Từ năm 1975, Việt Nam đã trải qua ba cuộc cải cách giáo dục lớn. Lần thứ nhất (1992 – 1993), toàn bộ học sinh Việt Nam học theo hệ thống 12 năm từ tiểu học đến trung học phổ thông kéo theo đó là cải cách sách giáo khoa. Lần thứ hai (2002-2003), chương trình giáo dục phổ thông được đổi mới kéo theo việc thay đổi sách giáo khoa toàn bộ cho khối phổ thông. Lần thứ ba (2018 – 2019), chương trình giáo dục phổ thông được cải cách, giảm môn bắt buộc, tăng môn tự chọn. Đặc biệt sách giáo khoa lớp 1 đã được thay mới hoàn toàn trong lần này.
Nhìn lại trong ba lần cải cách giáo dục nói trên, dường như không hề mang lại hiệu quả gì cho nền kinh tế – xã hội Việt Nam. Cụ thể, theo số liệu thống kê từ Bộ Giáo Dục Việt Nam năm 2020 thì môn tiếng Anh vẫn tiếp tục là môn thi có điểm trung bình thấp nhất với số điểm 4,58 nhưng có rất nhiều thí sinh chỉ đạt 3,4 điểm (37.335 thí sinh).
Rõ ràng, hệ thống giáo dục Việt Nam đang có vấn đề nghiêm trọng; bởi lẽ, với thế giới toàn cầu hóa ngày nay, nhu cầu học sinh, sinh viên làm chủ ngôn ngữ quốc tế là điều kiện cần thiết để dễ dàng tiếp cận với kiến thức mới và việc làm thuận lợi. Rất tiếc là đa phần người trẻ tại Việt Nam không hề làm chủ được công cụ mềm này. Hệ quả là theo thống kê của Bộ Giáo Dục Việt Nam năm 2017, có 215,3 nghìn người ở trình độ cử nhân thất nghiệp, còn năm 2018 giảm còn 135,8 nghìn người nhưng vẫn là con số quá lớn.
Câu hỏi đặt ra là nguyên nhân nào dẫn đến những thống kê khá thất vọng này trong lĩnh vực giáo dục.
Điều này rõ ràng bắt nguồn từ các cấp lãnh đạo của Bộ Giáo Dục, khi thiếu tầm nhìn cho một chiến lược dài về đào tạo thanh, thiếu niên đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động Việt Nam. Cụ thể, Bộ Trưởng Giáo Dục Phùng Xuân Nhạ luôn kêu gọi các cơ sở giáo dục đào tạo gắn với thị trường lao động và nhu cầu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế thị trường lao động và nhu cầu doanh nghiệp thì luôn biến động không ngừng. Nếu năm nay thị trường tài chính đang lên ngôi, trường học mở rộng chỉ tiêu tuyển dụng, nhưng bốn năm tiếp theo khi sinh viên ra trường một cơn khủng hoảng tài chính diễn ra, thì hầu hết tất cả sinh viên các ngành đó khi tốt nghiệp sẽ thất nghiệp.
Chìa khóa để giải quyết bài toán này chính là chiến lược đào tạo nhằm đáp ứng từng phần nhỏ của thị trường lao động. Nhìn vào giáo dục phương Tây, học sinh bắt buộc từ bậc tiểu học và từ cấp 2 khi giáo viên lên lớp ở các tiết học ngoại ngữ, học sinh và giáo viên đều phải dùng ngoại ngữ để giáo tiếp với nhau, và học sinh phải vượt qua bài kiểm tra ngoại ngữ theo đúng tiêu chuẩn thì mới được tốt nghiệp trung học. Đây cũng là yêu cầu mà trước đây chế độ giáo dục Pháp áp dụng tại Việt Nam. Kết quả, những nhà văn hay nhà thơ như Nguyễn Tuân học hết bậc thành chung, Cù Huy Cận, Xuân Diệu tốt nghiệp cao đẳng canh nông đều có thể thành thạo tiếng Pháp và nắm vững chuyên môn.
Hiện tại chương trình giáo dục Việt Nam xuyên suốt 12 năm học đều rất nặng về các môn về xã hội và tự nhiên. Bản thân các em học sinh trên lớp đang phải học theo chương khuôn mẫu, mà thiếu định hướng theo năng lực của từng học sinh. Ngoài ra, những kỹ năng mềm thiết yếu như làm việc nhóm, tư duy độc lập, quản lý thời gian và giao tiếp thì luôn là điểm yếu của học sinh, sinh viên Việt Nam. Bởi trên lớp, họ không hề được luyện tập những điều đó, khi giáo viên là trung tâm của lớp học với tình trạng thầy nói trò chép. Kết quả, nhiều sinh viên ra trường mà cũng không thể tự viết nổi đơn xin việc.
Thái độ và đạo đức nghề nghiệp cũng là câu chuyện đáng báo động ở nền giáo dục Việt Nam, các công việc chính thức ở Việt Nam đều có bằng hành nghề như bác sĩ, luật sư hay giáo viên; tuy nhiên, đây chỉ là hình thức khi có sai phạm hầu hết họ không hề bị tước bằng, hay với chế độ biên chế trọn đời của công chức, viên chức thì đều chỉ dừng lại ở mức cảnh cáo hay xử phạt hành chính. Điều này dẫn đến đa phần người lao động Việt Nam thiếu tính chất chuyên nghiệp trong việc làm.
Điểm mấu chốt cuối cùng, ở các nước phát triển như Anh, Mỹ, sinh viên được linh hoạt trong việc chuyển ngành học ở bậc cao đẳng và đại học. Thêm nữa, trong năm đầu tiên, sinh viên được học các môn rất căn bản như tư duy phản biện (critical thinking), kỹ năng học tập (study skills) và một số môn cơ bản về ngành mà họ sẽ học trong tương lai. Điều này, giúp ích cho sinh viên dễ dàng tìm ra ngành học phù hợp với khả năng của họ từ sớm và có thể theo đuổi đam mê của mình.
Trái lại, ở Việt Nam việc chuyển ngành học hết sức phức tạp và khó khăn và giáo trình thì thiếu thực tế khi yêu cầu sinh viên của các ngành đều phải qua các môn đại cương như Triết học Mác – Lê Nin, Đường lối, Tư tưởng chiếm đến gần một phần tư tín chỉ cao đẳng đại học, dẫn đến sinh viên đang học đại học theo phong trào Việt Nam đang rơi vào tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ,” khi ai cũng có thể vào học đại học mà thiếu đi những bài kiểm tra và những kỹ năng chuyên biệt cho từng ngành học.
Tóm lại, giáo dục Việt Nam cần thay đổi tư tưởng đó là xây dựng một chương trình đào tạo căn bản và toàn diện để kết thúc 12 năm từ tiểu học đến trung học. Học sinh sau khi tốt nghiệp có thể làm chủ được ngôn ngữ thứ hai bên cạnh tiếng Việt, cùng với đó là những kỹ năng mềm cần thiết và thái độ học hỏi cầu tiến. Từ đó, học sinh sẽ tự đánh giá được bản thân mình để có kế hoạch sự nghiệp phù hợp cho bản thân, thay vì theo học một chương trình nặng về lý thuyết và thiếu ứng dụng như hiện nay./.