Nguyễn Tấn Dũng tái xuất giang hồ

Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân

Trong những ngày qua, tên ông Nguyễn Tấn Dũng bỗng nhiên được nhắc tới nhiều hơn trên mạng xã hội, nhất là sau khi người con là Bí Thư tỉnh uỷ Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị được lệnh của Thủ Tướng Phúc triệu về nhiệm sở cũ ở Bộ Xây Dựng.

Gần 5 năm  qua, kể từ khi cầm sổ hưu về quê nhà “làm người tử tế” sau cuộc tranh quyền thất bại với Nguyễn Phú Trọng trong đại hội 12, ông Dũng sống im hơi lặng tiếng và ít xuất hiện công khai. Có thể lý giải, vì phe ông Trọng với chiêu bài đốt lò chống tham nhũng đã đánh quá mạnh vào những người đã từng cộng tác mật thiết với ông Dũng trước đây.

Bắt đầu từ vụ Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Anh rồi đến cặp đôi Vũ Huy Hoàng, Hồ Thị Kim Thoa lần lượt vào lò, tưởng chừng như phe Trọng tung hoành giữa chốn không người. Nhưng cũng có lúc họ gặp phải hiểm nghèo khi ông Trọng đến thăm Kiên Giang bị đột quỵ năm 2018 mà đến nay vẫn chưa bình phục.

Có thể nói cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng còn cao số nên đã qua được đợt đốt lò đầu tiên. Nay chỉ còn khoảng 2 tháng nữa, nếu ông Trọng hết làm tổng bí thư thì coi như ông Dũng và đàn em của ông thoát nạn. Đã có những điều chứng tỏ là ông Dũng đang tái xuất giang hồ sau thời gian tạm thời “phong kiếm quy ẩn,” nói theo kiểu kiếm hiệp Tàu.

Cuối tháng Chín, 2020,nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Ban Kinh Tế Trung Ương, cựu Thủ Tướng Dũng xuất hiện chính thức trên truyền thông nhà nước, trả lời một cuộc phỏng vấn của đài VTV. Ông Dũng hết lời ca ngợi “Ban Kinh Tế Trung Ương đã đóng góp quan trọng trong việc hoạch định và thực thi các chủ trương, chính sách lớn của đảng ta về phát triển kinh tế – xã hội nhanh chóng và bền vững của đất nước.” Dĩ nhiên không ai quên ông Dũng đã là trưởng ban năm 1996 trước khi được chỉ định làm phó thủ tướng.

Đến ngày 28 tháng Chín, ông Dũng tham dự đại hội đảng bộ quân đội tại Hà Nội cùng với Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trong lúc đó tại thành Hồ, Nguyễn Văn Nên, Chánh Văn Phòng Trung Ương Đảng được “giới thiệu” để bầu vào ghế bí thư thành uỷ thay thế Nguyễn Thiện Nhân. Nói cho đẹp là “giới thiệu,” nhưng thực ra đây là sự chỉ định của đảng. Ông Nên xuất thân từ Tây Ninh, cũng được mô tả là đàn em của Ba Dũng trước đây.

Nhưng quan trọng hơn hết, hai đại hội đảng bộ thành phố Hà Nội và đại hội đảng bộ Bộ Công An, diễn ra cùng ngày 12 tháng Mười, 2020. Thành phần tham dự của các nhân vật trong đảng, kể cả các nhân vật cựu trào, cho thấy có hai phe rõ rệt.

Nguyễn Phú Trọng trong cương vị tổng – tịch đi dự bên đảng bộ Hà Nội cùng với Trương Tấn Sang cựu Chủ Tịch Nước, vốn là một đồng minh của ông Trọng trong đại hội 12 đá bay Nguyễn Tấn Dũng về vườn. Trong khi đó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đi dự bên đại hội của đảng bộ Công An cùng với Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Sinh Hùng. Tuy ông Vượng cũng đi dự đại hội đảng bộ Công An nhưng rất mờ nhạt.

Sau khi dự đại hội đảng bộ Công An thì ông Nguyễn Xuân Phúc đi dự đại hội đảng bộ Hải Phòng và tiếp xúc với cử tri tại đây. Từ Hải Phòng, ông Phúc bay đi Sài Gòn để tham dự đại hội đảng bộ TP.HCM. Trong khi đó, ông Trần Quốc Vượng lại đi Tuyên Quang dự lễ khởi công xây dựng bảo tàng Tân Trào và đại hội đảng bộ Tuyên Quang.

Sự xuất hiện của ông Trần Quốc Vượng và ông Nguyễn Xuân Phúc qua các đại hội nói trên cho thấy là hình ảnh ông Phúc nổi bậc hơn ông Vượng rất nhiều.

Phải chăng ở hội nghị 13 vừa qua đã có cuộc “đảo chánh ngầm” khi phe ông Phúc được sự hậu thuẫn ngầm của phe ông Nguyễn Tấn Dũng, tìm cách loại ảnh hưởng của phe ông Trọng và ông Vượng, chuẩn bị cho cuộc đua ghế tổng bí thư sẽ quyết định tại hội nghị 14 vào cuối năm 2020.

Điều này cho thấy trận chiến tranh ghế tổng bí thư giữa Trần Quốc Vượng và Nguyễn Xuân Phúc đang hồi gay cấn. Nó làm cho người ta liên tưởng đến cảnh tranh quyền quyết liệt trong đại hội 12 vào năm 2016 giữa Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng.

Một dấu ấn khác được dư luận bàn tới nhiều trong sự tái xuất giang hồ của ông Dũng là Nguyễn Thanh Nghị kỳ này còn ở lại trung ương sau đại hội 13 hay sẽ về hưu non. Nếu Nghị tiếp tục được giới thiệu bầu vào ủy viên trung ương khoá 13, nhiều phần Nghị sẽ là bộ trưởng Bộ Xây Dựng trong chính phủ mới, hay chức cao hơn có thể là ủy viên Bộ Chính Trị chẳng hạn.

Vì thế, sự xuất hiện trở lại của Nguyễn Tấn Dũng có thể cho thấy hai điều:

– Chiến dịch đốt lò chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng chỉ là kế rung cây nhát khỉ. Chiến dịch ấy chỉ làm thịt được một số người thuộc phe Dũng trước đây, nhưng thực chất không dám đụng đến quyền lực phe nhóm Nguyễn Tấn Dũng ở phía Nam. Bằng chứng là lãnh chúa thành Hồ Lê Thanh Hải, chưa có luật pháp nào dám đụng đến. Đốt lò chống tham nhũng, cuối cùng là cơ hội tốt để đề cao Nguyễn Phú Trọng như một tổng bí thư “kiệt xuất” nhất từ sau Lê Duẩn.

– Với những gì đạt được trong thời gian 2 năm vừa qua, ông Trọng chỉ có thể đụng đến một số nhân sự từ Miền Trung trở ra mà thôi. Chứ trong Miền Nam, đặc biệt các tỉnh Nam Bộ hầu hết vững như bàn thạch vì có bàn tay bao che của phe nhóm ông Dũng.

Tóm lại, sự tranh giành quyền lực cao nhất trong đảng CSVN mỗi 5 năm một lần còn cho người dân Việt thấy, đảng này chỉ là một tập đoàn cai trị bất hợp pháp đứng trên và đứng ngoài quyền lợi đất nước.

Phạm Nhật Bình

XEM THÊM: