Người Buôn Gió
Thời kỳ đỉnh cao quyền lực của Nguyễn Phú Trọng đã có những dấu hiệu đi xuống. Những nguyên nhân khiến cho ông Trọng mới ở đỉnh cao rực rỡ từ mấy năm trước, nay thành cái bóng như sau.
1. Bệnh tình khiến ông không thể đi lại được, mặc dù cả hai vị trí trong tứ trụ, nhưng ông hoạ hoằn lắm mới đủ sức đi loanh quanh trong khu vực Hà Nội. Từ khi tiếp nhận CTN, ông chưa có một lần nào chủ trì một buổi lễ tầm quốc gia.
2. Tuổi tác ông quá cao so với điều lệ, ông đã lạm dụng quyền lực để vượt lên điều lệ, tự đặt chọn mình là người đặc biệt làm thêm nhiệm kỳ, nay tuổi cao, sức yếu, ông khó lấy thêm lý do nào để làm nhiệm kỳ nữa.
3. Ông Trọng cầm ngọn cờ diệt tham nhũng để thể hiện lý do cho việc ở lại. Nhưng ' tham nhũng'' bị ông diệt là những tên ''vô chủ''. Số ''tham nhũng'' đang tồn tại đều có chủ. Chủ của chúng là các đương kim uỷ viên BCT hay cựu uỷ viên BCT có ảnh hưởng. Nếu ông Trọng còn tiếp ghế, có lẽ chẳng có những vụ xử tham nhũng nào lớn xảy ra nữa. Nhưng nếu ông Trọng về, có thể cuộc chiến chống ''tham nhũng'' sẽ diễn ra gay gắt hơn, ví dụ như ông Phúc nắm quyền, ông sẽ diệt những sân sau của Nguyễn Thiện Nhân, Trần Quốc Vượng.
4. Ông Trọng làm cản trở quan hệ ngoại giao bởi sự bảo thủ, trì trệ, kém năng động trong đối ngoại. Ngoài việc hô hào chống tham nhũng, đe doạ người này, lăng mạ người khác. Nhìn lại quá trình khoá vừa qua, ông Trọng không có dấu ấn gì trong phát triển kinh tế, đối ngoại.
Đáng chú ý là những vụ bắt bớ những quan chức cao cấp trước kia, mọi danh tiếng đều đổ về ông Trọng. Nhưng gần đây vụ bắt Nguyễn Đức Chung, không thấy báo chí đề cao sự chỉ đạo, quyết tâm từ ông Trọng nữa.
Một sự hạ bệ hay bỏ quên Nguyễn Phú Trọng đang diễn ra trên truyền thông.
Nhìn vụ bắt Nguyễn Đức Chung, mới thấy được quyền lực sinh sát đã về tay thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi Phúc được ủng hộ của Tô Lâm và phái Nghệ An, Hà Tĩnh, Long An. Phúc đã biết thời cơ để vất cái áo khoác nịnh bợ Cụ Trọng bấy lâu, để tự mình trở thành nhân vật số một của chính trường Việt Nam. Điều nay là tất nhiên, ở vị trí của mình, nếu Phúc không nằm vị trí số 1, để vào tay người khác là điều tối kỵ trong quan trường.
Vụ bắt Nguyễn Đức Chung, Phúc và Bộ Công An đã chơi một cách táo bạo và quyết liệt, không cần phải chờ ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ Đạo 110, Ban Bí Thư, Bộ Chính Trị... vì phe Phúc biết nếu chờ những nơi này quyết định, khó lòng mà bắt được Nguyễn Đức Chung vì chứng cứ trình để bắt một uỷ viên trung ương hạt giống nắm giữ vị trí quan trọng phải thật thuyết phục.
Thế nên Phúc và Bộ Công An bắt lái xe, trợ lý của Chung rất bất ngờ. Những nhân vật này không thuộc diện quản lý của Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư. Nên việc bắt giữ họ dễ dàng mà các cơ quan kia không thể nào can thiệp. Rồi bất ngờ tiếp theo là bắt Nguyễn Đức Chung, trên cơ sở những lời khai của những người kia. Mọi việc đã rồi, Ban Bí Thư, Bô Chính Trị, Ban chỉ đạo 110 không thể làm gì khác được, ngậm đắng mà đồng ý để cho Phúc và Bộ Công An vượt mặt mình. Nếu việc đã thế rồi, chấp nhận đồng tình coi việc bắt Chung Con là chủ trương của đảng còn giữ được thể diện, ăn ké theo chút tiếng tăm. Còn nếu phản đối ra mặt, thì một là tan đảng, hai là phe Phúc và Bộ Công An có lý do làm cuộc thay đổi để nắm trọn quyền lực.
