết rằng: “Thực ra rất nhiều người gửi cho Hung Tran tấm hình này, có anh em chủng viện, có giáo dân, có cả linh mục. Tuy nhiên, Hung Tran không đăng và không lên án, bởi lẽ chúng ta đang sống trong thể chế này, việc đến thăm nhau là điều bình thường..”
Đức TGM Ngô Quang Kiệt chúc tết xã giao đáp lễ UBND TP. Hà Nội, dịp tết Nguyên Đán năm 2008. Ngồi đầu là Đức TGM Ngô Quang Kiệt và Bà PCT UBND TP Hà Nội Ngô Thị Minh Hằng, bên cánh tay phải Đức TGM về phía trước là các linh mục Hà Nội. Bên trái là các cán bộ khác của UBND TP. Hà Nội. Hình tôi chụp từ vị trí ngồi của tôi. Xem tin và hình đầy đủ do tôi Nguyễn Văn Khải viết với bút danh LM Đoàn Hà Nội còn lưu tại đây: https://viettan.org/duc-tgm-ha-noi-va-ubnd-ha-noi-chuc-tet…/
Tôi thấy cần phải góp thêm ít lời cho vấn đề sáng tỏ.
1.Sống ở Việt Nam tất nhiên tôi phải làm việc với cán bộ nhà nước.
Trong vụ Thái Hà-Tòa Khâm Sứ tôi cùng các cha và giáo dân cũng như với Đức Tồng Giám Mục phải gặp gỡ làm việc với các cán bộ cộng sản nhiều lần.
Tôi yêu yêu thương họ và tôi muốn họ bỏ đường tà theo đường chính để được hạnh phúc. Tôi nói trực tiếp với họ rằng: "Chúa không muốn quân gian ác phải chết, nhưng muốn nó bỏ đường tà để được sống".
Nhưng tôi phản đối và lên án các hành vi bạo lực và bất công mà họ đã và đang làm cho tôi và cho người khác. Con người họ tôi yêu thương, việc xấu xa của họ thì tôi ghét bỏ. Tôi kết án tội chứ tôi không kết án người có tội.
2.Có những việc chúng tôi không làm: Chúng tôi cũng không đến chúc mừng họ dịp kỷ niệm nọ kia, không ăn uống với họ, không tặng quà cho họ hay nhận quà của họ, không chụp hình chung với họ (1).
Vì sao? Vì tôi nghĩ và chúng tôi nghĩ rằng các cán bộ kia là dại diện cho một chính quyền phản dân hại nước, chuyên nghề kìm kẹp, thống trị, bóc lột, đàn áp dân, cho nên vì lý do lương tâm, tôi không thể làm các việc kia với họ.
Nếu tôi đứng chung với họ, ăn uống với họ, chúc tụng họ, tay bắt mặt mừng với họ, tự nhiên tôi thấy tôi có tội với người nghèo, với các nạn nhân đang bị chế độ lạm dụng; tôi thấy mình đang phản bội lại cha anh mình đã bị chính họ giết hại, vì cũng các cán bộ của chế độ kia đã và đang hà hiếp và bóc lột dân lành, bách hại giáo dân và Giáo Hội.
Mọi lý lẽ biện minh cho thái đội trên đây của tôi với các cán bộ cộng sản kể cả lý do tốt đẹp như là để chứng tỏ thiện chí, để đối thoại, để truyền giáo theo tôi đều là ngụy biện. Chưa kể mình còn bị chính cán bộ cười trước mặt mà khinh sau lưng.
Đối thoại chỉ đích thực là đối thoại khi nó được tiến hành trong sự tôn trọng nhau và trên nền tảng của sự thật và công lý. Nếu không thì chỉ còn là thỏa hiệp, hoặc là "ngưu tầm ngưu mã tầm mã để chia sẻ quyền lực và quyền lợi!
Giao tiếp ở mức xã giao và giữ khoảng cách với mọi cán bộ chính quyền là cần, dù là chính quyền tốt; mọi biểu hiện thân thiện hồ hởi với các cán bộ của một chính quyền phản dân hại nước đều là phản chứng.
