“Luật sư, đứa con hoang của ngành tư pháp?”

Tuan Ngo

 Luật sư Ngô Anh Tuấn sau phiên toà xét xử ngày thứ 1 :

Hôm nay, ngày xét xử đầu tiên của vụ án xảy ra tại thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội ngày 09/01/2020; vụ án này dự kiến sẽ diễn ra trong 10 ngày tại trụ sở TAND Cấp cao tại Hà Nội. Một thực tế là trong các vụ án mang màu sắc chính trị thì việc kiểm soát an ninh chặt chẽ từ vòng ngoài là chuyện thường và tôi không tỏ thái độ khó chịu dù bị kiểm tra ít nhất 4 vòng. Tuy nhiên, điều khiến tôi vô cùng phẫn nộ đối với việc tổ chức phiên toà sáng nay là những vấn đề sau:
 

1. Dù TAND thành phố Hà Nội mượn trụ sở của TAND Cấp cao tại Hà Nội để xét xử nhưng luật sư không được đi xe vào sân toà để gửi như những phiên toà khác, khắp dãy phố Phạm Văn Bạch từ khu vực Thanh tra Chính phủ tới trụ sở VKSNDTC, luật sư cũng không được để xe, ngay cả các chỗ trông xe của dân xung quanh đó cũng được công an trưng dụng, dù còn chỗ nhưng cũng không cho luật sư gửi. Riêng việc tìm chỗ đỗ xe, tôi mất gần 30 phút loay hoay tìm nơi. Một cán bộ an ninh quen với tôi khá lâu bảo luật sư cứ vứt ngoài đường để vào toà đi cho kịp giờ, nếu công an cẩu xe thì tôi đi “xin” cho nhưng tôi không muốn phiền tới họ...

2. TAND Cấp cao Hà Nội mở cổng cho tất cả mọi người vào làm việc nhưng kiên quyết không cho luật sư đi vào mà bắt luật sư phải đi vòng lại cổng TAND thành phố Hà Nội cách đó khoảng 200m. Chưa hết, vào được cổng TAND thành phố Hà Nội, lại phải đi 1 vòng qua sau lưng TAND Cấp cao tại Hà Nội, vòng qua cửa chính TAND Cấp cao tại Hà Nội rồi mới đi vào bên cổng phụ để vào toà. Nghĩa là để đi được vào phòng xử án, các cán bộ của các cơ quan khác chỉ mất trên dưới 50m, còn luật sư phải đi vòng hết ít nhất là 350m. Trời sáng nay mưa tầm tã, vào được đến toà bằng kiểu cực hình đó, nhiều luật sư chúng tôi bị ướt sũng như luật sư Lê Văn Luân, Nguyễn Hà Luân, Phạm Lệ Quyên...và cả tôi, Ngô Anh Tuấn.

Tôi không hiểu người ta nghĩ luật sư là cái giới gì, xếp hạng gì trong hệ thống tư pháp Việt Nam nữa. Họ đang nghĩ luật sư là những kẻ cặn bã, những kẻ cúi đầu chạy án, ngậm miệng ăn tiền...? Ai cho họ cái quyền phân biệt đối xử với luật sư? Không chỉ các luật sư được gia đình các bị cáo mời bị đối xử tệ hại mà chính những luật sư chỉ định (mà nhiều người coi đó như là tay sai của họ, bước theo chân họ và nói theo miệng họ) cũng bị đối xử như vậy. Tuy nhiên, chỉ có kẻ “lắm mồm” như tôi mới dám nổi khùng lên và vào quát ầm ĩ mà thôi, còn những người khác đều ngoan ngoãn chấp nhận vì chắc họ nghĩ phận mình chỉ đáng vậy thôi, có ý kiến cũng bằng thừa.

Trong khi đó, người cấp thẻ hành nghề cho luật sư là Bộ Tư pháp thì cũng chẳng coi giới luật sư ra gì, họ chỉ săm soi tìm các lỗi sơ hở của luật sư để phạt hay dọa nạt tước thẻ hành nghề. Liên đoàn luật sư thì nhiều việc, không bao quát hết các vấn đề của đồng nghiệp dù dạo này họ cũng tỏ rõ sự quan tâm tới anh em hơn trước. Tệ nhất có thể nói là cái Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, ngoài việc lo đấu đá nội bộ thì họ chẳng quan tâm gì ngoài việc nhắc nộp phí thành viên...

Lý thuyết, luật sư là một mắt xích quan trọng, là nền tảng quan trọng cho công cuộc cải tổ nền tư pháp nước nhà để bắt kịp trình độ quốc tế nhưng thực tế thì khác xa. Về số lượng, lực lượng luật sư ngày một đông hơn nhưng vị thế của luật sư đang không được xem trọng đúng mực, không chỉ trong những phiên toà đặc biệt như phiên toà hôm nay. Nếu mỗi một luật sư không tự ý thức, tự đấu tranh trong từng tình huống nhỏ và nếu các cơ quan quản lý luật sư không có phương án, chính sách tốt để bảo vệ luật sư thì ngày càng nhiều những luật sư tâm huyết, có tài sẽ bỏ nghề và phần lớn sẽ sống xuôi theo chiều gió để tồn tại - khi đó, nếu xã hội có khinh chúng ta hơn nữa thì đó âu cũng là điều xứng đáng!