Việc Chu Ngọc Anh Bộ trưởng Khoa Học và Công Nghệ được phe Phúc giới thiệu làm chủ tịch Uỷ Ban TP Hà Nội với Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư còn đang dùng dằng. Phe Phúc quyết đoán đưa Chu Ngọc Anh ra quốc hội miễn nhiệm chức bộ trưởng KHCN.
Phê chuẩn miễn nhiệm để Chu Ngọc Anh đi đâu, làm gì?
Chu Ngọc Anh áo trắng giữa
Chu Ngọc Anh sinh năm 1965, năm nay Anh 55 tuổi. Là uỷ viên ban chấp hành trung ương, từng là phó bí thư rồi chủ tịch Phú Thọ trước khi nắm bộ trưởng KHCN.
Chu Ngọc Anh quá thích hợp cho cái ghế chủ tịch Hà Nội mà Chung Con để lại, ứng cử nào đưa ra mà thuyết phục hơn Anh cho cái ghế CTHN, khi mà báo chí bắt đầu đánh tiếng Hà Nội cần phát triển bằng khoa học và công nghệ.
Bắt Chung Con không cần đến ý kiến của BCT, BBT tức không cần thông qua cơ quan cao nhất của Đảng. Đưa một người về nắm giữ chủ tịch thủ đô cũng không cần thông qua cơ quan cao nhất của đảng. Phe Phúc chơi một trò rất độc là quyết đoán làm ngay, đưa việc vào sự đã rồi.
Phải đánh giá được tình thế, thực lực mới làm được điều đó.
Nhưng việc miễn nhiệm một người đang trong độ tuổi, không phải lý do kỷ luật thì phải có lý do gì khác như thuyên chuyển. Chẳng hạn như việc thuyên chuyển Vương Đình Huệ về làm bí thư Hà Nội, đến nửa năm sau mới miễn nhiệm chức phó thủ tướng. Còn quốc hội miễn nhiệm Chu Ngọc Anh thì phải biết ông này được sắp xếp đi đâu?
Tuy nhiên quốc hội do bà Ngân giờ cũng theo cánh ông Phúc và Bộ Công An, việc đồng ý miễn nhiệm Chu Ngọc Anh có thể xảy ra. Để không bị mất mặt thì ngay bây giờ BCT, BBT tức ông Trọng và Vượng phải đồng ý cho Anh về HN. Nếu đợi quốc hội miễn nhiệm và thủ tướng sắp xếp cho Chu Ngọc Anh về HN thì BCT, BBT chỉ là bù nhìn.
Trước ý kiến của chủ nhiệm văn phòng chính phủ đề xuất đợt tới quốc hội thêm mục miễn nhiệm cho Chu Ngọc Anh. Bà Tòng Thị Phóng, uỷ viên BCT, đàn em ruột của Nguyễn Phú Trọng đã lên tiếng phản đối trò mèo này của phe Nguyễn Xuân Phúc. Bà Phóng ý kiến chỉ bàn việc bãi nhiệm của những đại biểu vi phạm, còn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm phải bàn sau, không thể làm một lúc cả miễn nhiệm và bổ nhiệm cùng thời điểm, cái này còn phụ thuộc vào sự bố trí của trung ương (tức BCT, BBT).
Liệu ý kiến của bà Phóng có cản được mưu đồ đưa Chu Ngọc Anh làm CTHN của phe Nguyễn Xuân Phúc?
Rất khó, bởi phía quốc hội do bà Ngân làm chủ, đã sai Nguyễn Hạnh Phúc sắp xếp việc bãi nhiệm đại biểu đảo Sip Phạm Phú Quốc cùng với việc miễn nhiệm cho Chu Ngọc Anh vào ký họp quốc hội tới đây.
Ngày tàn của Nguyễn Phú Trọng đang đến, những địa phương, những cánh quân ở ngoài kinh thành đã không còn nghe lệnh của ông ta. Như một tên vua đang cảm thấy quyền lực kiểm soát đang dần thoát khỏi tay mình. Nhìn vào cuộc dâng hương HCM nhân quốc khánh mới đây, tháp tùng Nguyễn Phú Trọng không có nổi một đương kim uỷ viên BCT hay cựu uỷ viên BCT. Trong khi đó, cùng ngày, cùng lúc thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn một đoàn hùng hậu vào lăng dâng hương HCM có Nông Đức Mạnh, Trương Tấn Sang, Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng.
Trọng là người rất nhiều mưu trong việc tranh giành, kiểm soát quyền lực. Nhưng điểm yếu của ông ta là dùng những kẻ nhiều mưu như ông làm công cụ làm những việc đó!
Nếu không có ngón võ cuối cùng như sư phụ mèo dạy hổ là trèo lên cây, thì chỉ vài tháng nữa, ánh trăng rằm làng Lại Đà sẽ tắt lịm bởi hào quang xứ Quảng.
Người Buôn Gió