Không những giáo luật cấm chỉ mà về mặt luân lý cũng không cho phép mình dan díu với các cá nhân hay tổ chức vi phạm nhân quyền, gây tội ác.
3-Tại Việt Nam vào dịp Lễ Giáng Sinh hay dịp Tết Nguyên Đán, các cán bộ cộng sản tự ý đến chúc mừng các đức cha ở Tòa Giám Mục hay chúc mừng các linh mục và giáo dân ở nhà thờ giáo xứ.
Đấy không phải là việc hành chính. Các cán bộ của các quốc gia không có bổn phận làm việc này. Nếu ở Việt Nam, các cán bộ nhà nước làm thì đấy là tự ý họ. Tòa Giám Mục và giáo xứ không đòi! Họ làm chỉ có mục đích tuyên truyền hoặc kết hợp vận động hay áp lực mình làm gì đó theo ý họ mà thôi.
Nếu cứ coi đấy là việc bổn phận của họ đi nữa, thì đấy là một việc làm gắn liền với chức vụ của họ. Họ thực hiện một công vụ nhân danh chính quyền và họ được trả lương để làm việc này. Tiền lương của họ và tiền quà họ tặng Giáo Hội cũng là tiền thuế của người dân là chúng ta đóng góp.
Tôi không buộc phải đi đáp lễ họ, coi như việc có đi có lại. Vì nếu vậy có nghĩa là tôi đang lấy thời gian phục vụ người nghèo để đi thăm các cán bộ kia và tôi đang đi lấy tiền bạc của Giáo Hội do giáo dân đóng góp để tặng quà các cán bộ kia ! Bất công! Thăm viếng và tặng quà cán bộ chính quyền không phải là công vụ, là bổn phận của giáo sĩ và của công dân.
4.Phân biệt cơ quan chính quyền và cơ quan của Đảng. Giáo Hội khuyến khích giáo dân làm chính trị. Tuy nhiên, giáo luật cấm các giáo sĩ làm chính trị, cụ thể là cấm tham gia đảng phái chính trị, cấm hậu thuẫn các đảng phái chính trị dưới mọi hình thức.
Ở mọi quốc gia, một linh mục như tôi đều có thể đến một cơ quan chính quyền vì xã giao hay vì tư vụ hoặc công vụ. Việc đó không sai giáo luật. Nhưng nếu tôi đến văn phòng của một đảng phái chính trị thì sai. Thí dụ ở Việt Nam, nếu đến UBND thì đúng, nhưng đến Huyện ủy, Tỉnh Ủy thì sai.
Vì giáo luật cấm giáo sĩ có những lời nói và hành vi công khai ủng hộ một đảng phái chính trị và sự khôn ngoan mục vụ buộc các giáo sĩ phải giữ khoảng cách với các đảng chính trị, nếu không muốn xảy ra chia rẽ và kiện cáo trong cộng đoàn và rắc rối cho Giáo Hội.
Đối với Đảng Cộng sản thì càng phải tránh xa. Vì Đảng này có nhân sinh quan và vũ trụ quan trái với Kitô giáo. Là Đảng bách hại tôn giáo và vì vậy đã bị Giáo Hội kết án.
Ở Ý cũng như ở Mỹ là hai nơi những năm vừa qua tôi sống nhiều, tôi chả bao giờ thấy các linh mục hay giám mục giám đến Văn phòng một đảng chính trị nào, các linh mục và giám mục càng không dám chụp hình với lãnh đạo các đảng chính trị chứ đừng nói là nhận quà hay tặng quà. Giám mục hoặc linh mục nào cả gan làm vậy thì chắc chắn không mất chức cũng không yên với báo chí, với giáo dân và giáo quyền.
Mọi người, kể cả giám mục, linh mục đều có quyền chỉ trích những cái bất cập hay thái quá trái với giáo lý Kitô giáo của các đảng chính trị khác nhau. Tất nhiên ở những nơi chốn thích hợp! Nhưng không được khen một đảng chính trị nào. Chê thì được, nhưng khen thì không. Nếu khen sẽ bị tiếng là đang hậu thuẫn cho đảng ấy. Vì thế tối kỵ khen!
