Vụ án Đồng Tâm dự tính kéo dài trong 10 ngày nhưng chỉ trong 4 ngày là kết thúc. Trong 4 ngày này người dân lần lượt thấy rõ mồn một một bản cáo trạng đầy rẫy chi tiết bịa đặt. Chưa hết, tại tòa án nhờ các luật sư liên tục cập nhật tình hình nên hội đồng xét xử lộ rõ bộ mặt chà đạp lên quy trình tố tụng, và thêm vào đó là những hành động côn đồ của công an với các luật sư.
Nói thẳng ra đây là một bản án bỏ túi, những mức án đã định trước khi tòa diễn ra. Một bản án đã có kết quả khi chưa xử mà bắt hội đồng xét xử và công an phải nặn ra những màn kịch để diễn cho đúng 10 ngày thì rõ ràng đó là yêu cầu quá sức đối với họ. Và thực tế họ chỉ mới diễn trong 4 ngày mà mặt nạ của họ bị rơi xuống đất sạch trơn. Mặt nạ đã vỡ thì diễn thế nào được nữa đây? Nên phải kết thúc sớm là điều tất yếu.
Ngày 14/09/2020, trong cuộc họp báo cáo công tác năm của ngành tòa án và kiểm sát trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội tháng 10 sắp tới có cho biết rằng "Một bộ phận kiểm sát viên chưa chủ động tranh luận". Vâng! Đây là sự thật, và chắc chắn rằng vấn đề này sẽ tồn tại mãi mà không thể nào khắc phục được. Lý do tại sao như vậy?
Nguyên nhân là do án bỏ túi. Án bỏ túi là một loại án được định sẵn bởi ý muốn của kẻ có quyền lực lớn. Tất nhiên nó trái sự thật nên quyền lực mới can thiệp chứ nếu nó đúng sự thật thì để tòa diễn ra đúng thủ tục chứ dùng quyền lực can thiệp làm gì cho tai tiếng? Để hợp thức hóa một bản án bỏ túi thì bắt buộc các cơ quan gồm: cảnh sát điều tra, hội đồng xét xử, và cơ quan công tố phải ngồi lại vẽ ra những tình tiết để hợp thức hóa bản án sai trái ấy. Nói chung đã là án bỏ túi thì mọi bước thực hiện công tác tố tụng chỉ là một vở kịch được dàn dựng. Vậy nên khi những “kịch sĩ” đối mặt với các luật sư bào chữa họ không bao giờ dám đối mặt một cách chủ động bằng cách dùng những lập luận dựa trên pháp luật được mà họ phải dùng chiêu. Chiêu đó là gì? Đó chính là thái độ cửa quyền gạt ra ngoài lề những câu chất vấn của luật sư. Đó là lý do tại sao “kiểm sát viên chưa chủ động tranh luận”. Đã “danh không chính” thì tất "ngôn không thuận” thôi. Loại án bỏ túi vốn dĩ về bản chất nó có danh không chính thì tất các “kịch sĩ” sẽ vướng vào khó khăn “ngôn không thuận” không thể khác được.
Đã là án bỏ túi thì tất xảy ra oan sai. Mà đã bị oan sai thì tất người ta phải kêu gào hết mọi cấp xét xử miễm sao để có thể được minh oan. Hết phúc thẩm mà vẫn oan thì người ta gào đến giám đốc thẩm, giám đốc thẩm rồi mà vẫn oan người ta gào tiếp để cốt sao được tái thẩm. Nói chung, những đơn đề nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm hầu hết là những án oan, thế nhưng trong báo cáo của ngành tòa án và kiểm sát ngày 14/09 thì chỉ có 47% đơn đề nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm được xem xét, còn lại 53% là chính quyền làm lơ luôn.
Thực ra một khi đã là án bỏ túi thì không bao giờ chính quyền xem xét giám đốc thẩm, trừ khi có sức ép quá lớn từ truyền thông và mạng xã hội như vụ án Hồ Duy Hải. Vụ án Hồ Duy Hải đã cho thấy công an điều tra tỉnh Long An ngụy tạo chứng cứ nhằm mục đích ép chết Hồ Duy Hải. Và sau đó là các cấp xét xử từ sơ thẩm đến giám đốc thẩm đều răm rắp phát ra một giọng điệu như nhau như chúng ta đã chứng kiến. Đây là một dấu hiệu cho thấy, chính quyền xử án theo một bản thiết kế lập sẵn chứ không phải mỗi cấp xét xử là một phiên tòa độc lập đúng với quy trình tố tụng. Đã là chà đạp lên luật pháp trắng trợn thì càng xử qua nhiều cấp tất mặt nạ dối trá càng bị lột ra nhiều hơn. Chính vì thế mới có chuyện 53% đơn đề nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm bị vứt xó là vậy.
Qua báo cáo của ngành tòa án và kiểm sát, kết hợp với thực tế những phiên tòa nổi tiếng những năm gần đây cho chúng ta thấy rất rõ bản măt của chế độ này. Làm án theo ý chí chủ quan của thế lực chính trị vẫn mãi là cách mà hệ thống tư pháp nước này vận hành, không thể khác được. Còn CS thì thần công lý vẫn không thể hiện diện ở xứ Việt Nam này được. Công lý và CS là hai phạm trù mà chúng ta thấy nó không thể đứng chung nhau được.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
https://tuoitre.vn/ket-qua-xet-xu-mot-so-vu-an-chua-duoc-du…