Ngày 16/09/2020, ba nước Anh, Pháp, Đức đã gửi Công hàm chung tới Liên Hiệp Quốc để bác bỏ “các quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với vùng Biển Đông, xem các quyền đó là trái với luật pháp quốc tế, đặc biệt là trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Như vậy, biển Đông không chỉ còn là khu vực được quan tâm đặc biệt của các cường quốc bên ngoài như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, mà giờ đây có thêm các cường quốc ở Âu châu.
Hành động trên cho thấy là ba quốc gia Anh, Pháp, Đức đang muốn đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong việc ngăn chận các tham vọng của Bắc Kinh ở các vùng biển chung quanh Trung Quốc, đặc biệt là Biển Đông, một vùng biển có tính chất chiến lược đối với các nước châu Âu, đặc biệt là Pháp và Anh.
Gần đây, chúng ta đã thấy Paris và Luân Đôn đều tỏ lập trường cứng rắn hơn bao giờ hết trước những hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm xác quyết chủ quyền của họ ở vùng Biển Đông. Cả hai cường quốc châu Âu này đều là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An và đều là cường quốc hạt nhân và hải quân, có khả năng tung lực lượng đến các vùng biển xa, đồng thời có nhiều lãnh thổ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Trong khi đó, vào năm ngoái, Pháp đã công bố một chiến lược khu vực, trong đó Paris cho biết « sẽ củng cố vai trò của nước này với tư cách một cường quốc khu vực ở vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương, bảo vệ các lợi ích chủ quyền và an ninh cho các công dân của mình, đồng thời tích cực đóng góp vào sự ổn định quốc tế ». Chính phủ của tổng thống Emmanuel Macron đã tăng cường quan hệ với các cường quốc dân chủ trong khu vực Úc, Nhật, Ấn Độ và với các nước Đông Nam Á. Trong chuyến thăm châu Á vào năm 2018, tổng thống Macron đã kêu gọi thiết lập các liên minh chiến lược mới, trong đó có trục Pháp-Úc-Ấn Độ, để duy trì một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Pháp cũng đã biểu dương lực lượng hải quân khi tham gia các chiến dịch do Mỹ dẫn đầu nhằm bảo vệ tự do lưu thông trên biển và trên không ở các vùng biển kế cận Trung Quốc, trong đó có Biển Đông.
Riêng đối với Anh, có tin là thủ tướng Boris Johnson đang xem xét khả năng điều hàng không mẫu hạm mới HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông để biểu dương lực lượng, cũng như yểm trợ cho các đối tác như Hoa Kỳ.
Ngay cả nước Đức, không phải là một cường quốc hải quân và cũng không có lãnh thổ trong khu vực, vào đầu tháng này cũng đã lần đầu tiên công bố một tài liệu gọi là « Nguyên tắc chỉ đạo cho vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương », nêu bật tham vọng của Berlin « đóng góp tích cực vào việc hình thành trật tự quốc tế tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương ». Đối với ngoại trưởng Đức Heiko Maas trật tự đó « phải dựa trên luật pháp và hợp tác quốc tế, chứ không phải dựa trên luật của kẻ mạnh ».
Câu hỏi đặt ra là Việt Nam cần phải làm gì để hưởng lợi nhằm tăng cường sức mạnh cho quốc gia khi các cường quốc trên thế giới đều can dự vào biển Đông?
Đầu tiên, chúng ta phải khẳng định rằng Việt Nam là chủ nhà chính của khu vực biển Đông. Bởi theo qui định của luật biển quốc tế năm 1982(UNCLOS 1982) thì ngoài vùng nội thủy, Việt Nam tuyên bố 12 hải lý lãnh hải, thêm 12 hải lý vùng tiếp giáp lãnh hải, 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và cuối cùng là thềm lục địa. Diện tích vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam chiếm diện tích khoảng 1.000.000 km² biển Đông.