Nhưng nếu tôi là người có quyền, tôi ủng hộ đảng này bằng hành động và lời nói, trong khi đó tôi lại đi cấm người khác bàn luận về những việc xấu mà đảng và chính quyền do đảng ấy lãnh đạo thì lúc đấy một cách tự nhiên tôi đang ứng xử theo tiêu chuẩn kép, ứng xử hai mặt, và có nghĩa là tôi đang tự biến mình trở thành tai sai của đảng chính trị ấy hoặc để cho đảng chính trị ấy lợi dụng tôi./.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải CSSR
PS: Phê bình, chỉ trích, lên án các việc làm xấu xa của chế độ, của các cán bộ thì đó không phải là nói chính trị hay làm chính trị. Đó chỉ là bổn phận phải lên tiếng của mọi người có lương tri để bảo vệ công ích và bảo vệ người bị áp bức, mưu tìm công lý và sự thật. Tại Việt Nam Cộng sản hay chụp mũ "chính trị" cho những người nói về vấn đề này và nếu mình cũng tin vậy là mình đang bị CS xỏ mũi. Đang hiểu sai vấn đề.
(1) Tất nhiên khi đang ngồi thì có các phóng viên của nhà nước và cả phóng viên bên nhà thờ chụp hình khung cảnh buổi làm việc hay gặp gỡ giữa hai bên.
*****
Mấy hôm nay tôi chia sẻ về cuộc phỏng vấn của cha Đăng Hữu Nam về vấn để “nghỉ mục vụ”. Cha Đặng Hữu Nam – một người bạn của tôi – đã rất thẳng thắn và chân thành nói rõ quan điểm của mình.
Tôi bất ngờ về lý do Đức Cha Long cho cha Nam "nghỉ mục vụ" và điều đó làm tôi thao thức khôn nguôi. Tôi muốn viết một cái gì đó nhưng cứ lo là mình chưa hiểu đủ, hiểu đúng về 2 nhân vật mà mình vô cùng yêu quý này.
Cha Đặng Hữu Nam thì tôi khỏi phải nói vì đã cùng sát cánh bên nhau đấu tranh nhiều, tôi cảm phục, ngưỡng mộ và yêu quý Ngài. Đó là điều không thể chuyển lay.
Còn Đức Cha Long thì tôi theo dõi, biết nhưng không gần gũi Ngài. Nhưng hôm nay, tôi có dịp chia sẻ nhiều và nói chuyện với một người em, vốn rất gần gũi với Đức Cha Long. Người em này đã từng lăn xả nhiều nơi cùng với Đức Cha Long suốt vùng biên cương phía bắc. Người em đầy lo lắng với tình hình ở Địa Phận Vinh và nói rằng cần phải hiểu hơn về Đức Cha Long, về những điều Ngài đã làm được ở Địa phận Hưng Hoá. Tôi lắng nghe, kiểm chứng và quyết định viết Status này.
Đối với Đức Cha Long ta sẽ thấy phương cách truyền giáo của Ngài là: “Hãy đi đến nơi đó và ở lại”. Ngài có cách truyền giáo với mục tiêu là truyền giáo phát triển. Gần đây giáo hội chúng ta có khái niệm: Truyền giáo bảo tồn và Truyền giáo Phát triển. Đức Cha Long thiên về truyền giáo phát triển. Ngài không cố thủ, không chỉ bảo vệ cái mình đang có mà mong muốn cứ đi, bất cứ nơi đâu để quảng bá về Thiên Chúa, họ có nghe không thì tuỳ ý Chúa còn mình cứ gieo.
Ngài cho rằng cần phải “đi đến với họ”. Đức Cha đã đến tất cả các huyện ở biên giới Lào Cai, Sơn La, Lại Châu, Điện Biên, dù chính quyền có cho phép hay không. Ngài đã đến Mường Khương, huyện biên giới của Lào Cai rất nhiều lần. Giờ đây Mường Khương đã là một giáo họ và có thánh lễ đều. Hầu hết các trung tâm huyên biên giới đều đã có xứ đạo.
Mặc dù những khai phá ban đầu là của Dòng Chúa Cứu Thế nhưng cũng phải nói có công lao của Đức Cha Long. Ngài âm thầm đi, giao thiệp và ôm lấy những đàn chiên xa xôi, hẻo lánh, dù họ có thể là cán bộ chính quyền hay người dân tộc nghèo cùng khổ. Ngài chủ trương truyền giáo cho giáo viên, công chức vùng cao để hy vọng sẽ lan truyền đến người dân.
Giống như tôi, mọi người nhìn bức ảnh sau đây sẽ sốc. Bởi vì Cha đã đến thăm chính quyền, đứng dưới dòng chữ Đảng CSVN Quang Vinh mà theo tôi là đầy kinh hãi. Thế nhưng, chững lại một chút, tôi phải thừa nhận một sự thật buồn rằng trong tất cả trong các dịp lễ đều có thăm viếng như vậy, có đi có lại.
Thường thì sau khi khi Hội Đồng giám mục VN họp bầu lên lãnh đạo mới, chính quyền sẽ đến chúc mừng. Sau đó Ban lãnh đạo mới của HĐGM lại ra Văn phòng Thủ tướng chính phủ để chào đáp lễ.
Tương tự như vậy, dịp tết thì các Giám mục đến chúc tết Chủ tịch tỉnh hoặc là Bí thư tỉnh uỷ, trong khi trước đó vào dịp Noel thì chính quyền đến chúc mừng Toà giám mục. Họ đến nhà mình thì phải ngồi dưới tượng Chúa, còn mình đến nó thì phải ngồi bên dưới khẩu hiệu tôn sùng ĐCS. Đó cũng là lẽ thường tình vì mình đến nhà họ. Rất buồn khi thấy rằng đây là chuyện có thật và bây giờ hầu hết các Đức Cha vẫn theo phong cách đó. Thế nhưng vấn đề là có công bố hay không và công bố đến mức độ nào.
Nhìn hình ảnh Đức Cha Long và bên dưới là Truyền Hình Nghệ An đưa tin thì tôi thấy Đức Cha có vẻ đã bị truyền thông lợi dụng. Đức Cha Hợp tỉnh táo hơn trong việc này rất nhiều.
Tôi không thể nói điều gì khác. Tôi không thể phán xét bởi Chúa dạy “Các ngươi đừng phán xét ai, để mình khỏi bị phán xét. (Mt, 7:1) nhưng tôi thao thức vừa với tư cách là một con chiên lại vừa với tư cách là một người đấu tranh cho dân chủ, tự do của Việt Nam, chống lại chế độ độc tài này.
Bởi vậy, tôi nghĩ đối với người Công Giáo chúng ta, đặc biệt giáo dân Địa Phận Vinh thì trong những giai đoạn như thế này chúng ta cần phải thinh lặng, cần phải cầu nguyện để lắng nghe ý Chúa. Đừng đẩy đi quá đà mà làm chia rẽ, tổn thương cho Giáo Hội. Và khi bị chia rẽ, là lúc chúng ta yếu đi.
Abraham Lincoln đã nói 1 câu nổi tiếng, khắc ngay trong đền thờ của ông ở Washington DC, là: “"A house divided against itself, cannot stand.” Nghĩa là một ngôi nhà tự nó đã chia rẽ thì không thể đứng vững.
Với lòng yêu mến và kính trọng các đấng bậc, tôi viết Status này chỉ mong rằng chúng ta hãy kiên nhẫn hơn nữa, tìm hiểu về lòng trắc ẩn trong từng cá nhân của nhau để bao dung hơn, hiểu nhau hơn và lắng nghe ý Chúa nhiều hơn.
Vì khi chỉ có vậy, thì Giáo hội chúng ta mới thực sự lớn mạnh được trong chế độ cộng sản Việt Nam và rộng hơn là cả hoàn cầu trong thời kỳ đầy thử thách này.