Thứ hai, vì chúng ta là nước chủ nhà và biển Đông là lợi ích sống còn của Việt Nam nên chúng ta phải chủ động trong việc vận động, thuyết phục các cường quốc quan tâm đến biển Đông tham gia Hội nghị thượng đỉnh hàng năm về biển Đông tại Việt Nam. Các quốc gia mà chúng ta mời như Hoa Kỳ, Nhật, Úc, Ấn Độ, Anh, Pháp, Đức, Đại diện EU,… tất nhiên không mời Trung Quốc.
Đồng thời Việt Nam cũng sẽ tổ chức các hội nghị cấp Bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng,… với các cường quốc quan tâm đến biển Đông
Tương tự với Quốc hội Việt Nam, các tổ chức XHDS của Việt Nam cũng tổ chức các hội nghị, hội thảo với các đối tác của các cường quốc quan tâm đến biển Đông.
Khi chúng ta tổ chức được các Hội nghị thượng đỉnh, cấp Bộ trưởng, Quốc hội và các tổ chức XHDS thì chắc chắn chúng ta sẽ nhận được sự ủng rất lớn về mọi mặt từ các cường quốc để chúng ta phát triển kinh tế, tăng cường quốc phòng để bảo vệ đất nước. Và chỉ khi chúng ta có sức mạnh thực sự về mọi mặt và có sự hỗ trợ của các đồng minh thì chúng ta mới có thể xây dựng được quan hệ láng giềng hữu nghị và bình đẳng với Trung Quốc.
Thứ ba, chúng ta xây dựng mối quan hệ đồng minh toàn diện với các cường quốc quan tâm tới biển Đông. Từ đó chúng ta sẽ nhận được sự giúp đỡ và hợp tác từ các cường quốc về mọi lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh, quốc phòng, chính trị, ngoại giao,….
Chỉ có quan hệ đồng minh toàn diện thì Việt Nam mới nhận được sự giúp đỡ thực chất và hiệu quả từ các nước đồng minh. Còn đối tác chiến lược hay toàn diện chỉ là quan hệ đôi bên cùng có lợi. Cái gì mà ta cần, nhưng đối tác thấy không có lợi cho họ thì họ cũng không giúp.
Thứ tư, chúng ta cho các quốc gia đồng minh như Hoa Kỳ, Nhật, Ấn Độ, Nato thuê các căn cứ quân sự, tiến hành tập trận chung hàng năm. Có như vậy, chúng ta sẽ nhận được nguồn lực tài chính từ việc cho thuê căn cứ quân sự, viện trợ quân sự, hợp tác huấn luyện,… để chúng ta tăng cường sức mạnh quốc phòng mà lại ít tốn kém tới tiền thuế của Nhân dân.
Kết luận: Khi chúng ta sử dụng tốt vị trí chiến lược của mình là chủ nhà của khu vực biển Đông thì chúng ta sẽ tranh thủ được sự giúp đỡ, viện trợ và hợp tác toàn diện của các cường quốc, các nước đồng minh để chúng ta xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam thành cường quốc trong khu vực và châu Á trong thời gian ngắn nhất.
Trong khi chúng ta có thể không cần dùng đến nguồn tài nguyên, khoáng sản mà để dành cho các thế hệ con cháu chúng ta.
Nhưng thực tế thì đảng và chế độ Cộng sản Việt Nam không đủ bản lĩnh, tâm và tầm để thực hiện chiến lược biển Đông như trên.
Bởi vậy, toàn thể Nhân dân Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước cần phải đoàn kết, đồng lòng, hợp tác cùng nhau đấu tranh xóa bỏ độc tài, dân chủ hóa đất nước. Một chính quyền do Nhân dân Việt Nam trực tiếp bầu lên thông qua cuộc bầu cử tự do và công bằng sẽ lãnh đạo đất nước thực hiện chiến lược biển Đông đưa Việt Nam thành cường quốc trong khu vực và châu Á.